Đứa trẻ nào rồi cũng cãi nhau thôi. Và mặc dù điều này có thể khiến cha mẹ “chán ngấy”, nhưng đừng để điều này trở thành một vấn đề nhức nhối.
Xung đột có thể giúp con phát triển các kỹ năng xã hội, gồm cả học cách thương lượng và điều chỉnh theo nhu cầu của người khác.
Nhưng nếu là xung đột có va chạm thể chất, khi tình huống trở nên căng thẳng hoặc các con liên tục “giằng co” nhau (“không, nó là của con mà!”), thì cha mẹ có thể can thiệp để giúp “tái thiết lập” hòa bình.
Thông thường, phụ huynh can thiệp bằng cách xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và sau đó tự đưa ra giải pháp. Nhưng cách xử lý vấn đề này sẽ không hiệu quả bằng việc cho chính các con tham gia vào quá trình này.
Những bậc phụ huynh nào có con ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học hoàn toàn có thể tham khảo bốn bước giúp trẻ giải quyết các tranh giành như sau.
Xem thêm phần 1 tại đây: https://www.nghechame.ieg.vn/post/4-bước-giúp-trẻ-tự-giải-quyết-tranh-cãi
3. Hỏi ý kiến của con
Các giải pháp do người lớn áp đặt thường không mấy hiệu quả khi chỉ còn tụi nhỏ với nhau.
Lấy ví dụ này từ một nghiên cứu của Úc về tương tác trên sân chơi trong năm đầu tiên đi học: hai đứa trẻ 5 tuổi phàn nàn với giáo viên về việc những bạn đồng trang lứa khác cứ chen ngang, “phá” trò chơi của con.
Người giáo viên lúc đó gợi ý rằng các con cần giải thích với các bạn nhỏ kia rằng con đang chơi tại khu vực này và rủ các bạn khác tham gia chơi cùng thay vì “phá bĩnh”. Lời khuyên này nghe chừng khá hợp lý. Nhưng khi thầy cô rời đi, một trong những đứa trẻ kia lại nói “việc này vô ích thôi!”
Điều quan trọng ta cần nhớ là trẻ có thế giới riêng của mình – các con kết bạn và “kiểm soát” các mối quan hệ cũng như là “quy chuẩn” nhất định mà chúng có với những đứa trẻ khác. Cha mẹ hãy thử hỏi thẳng con xem làm gì thì sẽ có hiệu quả trong trường hợp này. Lấy ý kiến từ trẻ giúp chính các con tự đưa ra được giải pháp.
4. Tìm ý kiến chung từ trẻ
Chuyển sang bước tiếp theo, cha mẹ giờ có thể hỏi con rằng: “Chúng ta đã thống nhất là mình sẽ làm gì con nhỉ?”
Khi phụ huynh lấy ý kiến từ chính các con, chúng ta nhìn chung đã có được sự đồng ý, đồng thuận từ tất cả các bé, ngay cả khi đề xuất của con không phải là quyết định cuối cùng hay là đề xuất đấy có phần không hợp lí lắm. Việc con cho ý kiến của riêng mình có nghĩa là trẻ đã đầu tư thời gian và suy nghĩ của mình để cùng đưa ra giải pháp. Sau khi mỗi trẻ cùng đưa ra một ý, cân nhắc, đánh giá những ý kiến đó, cha mẹ hãy hỏi con rằng tất cả nên chọn ý kiến nào, hoặc có thể bảo các con cùng “bỏ phiếu” xem đâu nên là giải pháp cuối cùng
Và khi lũ trẻ đã thoả hiệp, thương lượng và chọn ra giải pháp mà làm vừa lòng tất cả, thì thay vì có suy nghĩ là đã “xong việc làm cha mẹ”, các bậc phụ huynh nên ở bên cạnh con để khuyến khích chúng làm theo như những gì đã thoả thuận.
Thực tế thì trẻ cũng đang học trong lúc này
Đưa ra và làm theo giải pháp, đồng thời ở trong tình huống con cần phải đạt được thỏa hiệp giữa chính mình với bạn hoặc với anh chị em, chính là một phần quan trọng trong quá trình học tập của trẻ em về cách con sẽ cư xử thế nào để tồn tại trong thế giới này.
Nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ bảo bọn trẻ phải làm gì, điều đó có nghĩa là cha mẹ đang lấy đi cơ hội để con học được cách thỏa hiệp hay đàm phán với người khác. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chính thầy cô hay cha mẹ, những người đóng vai trò hướng dẫn, dạy dỗ các con, có thể cản trở hay thậm chí phá vỡ quá trình hòa giải mà trẻ con có thể tự mình làm được.
Cha mẹ hiểu rõ về cuộc sống của con cái mình, nhưng trong nhiều trường hợp và cách thức, trẻ cho thấy con hiểu bạn bè đồng trang lứa của mình hơn người lớn. Khi phụ huynh nắm được cách các con tương tác lẫn nhau, ta có thể đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích hơn đối với con. Do đó, vai trò của người lớn trong một cuộc tranh cãi của tụi nhỏ chẳng phải là quy lỗi và trách nhiệm về đứa trẻ nào, hay là cầm số bi “đang gây tranh cãi” kia trả cho đứa trẻ gào khóc to nhất. Thay vào đó, người lớn nên giúp con nhận ra tầm quan trọng của nhu cầu của người khác trong việc tìm ra giải pháp công bằng, hợp lí với tất cả.
* Nguồn: The Conversation
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments