top of page

5 gợi ý để nuôi dạy một đứa trẻ thích đọc sách

Làm thế nào để một đứa trẻ mê sách hơn mê tivi, smartphone, hay các trò chơi điện tử, trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay? Đó hẳn là một câu hỏi luôn khiến hầu hết phụ huynh trăn trở.


Trong cuốn “Nuôi dạy một đứa trẻ thích đọc sách”, tác giả Doãn Kiến Lợi, một chuyên gia giáo dục người Trung Quốc, đã có nhiều gợi ý lý tưởng có thể giúp các bạn nhỏ yêu sách một cách tự nhiên, cha mẹ không phải áp đặt. Cuốn sách cũng chính là những trải nghiệm, suy tư của tác giả về văn hóa đọc và sự ảnh hưởng của văn hoá đọc đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ.



1. Giúp trẻ nhận biết sách chính là kho lưu trữ tuyệt vời nhất

Chuyên gia giáo dục Doãn Kiến Lợi cho rằng, việc con người sáng tạo ra chữ viết là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người. Tất cả trí tuệ và tri thức vài nghìn năm qua của nhân loại đều được ghi chép lại dưới hình thức chữ viết, tạo thành một đại dương tri thức mênh mông được chuyển tải trong những cuốn sách. Vì thế, đọc chính là một cách giúp chúng ta khám phá, tiếp nhận và phát triển tri thức đó. Hãy nói cho trẻ biết, chúng có thể tìm kiếm đươc gì qua những trang sách.


2. Đọc sách sẽ giúp con trở nên không xấu tính

Trẻ con sẽ luôn thắc mắc: đọc sách thì chúng sẽ được gì? Tại sao cha mẹ cứ muốn mình đọc sách? Với câu hỏi này, Doãn Kiến Lợi trả lời: một đứa trẻ đọc sách có thể không phải là đứa trẻ thành công nhất, nhưng sẽ giúp con trở nên không xấu tính. Bởi vì, một khi chúng có thói quen đọc sách, tức là đã hấp thụ được nguồn năng lượng tích cực. Sách vở đã tưới nguồn năng lượng tốt đẹp vào tâm hồn một đứa trẻ, giúp chúng sống tình cảm hơn, có thể nhận ra những điều tích cực và tiêu cực trong cuộc sống thông qua từng câu chuyện, hay mỗi nhân vật mà các bạn đã đọc được hay bắt gặp đâu đó trong mỗi cuốn sách.


Người ta thường nói, việc đọc khiến chúng ta nhìn thấy thế giới, nhìn thấy người khác, cũng có thể khiến con người nhìn thấy bản thân mình, chính là như thế. Khi một người có thể nhìn thấy bản thân mình với những điểm tốt hay xấu, họ sẽ tự động biết phân biệt để sửa chữa tính xấu, phát huy tính tốt để ngày càng tốt đẹp hơn.



3. Đừng ngại làm cha mẹ "lắm lời"

Để con thích đọc sách khó không? Câu trả lời của tác giả sẽ khiến cha mẹ bất ngờ đấy. Doãn Kiến Lợi khuyên chúng ta hãy trở thành những ông bố, bà mẹ lắm lời; lắm lời từ khi mang thai, đến lúc con được sinh ra, lớn lên. Với trẻ em, trong trẻo như tờ giấy trắng, tất cả mọi thứ tốt đẹp trên thế giới này đều mới mẻ. Màu sắc, âm thanh, xúc giác, vị giác… đều là quá trình trẻ nhận thức thế giới. Âm thanh đến từ cha mẹ vô cùng quan trọng. Vì thế ngay từ khi con đang còn trọng bụng mẹ hãy thường xuyên kể chuyện và trò chuyện với con. Hãy nhớ, việc trò chuyện với con không bao giờ là quá sớm. Nó chính là điều kiên quyết để nuôi dạy một đứa trẻ thích đọc sách sau này.


4. Không nên bó buộc, áp đặt trẻ trong việc đọc

Quá trình đọc sách của con bao giờ cũng sẽ đi từ đọc sách thụ động (trẻ được bố mẹ, người thân đọc sách cho khi còn nhỏ), đến đọc sách tự động ( lớn lên, khi đã biết đọc). Cho dù ở hình thức đọc nào, hãy để cho bé có cơ hội được trải nghiệm nhiều loại sách khác nhau từ sách văn học, khoa học đến cả những cuốn tiểu thuyết dài tập... Tri giác cũng như vị giác, sự phong phú luôn kích thích đam mê, sáng tạo hơn là bó buộc trong giới hạn.



5. Cho con tấm gương

Nếu thực sự mong con yêu thích sách, cha mẹ không chỉ dạy dỗ mà trước hết phải là người làm gương cho con nhìn vào. Thực tế với mọi đứa trẻ, người thầy đầu tiên, quan trọng nhất và vĩ đại nhất không ai khác hơn bố mẹ chúng. Do đó, nếu bố mẹ không có thói quen đọc sách, yêu sách, thậm chí trong nhà chưa từng xuất hiện một cuốn sách, hay tờ báo nào thì con cũng khó lòng mà thích đọc sách được.


Ngược lại, một đứa trẻ hàng ngày nhìn thấy cha mẹ say sưa đọc sách, lớn lên cùng sách có thể sớm phát triển nhân cách ngay từ giai đoạn đầu cuộc đời. Trẻ coi cha mẹ như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh chúng thấy hàng ngày. Một bà mẹ luôn xem tủ sách như trái tim của ngôi nhà thì con cái họ thật khó để chối bỏ sự lôi cuốn của những cuốn sách.


* Nguồn: Tiền Phong




173 lượt xem

Comments


bottom of page