Là cha mẹ, những chủ đề xoay quanh con trẻ chúng ta thường nghĩ tới là việc đạt điểm cao, chơi thể thao giỏi, nhập học ở những ngôi trường danh tiếng, hoặc tìm được những công việc với thu nhập tốt. Tất cả những điều này đều rất tuyệt vời. Nhưng để trở nên thành công trong cuộc sống, có một phẩm chất con rất cần được nuôi dưỡng, đó là sức bật tinh thần (resilience).
Sức bật tinh thần, hay khả năng phục hồi (resilience) là khả năng vượt qua khó khăn và quay về trạng thái ổn định. Hay nói cách khác, đây là khả năng giúp ta đối diện với những thử thách trong cuộc sống, vấp ngã và đứng dậy mà không gặp quá nhiều tổn thất về mặt tinh thần.
Theo như Trung tâm phát triển trẻ em tại Đại học Harvard, có 04 yếu tố giúp trẻ phát triển năng lực phục hồi:
01. Mối quan hệ lành mạnh giữa trẻ và người lớn
Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng. Một mối quan hệ nuôi dưỡng và bền vững sẽ tạo nên những tác động rất lớn. Mối quan hệ này tạo tiền đề cho sự phát triển của con và giúp con hiểu rằng con không cô đơn, rằng con quan trọng với một ai đó. Cha mẹ nào cũng sẽ muốn phát triển một mối quan hệ tốt với con cái, nhưng cuộc sống bận rộn sẽ lấy đi nhiều thời gian của chúng ta. Dù vậy, cha mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian với con, và lưu ý là hãy thật sự để tâm tới con thay vì bị xao nhãng bởi những thứ khác. Cha mẹ có thể hỏi ngày của con thế nào, cùng con tham gia vào những hoạt động mà con ưa thích. Hãy đảm bảo con biết rằng dù chuyện gì có xảy ra thì cha mẹ luôn ở phía sau để ủng hộ con và luôn yêu thương con.
02. Niềm tin vào bản thân và khả năng tự chủ
Điều này có nghĩa là con nhận ra rằng khi gặp phải trở ngại, con vẫn luôn có khả năng đối diện và tìm phương án giải quyết. Chúng ta không thể thực hiện điều này chỉ bằng cách trấn an tinh thần con thông qua những lời khen như “Con thật giỏi” hay “Con có thể làm được.” Con cần phải tự học cách đứng lên sau vấp ngã. Từng chút một, cha mẹ hãy tạo thêm nhiều cơ hội để con có nhiều tự do hơn, để con đưa ra những quyết định cho riêng mình và nhận trách nhiệm cho những hành động của bản thân. Quá trình để con học cách tự lập cũng là một nỗi trăn trở của cha mẹ. Con sẽ vấp ngã nhiều và gặp nhiều tổn thương. Không cha mẹ nào lại mong muốn điều này cả. Nhưng với sự đồng hành và hỗ trợ của cha mẹ, quá trình này sẽ trở nên suôn sẻ và an toàn hơn rất nhiều.
03. Khả năng thích ứng và quản lý bản thân
Đây là một tổ hợp những kỹ năng mà con cần để quản lý bản thân trong cuộc sống thường nhật. Một số ví dụ có thể kể đến như kỹ năng tổ chức và ưu tiên công việc, khả năng tập trung, lên kế hoạch, đàm phán, hay kỹ năng làm việc với người khác và quản lý cảm xúc của bản thân. Các hoạt động ở trường học như nhạc kịch, thể thao, hay làm việc nhóm đều hỗ trợ con rất tốt trong việc phát triển những khả năng này. Một số trò chơi có thể phù hợp với những con ở lứa tuổi nhỏ hơn như Simon Says, Sudoku, những trò chơi xếp hình, Rubik hay giải đố ô chữ cũng bổ trợ việc rèn luyện năng lực nhận thức rất tốt.
04. Khả năng kết nối với cộng đồng
Cảm giác thuộc về một cộng đồng, và trở thành một phần của một điều gì đó lớn hơn bản thân cũng sẽ giúp con tìm được chỗ dựa khi cần. Khi trở thành một phần của cộng đồng, con sẽ được tiếp xúc với những giá trị tập thể và văn hóa giúp con xây dựng những góc nhìn mới trong cuộc sống. Đồng thời, con cũng sẽ học được cách giải quyết những thử thách và vấn đề đang gặp phải. Vì vậy, cha mẹ có thể khuyến khích con tham gia vào các hoạt động cộng đồng phù hợp với sở thích của con, hoặc tham gia các hoạt động xã hội để giúp con mở rộng thế giới quan của mình.
*Nguồn: Harvard Health Publishing
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comments