top of page

10 cách để tạo động lực cho con học tốt hơn (Phần 1)

Làm thế nào để cha mẹ tạo động lực cho một đứa trẻ dường như không muốn làm bài tập về nhà?


Là cha mẹ, chúng ta quan tâm đến chuyện học tập của con cái vì chúng ta biết tầm quan trọng của học hành đối với tương lai của chúng. Thật không may, lũ trẻ dường như không phải lúc nào cũng có cùng mối quan tâm với cha mẹ về tương lai của chúng. Và dễ dàng thôi, bậc cha mẹ biết điều này vì lũ trẻ tiếp tục ưu tiên việc xem YouTube, chơi game và giao du với bạn bè hơn là làm bài tập ở trường.


Tại sao con của chúng ta không có động lực để học tốt ở trường? Rốt cuộc, chúng học tốt để “ấm vào thân” chúng mà thôi. Thế nhưng tại sao chúng không muốn thành công nhiều như cha mẹ muốn?


Và đây chính là vấn đề. Trường học là một khía cạnh của cuộc sống yêu cầu tính kỷ luật và học tập, và trẻ em cần học cách hiểu rõ giá trị của việc học tốt. Con cái chúng ta cần nắm được tầm quan trọng của việc tự mình làm tốt. Động lực không thể bị ép buộc. Và nếu cha mẹ cố gắng ép buộc con mình phải tìm ra động lực, điều này hầu như luôn khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.


Tuy nhiên, có vài bước đơn giản và hiệu quả mà cha mẹ có thể thực hiện để giúp con cái tự thúc đẩy bản thân học tốt hơn ở trường. Hầu hết các bước này liên quan đến việc thiết lập một hệ thống để giúp con có kỷ luật và tuân thủ tốt hơn. hệ thống này cải thiện cơ hội thành công của con chúng ta và cảm giác của sự thành công thường là động lực thúc đẩy điều này.


Trong quá trình làm việc của tôi với các bậc cha mẹ và trẻ em trong những năm qua, tôi đã tìm ra 10 lời khuyên sau đây để giúp đặt con cái vào vị trí tốt nhất để thành công và có động lực khi đi học.


1. Luôn tích cực

Giữ mối quan hệ cởi mở, tôn trọng và tích cực với con cái. Hãy tự nhắc bản thân rằng chúng ta, bậc cha mẹ, và con là đồng đội của nhau. Điều này sẽ cho cha mẹ sức ảnh hưởng, và đây chính là công cụ nuôi dạy con cái quan trọng nhất của bậc cha mẹ.


Phạt con, giáo giảng và dọa nạt con cái sẽ chẳng giúp đi đến đâu và sẽ gây bất lợi cho mối liên hệ của cha mẹ với động cơ của con họ. Cảm giác lo lắng, thất vọng và lo sợ của phụ huynh là bình thường và có thể hiểu được. Nhưng phản ứng với con cái sử dụng những cảm xúc trên sẽ không hiệu quả và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.


Hãy nhớ rằng con cái chúng ta không cố ý xử sự thế này để làm cho cuộc sống chúng ta trở nên khốn khổ đâu. Khi cảm thấy mình sắp “tới cơn”, hãy thử tự thoại rằng "Không sao, con nó còn nhỏ mà."


Và hãy nhắc nhở bản thân rằng việc của chúng là giúp con học cách tự chịu trách nhiệm. Nếu phụ huynh trở nên tiêu cực và khiến mọi thứ trở thành vấn đề đạo đức, thì con trẻ có thể trở nên ương ngạnh, phản ứng lại cha mẹ chúng thay vì tự suy nghĩ thấu đáo mọi việc.

2. Sử dụng quy tắc "Khi nào con…"

Một trong những bài học cuộc sống là ta thường được trả công sau khi làm việc. Vì vậy, hãy bắt đầu nói những câu như:


“Khi nào con học xong, con có thể sang nhà bạn chơi.”

Hoặc:

“Khi nào con xong bài tập về nhà, thì mới bàn đến việc xem phim.”

Thiết lập quy tắc này và bám lấy nó. Nếu con cái chưa thực sự có kỷ luật, quy tắc này sẽ giúp cho cha mẹ.


Bằng cách áp dụng quy tắc “khi nào con”, bậc phụ huynh đang giúp con cái học cách làm những điều mới toanh với bộ não của chúng, đó là tính kỷ luật và việc tạm hoãn sự giải trí.



