top of page

10 cách để tạo động lực cho con học tốt hơn (Phần 2)


Tiếp tục với series tạo động lực cho con học tốt hơn, tuần này, nghechame xin giới thiệu tới các quý phụ huynh, những người làm cha mẹ thêm 5 phương pháp để cải thiện động lực cho con có thể tự giáo học tập.


6. Phân bổ bài tập thành các đầu việc nhỏ

Cha mẹ có thể cùng con quyết định xem chúng có cần được hỗ trợ chia nhỏ các công việc được giao thành những phần nhỏ hơn và sắp xếp theo lịch những việc nên hoàn thành mỗi ngày.


Phụ huynh có thể dùng một cuốn lịch treo tường lớn hay chỉ đơn giản là một tấm bảng. Có thể dùng bảng điện tử nếu tiện, nhưng chúng có thể khiến trẻ bị xao nhãng.


7. Kiên định và tuân thủ các quy tắc làm bài tập về nhà

Cha mẹ muốn trở nên tích cực và hữu ích đối với con. Nhưng đồng thời cũng cần phải vững vàng, kiên định. Chính người làm phụ huynh phải thực thi một cách nhất quán các quy tắc mà họ đề ra.


Bằng việc trở nên kiên định trong việc này, cha mẹ gửi đến con cái thông điệp rằng chúng ta biết con có thể thành công.


Kiên định cũng có nghĩa là phụ huynh thực hiện các quy tắc một cách hiệu quả. Nếu con cái không tuân theo các quy tắc cha mẹ đưa ra, hãy cho chúng thấy hậu quả. Và đừng cố gắng che chở cho chúng khỏi những hệ quả dễ hiểu của việc không làm bài tập, ngay cả khi điều đó có nghĩa là con sẽ phải nhận điểm kém hoặc không qua môn.


Khi thể hiện sự kiên định, cha mẹ cũng hãy luôn lạc quan. Cứ mỗi lần cha mẹ cư xử tiêu cực với con, hãy cố gắng tạo ra mười cách phản hồi tích cực. Cố gắng tập trung vào việc hỗ trợ và động viên con trẻ thay vì chỉ lo lắng hay cằn nhằn.


Cũng đừng nghĩ rằng điểm số của con phản ánh chính bản thân người làm cha mẹ hoặc cách nuôi dạy con, rồi khiển trách con, bởi điều đó sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.


8. Hiểu được mức độ lo lắng của con

Có thể phần lớn việc con trẻ thiếu động lực (hoặc thiếu trách nhiệm) là do con còn lo lắng hoặc ái ngại trong việc học và trong bài tập ở trường. Trẻ có thể không giải thích được tất cả những điều này cho bố mẹ chúng vì không phải lúc nào chúng cũng có nhận thức về những điều đó.


Lo lắng có thể bị hiểu nhầm là một thái độ tệ, là thiếu động lực hay vô trách nhiệm. Thông thường, để che đậy những cảm xúc dễ bị tổn thương này, lũ trẻ có thể dùng hành động, hay im lặng, né tránh hoặc kể cả thách thức.


Mặc dù một chút lo lắng có thể giúp tạo động lực, nhưng quá nhiều lo âu sẽ ngăn cản khả năng suy nghĩ và khả năng tiếp cận phần não giúp trẻ có động lực.


Chính cha mẹ có thể kiểm soát cảm xúc của mình bằng cách nhận ra rằng đó có thể chỉ đơn giản là sự lo lắng thay vì là lười biếng của con. Bình tĩnh hỗ trợ con hoàn thành công việc và điều đó sẽ giúp chúng giảm bớt lo lắng, giúp chính bậc cha mẹ cũng bớt quan ngại.


Và hãy nhớ rằng những gì đang xảy ra bây giờ có thể rất khác khi con trưởng thành và phát triển.



9. Đừng làm hết hộ con

Thật căng thẳng và bực bội khi thấy con mình phải vật lộn và không vận dụng hết tiềm năng của chúng. Cha mẹ có thể cảm thấy rằng việc con thiếu động lực học tập phần nào phản ánh cách nuôi dạy con cái còn chưa tốt của chính mình. Đáp lại điều này, phụ huynh chuyển sang thái độ “ốp” con phải thành công để chúng mất cảm giác xấu hổ, bối rối, thất bại hoặc sợ hãi.


Trong quá trình này, cha mẹ có thể bị cám dỗ dẫn tới làm quá mức cho phép bằng việc hoàn thành cả bài tập hộ con. Nhưng đừng làm điều đó. Hãy chống lại sự cám dỗ. Khi phụ huynh càng làm quá mức cho con, chúng sẽ càng phản ứng lại nỗi lo lắng của cha mẹ, điều này khiến mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ. Cha mẹ nên cùng con tìm ra phương pháp để giúp con thành công, nhưng cứ để chúng tự mình làm và tự gánh chịu mọi hậu quả, cho dù tốt hay xấu.


Hãy là huấn luyện viên của con.


Lên chiến lược và đưa ra phương hướng, nhưng hãy đứng ngoài lề và để con trẻ tự vẫy vùng — hỗ trợ chúng đạt được chiến thắng và dành lời khen ngợi khi con làm được. Nhưng đừng sợ để con “nếm mùi” thất bại. Tất cả đều là một phần của quá trình trưởng thành và học cách chịu trách nhiệm.


10. Đừng nên quá ám ảnh về tương lai

Khi lũ trẻ dường như không quan tâm đến cuộc sống của mình, cha mẹ sẽ dễ dàng bắt đầu lo xa cho tương lai. Khi chúng hành động như thể chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì ngoại trừ trò chơi điện tử và bạn bè, bậc phụ huynh lo lắng rằng chúng sẽ không thể thành công hoặc thậm chí không thể tự làm nổi việc gì. Điều này làm tăng nỗi quan ngại và sợ hãi của bậc làm cha mẹ.


Nhưng không ai trong số chúng ta có thể nhìn thấy tương lai. Tập trung vào những điều tiêu cực mà con cái đang làm sẽ chỉ khiến chúng bị chú ý mà thôi. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điểm tích cực của con và giúp chúng cải thiện những điểm đó.


Nó có phải một đứa trẻ cởi mở không? Nó có hay giúp đỡ người khác? Hay là một đầu bếp giỏi? Biết mày mò ô tô hay đồ điện tử? Hãy tập trung vào tất cả những điều cần thiết để con trở thành một người phát triển, thành công, không chỉ là học giỏi và điểm cao. Giúp con trẻ phát triển về mặt xã hội, sáng tạo và cảm xúc.


Hãy nhớ luôn có cái nhìn toàn diện, tổng thể.


Kết luận

Đối với tất cả những lời khuyên này, hãy bắt đầu từ giai đoạn mà cha mẹ thấy con mình ở đó. Trong nhiều trường hợp, con cái còn cả một chặng đường dài phía trước và cha mẹ không muốn con bị choáng ngợp khi cố gắng giải quyết quá nhiều vấn đề cùng một lúc.


Hãy lường trước rằng con sẽ không thích những phương pháp này, nhưng chúng dần sẽ quen. Kiên nhẫn. Đừng mong đợi lũ trẻ phải “biến hoá” chỉ sau một đêm, nhưng cũng đừng đánh giá thấp chúng. Hãy tự tin rằng con sẽ hiểu và sẽ cải thiện với những phương pháp mà đã đặt ra.



* Nguồn: Empowering parents

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG




Comments


bottom of page