10 năm trước, tôi gặp phải một số triệu chứng nghiêm trọng mà tới bác sĩ cũng không thể giải thích. Những triệu chứng như đau lưng dữ dội, ù tai, tim đập nhanh và vấn đề về tiêu hóa không hề liên quan gì tới nhau cả. Tôi mệt mỏi đến mức không thể tưởng tượng nổi, và ngay cả một giấc ngủ đầy đủ mỗi đêm cũng không thể cải thiện tình hình. Là một người mẹ trẻ với ba đứa con, tôi không thể gục ngã được.
Quá trình nuôi con đối với tôi không phải là một công việc dễ dàng. Tôi là kiểu cha mẹ lúc nào cũng lo lắng xem cuộc gọi tiếp theo của nhà trường sẽ là về vấn đề gì. Tôi đã từng nghe qua rất nhiều lời khuyên về việc làm thế nào để làm cha mẹ, nhưng hiếm khi tôi nghe được những lời nói động viên và hỏi thăm liệu mọi việc có đang ổn không. Vì vậy, tôi thường cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Cuối cùng, tôi đã phát hiện ra rằng những căng thẳng sự bồn chồn và lo lắng quá mức của tôi chính là vấn đề. Để hồi phục, tôi cần phải điều chỉnh lại cách bản thân đối diện với những căng thẳng đó. Đây cũng là bài học tôi đã rút ra được sau những năm tháng kéo dài của đại dịch. Chúng ta luôn cảm thấy như bản thân cần phải quay trở lại “bình thường” càng nhanh càng tốt, nhưng thực tế, ta nên dành thời gian cảm nhận những gì mình đã trải qua và làm việc với những vấn đề của mình thay vì xua đuổi chúng. Đó là phương án tốt nhất để bước tiếp một cách lành mạnh.
Tình trạng kiệt sức khi làm cha mẹ (parental burnout) là gì?
Tôi nhận ra rằng, đối với những đứa con có nhu cầu cao, những phụ huynh như tôi phải đối mặt với nhiều căng thẳng, khả năng mắc các bệnh tật, lo âu và trầm cảm cao hơn so với cha mẹ của những đứa con “phát triển bình thường.” Một nghiên cứu cho thấy những bà mẹ của trẻ vị thành niên mắc hội chứng tự kỷ và gặp vấn đề về hành vi có mức độ cortisol (một loại hormone được tiết ra khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng) tương đương với những người lính tham gia chiến trường. Sự gia tăng của các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng là nguyên do gây ra nhiều căng thẳng thêm cho các bậc phụ huynh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng kiệt sức (burnout) được mô tả là “trạng thái mệt mỏi kịch trần.” Khái niệm này lần đầu được nhắc tới khi nói về tình trạng kiệt sức trong công việc, nhưng nay đã được sử dụng khi nói về quá trình làm cha mẹ. Báo cáo đầu tiên vào năm 2019 đã mô tả hiện tượng này như sau:”cảm thấy choáng ngợp và kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần, không muốn gần gũi con cái về mặt cảm xúc, và cảm giác mình là một người cha mẹ tồi tệ.”
Đây là một tình trạng mà nhiều cha mẹ ngày càng gặp phải, đặc biệt sau quãng thời gian của đại dịch COVID-19. Vậy, cha mẹ có thể cải thiện tình trạng này như thế nào?
Hãy bắt đầu với hiện tại
Là cha mẹ, chúng ta thường không để tâm nhiều tới nhu cầu của bản thân vì có quá nhiều thứ khác cần phải làm. Nhưng chính sự bỏ bê bản thân này sẽ khiến cha mẹ trở nên kiệt sức. Vì vậy, cha mẹ hãy thử dành một ít thời gian trong ngày để thực hành chánh niệm và tập trở nên có ý thức hơn với những trải nghiệm sống của mình.
Hít một hơi thở sâu và thở ra thật dài. Đặt chân xuống nền nhà và cảm nhận năm giác quan của bạn. Quan sát những gì mình đang suy nghĩ và cảm thấy. Cuối cùng, hãy tập trung vào điều tiếp theo mình cần làm.
Dừng lại và hỏi bản thân “Mình có đang đói bụng, tức giận, cô đơn hay mệt mỏi?”
Quan sát trạng thái hiện tại của cơ thể. Những khoảnh khắc tĩnh lặng như thế này có thể giúp cơ thể tìm lại cân bằng và tạo không gian để cha mẹ có những kết nối ý nghĩa hơn với con.
Nhận ra rằng "À, mọi thứ hóa ra cũng thật khó khăn!"
Khi cuộc sống gia đình trở nên lộn xộn, nhiều cha mẹ thường tự đổ lỗi cho mình. Nhưng ngay cả trong những lúc thuận lợi nhất, việc làm cha mẹ cũng không phải dễ dàng gì. Có những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Không phải ai cũng có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc nuôi con đủ chất lượng, cũng như có điều kiện cho con đi học ở những ngôi trường có nguồn tài trợ tài chính ổn định.
