top of page

5 cách để dạy con về lòng biết ơn

Cứ 5 phụ huynh thì có tới 4 người nói rằng trẻ em ngày nay không biết ơn như chúng ta nghĩ, và hơn một nửa trong số đó lo lắng rằng con cái đang được nuông chiều quá mức.


Các cha mẹ cho rằng trẻ em ngày nay không biết ơn những gì mà con có, với hơn một nửa số cha mẹ lo lắng rằng họ đang cho con quá nhiều và 40% thì nói rằng thậm chí đôi khi họ cảm thấy “xấu hổ về cách cư xử có phần ích kỷ của con mình”.


Nhưng trên thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ biết trân trọng, với 75% người nói rằng ưu tiên hàng đầu là dạy con cái mình biết ơn, theo Cuộc thăm dò quốc gia về Sức khỏe Trẻ em của Bệnh viện Nhi C.S. Mott tại Đại học Y tế Michigan (University of Michigan Health).


“Nhiều bậc cha mẹ có thể nhìn lại thời thơ ấu của mình và so sánh, tự hỏi liệu họ có đang cho con mình quá nhiều vật chất hay không. Cha mẹ có thể đã chứng kiến ​​con cư xử có phần ích kỷ, chẳng hạn như từ chối chia sẻ với những đứa trẻ khác hoặc nói rằng chúng chẳng thích một món quà cụ thể nào,” đồng giám đốc của Mott Poll, bà Sarah Clark.


Bà bổ sung: “Chúng ta biết rằng lòng biết ơn gắn liền với những cảm xúc tích cực hơn, có những mối quan hệ bền chặt, tận hưởng nhiều trải nghiệm hơn và thậm chí là những lợi ích về sức khỏe. “Tuy nhiên, lòng biết ơn không phải là thứ mà trẻ em thường tự có được; lòng biết ơn cần được nuôi dưỡng theo cách phù hợp với lứa tuổi.”


Báo cáo thăm dò ý kiến ​​​​đại diện trên toàn quốc dựa trên phản hồi từ những phụ huynh có con trong độ tuổi từ 4-10 tuổi.


Bà Clark cho biết: “Bậc cha mẹ nào đặt việc dạy con cái biết ơn làm ưu tiên thì càng có xu hướng chia sẻ rằng con cái họ thể hiện những biểu hiện của lòng biết ơn và tư duy sẵn sàng giúp đỡ người khác. Mặc dù Lễ Tạ ơn là thời gian tuyệt vời để bày tỏ lòng biết ơn, nhưng cha mẹ có thể giảng dạy và làm gương cho con về lòng tốt và lòng biết ơn trong suốt cả năm. Theo thời gian và qua luyện tập, trẻ sẽ học cách biết ơn người khác và trân trọng hơn những gì con có.”


Gần như tất cả các bậc cha mẹ được thăm dò ý kiến ​​đều đồng ý rằng chúng ta có thể dạy trẻ biết ơn, nhưng họ đã sử dụng các chiến lược khác nhau.


5 cách cha mẹ dạy con lòng biết ơn


1. Biến 'cảm ơn' thành một cụm từ thông thường


Trong những cách phổ biến nhất mà các bậc cha mẹ sử dụng để dạy con mình biết trân trọng: nhắc con chú ý đến cách cư xử của mình. Khoảng 88% cha mẹ thường xuyên nhắc con nói lời “làm ơn” và “cảm ơn”, 11% số phụ huynh chỉ thỉnh thoảng làm điều này và 1% là hầu như không nhắc nhở con như thế.


Nhưng trẻ không nên cứ dùng những cụm từ trên một cách thoải mái và tự động mà không hiểu gì về ý nghĩa của câu nói đó.


“Có sự khác biệt giữa lịch sự và biết ơn,” Clark nói. “Để giúp trẻ học cách biết ơn, cha mẹ cũng cần nhấn mạnh lý do tại sao họ muốn con mình nói lời cảm ơn.”


Điều này có thể đơn giản như con nghiêm túc dành thời gian để nói "cảm ơn vì..." với một lời giải thích ngắn gọn để nói lý do tại sao con biết ơn.


Những dịp sinh nhật, ngày lễ và các dịp để tặng quà khác cũng tạo cơ hội cho cha mẹ khuyến khích trẻ thể hiện sự biết ơn tới cả món quà và người tặng. Nhưng chỉ 1/4 phụ huynh nói rằng con mình thường xuyên viết thiệp cảm ơn vì món quà, 41% cha mẹ thỉnh thoảng làm như vậy và 34% nói rằng điều đó hiếm khi xảy ra.


“Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể làm hoặc viết thiệp cảm ơn để bày tỏ lòng biết ơn về một món quà nào đó. Con có thể chia sẻ lý do tại sao con trân trọng món quà và cách con sẽ sử dụng nó như thế nào,” bà Clark nói.


2. Nói về lòng biết ơn


Nghechame, NghechameIEG, Nghề Cha Mẹ IEG Global, Tổ chức Giáo dục IEG Global 5 cách để dạy con về lòng biết ơn, lo lắng rằng con cái đang được nuông chiều quá mức
Nguồn ảnh: C.S. Mott Children’s Hospital National Poll on Children’s Health

Dành thời gian để suy nghĩ về những điều mà các thành viên trong gia đình biết ơn vào bữa tối hoặc vào những thời điểm khác trong ngày là một cách khác để các cha mẹ thúc đẩy lòng biết ơn trong con.