3. Tạo hệ thống cho con

Nếu con cái chểnh mảng dẫn tới điểm thấp, cha mẹ có quyền tham gia vào việc đó, cho dù chúng có muốn hay không. Nhắc lại, cha mẹ không ở đó để làm hộ con cái. Thay vào đó, họ sẽ giúp thiết lập hệ thống mà con cái không thể tự tạo ra cho chính mình.


Hệ thống này có thể bao gồm thời gian học theo thời gian biểu, đặt máy tính ở nơi dễ thấy trong nhà và cho chúng biết, "Không có chơi điện tử hay điện thoại gì hết cho đến khi con làm xong bài tập."


Cha mẹ có thể quyết định rằng con cái phải dành một khoảng thời gian nhất định vào chuyện học. Trong lúc học, chúng sẽ không được phép sử dụng thiết bị điện tử hoặc các thứ có thể gây xao nhãng. Phụ huynh có thể đưa ra quy tắc rằng ngay cả khi con xong hết bài tập về nhà, con phải xem lại, đọc hoặc chỉnh sửa mới tính là xong hẳn.


Một số trẻ học tốt hơn trong khi nghe nhạc và điều đó chẳng sao cả. Nhưng hãy nhớ rằng điều này có thể khá nhức đầu vì nhạc của chúng thường ở trong điện thoại. Điều này đồng nghĩa thông báo từ YouTube, Twitter và tin nhắn đều sẽ nằm trong tầm tay của chúng.


Nếu cha mẹ không thể ngăn chúng khỏi các ứng dụng đó một cách hiệu quả thì không cho dùng hẳn điện thoại hay nghe nhạc cho đến khi xong bài. Bố mẹ chỉ cần đơn giản nói:


“Con có thể nghe nhạc khi nào xong bài.”

Hãy để con nghĩ rằng: ở trường không cho phép sử dụng điện thoại trong lớp và con cũng vậy.


Cần hiểu rằng hệ thống này không phải là một hình phạt. Đúng hơn, đó là một cách để giúp con phát triển đạo đức khi làm bài và tập trung vào các môn học trên lớp.


4. Gặp giáo viên của con

Nếu điểm số và thói quen làm việc của con bạn không tương đồng với nhau, cha mẹ có thể thiết lập một kế hoạch bằng cách ngồi lại với con và giáo viên của con.


Yêu cầu con bạn kiểm tra với thầy cô giáo hằng ngày trước khi tan học để chắc rằng trẻ mang đầy đủ bài tập về nhà.


Ngoài ra, phụ huynh có thể hỏi con vào mỗi buổi sáng để đảm bảo rằng trẻ đã đem bài tập thầy cô giao tới trường. Đối với cá nhân tôi, thật khó chịu khi bé trai nhà tôi làm bài tập về nhà nhưng sau đó lại quên mang đi học.


Một khi con cái biết quản lý thời gian tốt hơn, hoàn thành bài tập và sống ngăn nắp, thì đó là lúc cha mẹ nên lùi lại phía sau.


Hãy để lũ trẻ làm điều đó một mình và chỉ tham gia vào nếu chúng thường xuyên gặp vấn đề.


5. Xác định nơi để học tập

Con cái chúng ta cần một nơi yên tĩnh, xa các anh chị em để học tập. Hoặc chúng có thể học tốt hơn trong một căn phòng có người khác. Cha mẹ có thể giúp con thử các nơi khác nhau, và một khi phụ huynh tìm thấy nơi nào hiệu quả nhất, hãy giữ con ở nguyên chỗ đó.


Để con tập trung, bậc phụ huynh có thể cần phải ngồi cùng con trong khi chúng làm bài tập về nhà. Cha mẹ có thể đọc sách báo trong khi trẻ làm bài. Ít nhất, hãy ở gần để giúp đảm bảo rằng chúng luôn đi đúng hướng.


Phụ huynh có thể giúp con làm bài tập nếu chúng gặp khó khăn, nhưng tuyệt đối không làm bài hộ. Ví dụ, bố mẹ có thể xem lại bài còn làm và hỏi xem một đoạn văn nào đó có ý nghĩa với con hay không. Nhưng không nên viết cùng từng câu hay giải mọi bài toán với con. Giúp đỡ con vừa đủ để trẻ vượt qua chướng ngại vật trong quá trình học.


Hãy nhớ rằng, học cách vượt qua những điều khó khăn là một trong những kỹ năng con cần học.


(còn tiếp)


* Nguồn: Empowering parents

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



bottom of page