Vì vậy, cha mẹ hãy hiểu rằng đôi khi vấn đề xảy ra và lỗi lầm không xuất phát từ chúng ta. Đơn giản là bởi vì thế giới xung quanh quá phức tạp và quá nhiều khó khăn mà thôi.
Định nghĩa lại việc chăm sóc bản thân
Nhiều bậc phụ huynh thường cho rằng việc chăm sóc bản thân có vẻ ích kỷ và gần như không thể, nhưng chăm sóc bản thân là điều cần thiết, và không phải là thứ gì đó quá to lớn hay mất công sức để thực hiện một cách hiệu quả. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sự thay đổi nhỏ có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Tôi đã bắt đầu với một mảnh giấy ghi lại ba điều nhỏ tôi sẽ làm cho bản thân mỗi ngày, chẳng hạn như:
Ăn hạt hạnh nhân thay vì bánh muffin
Nhìn lên trời và chú ý vẻ đẹp của nó
Nghĩ về một điều tốt đẹp trong ngày và tận hưởng nó
Mỗi người đều có những cách khác nhau để chăm sóc cho bản thân mình và khiến bản thân mình được yêu thương. Thậm chí, mỗi ngày danh sách này lại có thể thay đổi. Điều quan trọng là chúng ta bắt đầu từng bước nhỏ, chẳng hạn như tập giãn cơ vài phút sau khi thức dậy, và kiên trì với chúng.
Nim Tottenham, giáo sư Tâm lý học tại đại học Columbia, đã nhấn mạnh rằng, một khi cha mẹ có thể chăm sóc bản thân mình và quản lý bản thân một cách lành mạnh, năng lượng đó cũng sẽ được truyền sang cho con.
Từ bỏ ý niệm về cha mẹ hoàn hảo
Trong thời đại này, nhiều người trong chúng ta đều khát khao đạt tới những tiêu chuẩn không thể thực hiện được. Một liều thuốc mạnh mẽ chống lại mong muốn đạt tới sự hoàn hảo chính là lòng trắc ẩn (self-compassion). Lòng trắc ẩn gồm ba yếu tố: đối xử với bản thân bằng sự tử tế và lòng cảm thông, luôn hiện diện và mở lòng với những nỗi đau của mình. Lòng trắc ẩn có thể biến đổi những phản ứng của ta trước căng thẳng
Một liều thuốc mạnh mẽ chống lại áp lực này là lòng tự trắc ẩn, bao gồm ba yếu tố: đối xử với bản thân bằng sự tử tế và cảm thông, cảm kích sự kết nối giữa người với người, và luôn hiện diện, mở lòng với nỗi đau và cuộc đấu tranh của mình. Khi chúng ta đối xử với chính mình bằng chính lòng tốt mà chúng ta dành cho một người bạn, mọi thứ sẽ thay đổi. Lòng trắc ẩn có thể thay đổi những cách chúng ta phản hồi với căng thẳng và tạo ra cảm giác an toàn cho bản thân.
Quay về với cộng đồng
Chúng ta đều đã từng nghe câu nói “Cần cả một ngôi làng để dạy dỗ một đứa trẻ” (It takes a village to raise a child). Điều nà cũng đúng nếu chúng ta nói về sự hỗ trợ dành cho cha mẹ nữa. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng kiệt sức ở cha mẹ xảy ra phổ biến hơn ở những nước tôn vinh chủ nghĩa cá nhân thay vì chủ nghĩa cộng đồng. Một số cách để hồi sinh “ngôi làng” bao gồm:
Mở lòng về những khó khăn của bạn với những người bạn tin tưởng. Chúng ta không cô đơn như chúng ta vẫn nghĩ, và không có gì an ủi hơn là tìm được một người hiểu mình.
Giúp đỡ người khác. Chia sẻ lòng tốt của mình là bước đầu để kết nối tình cảm cộng đồng
Tham gia vào các hội, nhóm hoặc cộng đồng bản địa để củng cố vòng kết nối của mình. Chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ khi trở thành một phần của cộng đồng có thể giúp đỡ và san sẻ lẫn nhau.
Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp nếu cần
Những thói quen chăm sóc bản thân có thể bảo vệ chúng ta khỏi tình trạng kiệt sức và làm hồi phục sức khỏe của ta. Nhưng đôi khi như vậy là chưa đủ. Nếu cha mẹ liên tục cảm thấy choáng ngợp, mất tập trung hoặc mệt mỏi, điều đó có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho các con. Nếu cha mẹ cảm thấy không còn là chính mình, hãy tìm kiếm sự trợ giúp.
*Nguồn: Greater Good Magazine (by the University of California, Berkeley)
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comments