Gần hai phần ba các bậc cha mẹ nói rằng gia đình mình trò chuyện hàng ngày về những điều họ biết ơn.


Bà Clark nói: “Các bậc cha mẹ có thể làm gương cho con cái về lòng biết ơn bằng cách nói ra những điều khiến họ biết ơn mỗi ngày. Nó đơn giản có thể là chia sẻ về điều gì đó tích cực mà họ trân trọng trong ngày hôm đó hoặc lòng biết ơn chung về sức khỏe, về gia đình và về những gì mình có.”


3. Biết làm việc nhà


Một cách phổ biến khác mà cha mẹ sử dụng để dạy con mình biết ơn là hướng con cùng làm việc nhà giúp đỡ gia đình. Cứ năm phụ huynh được hỏi thì có ba người nói rằng họ làm việc này thường xuyên trong khi khoảng một phần ba thỉnh thoảng cho con cái họ tham gia làm các công việc trong gia đình.


Để giúp trẻ nhỏ hơn hiểu được mối liên hệ giữa việc nhà và lòng biết ơn, cha mẹ có thể giải thích rằng mọi người trong gia đình đều phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, sau đó chỉ cho con thấy cách mỗi thành viên trong gia đình có thể đóng góp cho tổ ấm này theo những cách khác nhau.


Bà nói: “Điều này có thể giúp trẻ trân trọng vai trò của con trong cộng đồng và nuôi dưỡng lòng biết ơn từ đó”.


4. Làm tình nguyện


Gần hai phần ba các cha mẹ đã cho con mình tham gia vào một số loại hoạt động tình nguyện hoặc hoạt động cộng đồng, với một nửa trong số đó nói rằng những việc này bao gồm cả giúp đỡ những việc thường nhật cho người hàng xóm hoặc các thành viên trong gia đình.


Hơn một phần ba nói rằng con cái của họ đã đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động của trường, chẳng hạn như gây quỹ từ thiện hoặc dọn dẹp trường lớp, phố xá. Một số trẻ khác cũng giúp đỡ cộng đồng của em thông qua qua cộng đồng tôn giáo của mình hoặc qua một tổ chức khác.


Bà Clark nói: “Đó là một bước chuyển tự nhiên đi từ giúp đỡ công việc trong gia đình tới làm tình nguyện cùng những người hàng xóm hoặc ở trường hoặc sự kiện cộng đồng nào đó. Để giúp nuôi dưỡng lòng biết ơn của trẻ em, cha mẹ có thể muốn đưa ra lời giải thích dễ hiểu với lứa tuổi của con về lý do mà con nên tham gia vào hoạt động đó và những việc ấy sẽ hữu ích như thế nào đối với người khác.”


Ví dụ, “Bà. Jones không được khỏe nên gia đình mình sẽ giúp bà dọn đống lá vàng trong sân của bà con nhé,” hoặc “nhà mình đang giúp thu gom găng tay và áo khoác cho những bạn nhỏ thiếu thốn trong mùa đông sắp tới.”


Những ví dụ cụ thể có thể giúp trẻ hiểu và kết nối với những người khác, điều này giúp con xây dựng cảm giác đồng cảm, sự tử tế và lòng trắc ẩn qua các hoạt động tình nguyện. Sau khi các con tham gia những hoạt động ấy, cha mẹ có thể muốn nói chuyện với trẻ về trải nghiệm và cảm giác của con mình.


5. Cho đi – quyên góp


Một phương pháp ít phổ biến hơn để dạy con lòng biết ơn là động viên trẻ quyên góp đồ chơi hoặc quần áo cho các tổ chức từ thiện (37% các cha mẹ làm như vậy thường xuyên, 46% thỉnh thoảng và 17% hiếm khi làm điều đó, số liệu từ cuộc khảo sát). Và chỉ 13% cha mẹ nói rằng con họ thường xuyên quyên góp tiền của chính mình để làm từ thiện.


Bà Clark cho biết, cha mẹ có thể cân nhắc để trẻ tham gia quyên góp vào lần tới khi con mang những món đồ của mình cho vào thùng quyên góp và nói về việc những món đồ mà con từng chơi hoặc từng sử dụng giờ đây cũng có thể mang lại niềm vui cho người khác như thế nào.


Trẻ em hoàn toàn không nên bị buộc phải từ bỏ bất cứ điều gì mà thực tế chính con nên giữ một phần vai trò trong quá trình đưa ra quyết định. Chẳng hạn, con có thể có cho mình một hộp đồ để lưu giữ và chứa tất cả các vật phẩm yêu thích của con, sau đó chọn ra một số lượng những thứ khác mà con muốn cân nhắc để quyên góp.


Bà Clark cũng cho biết: “Ban đầu, trẻ em có thể miễn cưỡng phải tặng đồ chơi cũ không phải vì con vẫn muốn chơi với những món đồ đó mà có thể vì con cảm thấy bản thân bị thiếu kiểm soát với đồ đạc của mình”.


“Cha mẹ nên trao quyền cho trẻ tự đưa ra những quyết định này và nhẹ nhàng giúp con thấy lòng hảo tâm của mình có thể mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ khác như thế nào.”\


* Nguồn: Health blog – University of Michigan

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



Commentaires


bottom of page