top of page

6 Điều để giúp lũ trẻ cấp 2 thay đổi

Bây giờ con có cảm giác con đang sống hơn trước đây. Lớp học như là một vườn hoa màu vàng, có bầu trời rất xanh, có cả nắng nữa…

Cô bé học sinh ngày nào nhút nhát, lặng im ngồi cuối lớp, sau 2 năm, đã nói thế ngày lớp chia tay. Cô bé ấy không chỉ tự học và thi đỗ vào lớp chuyên Anh của Ams, mà giờ đây thích thì viết phân tích chặt chẽ phản biện, thích thì sáng tạo thơ văn cứ bay bay, dường như chẳng có giới hạn nào cho tư duy & câu chữ. Nó yêu cuộc sống, kể cả những điều nhỏ nhất, và lạc quan tích cực sống.


Đổi thay là điều hoàn toàn có thể.


Với nhiều bố mẹ - lẫn thầy cô và nhà trường, cấp 2 có thể là cái cấp hơi “nhức đầu” chút. Thế nhưng, với mình, đó cũng có lẽ là cấp hạnh phúc nhất. Bởi vì nếu chúng ta chịu nghĩ và chịu làm, thì đó sẽ là lứa tuổi mà chúng ta có thể tác động để chúng nó thay đổi sâu sắc và bền vững nhất về nhiều mặt – trí tuệ, kỹ năng và cả tính cách, nhân sinh quan.


Thật ra có rất nhiều thứ mà người lớn chúng ta có thể làm cho lũ trẻ tuổi “ẩm ương, nổi loạn” này – mỗi đứa theo một kiểu rất khác. Nhưng với mình, thường thì mình hay ghim thật chặt những điều sau, lấy đó làm mẫu số chung để hạnh phúc và bình an đi cùng lũ trẻ qua giai đoạn này.

- - - - -

1. CHĂM QUAN SÁT

Chịu khó quan sát chúng nó và để ý đến cảm xúc của chúng mỗi lần mình gặp chúng nó, từ đó nương theo cảm xúc và lèo lái cách mình nói chuyện, tương tác chúng.

Hôm chúng vui, thì mình cứ thế mà mượn gió bẻ măng, cho học nhiều vào chút. Hôm chúng buồn, thì mình cứ thỉnh thoảng phải pha trò. Hôm chúng không muốn tâm sự, thì mình cũng để chúng nó lặng im. Còn hôm chúng vào lớp để ào ào muốn kể chuyện, thì có bận cách mấy cũng phải dừng tay, nghe chúng nó kể.

- - - - -

2. CHỊU TRÒ CHUYỆN


Chăm chỉ trò chuyện cùng chúng nó, kể cả những câu chuyện nhiều khi không đầu cũng chẳng đuôi, mặn nhạt tùy hứng và có thể rất ngô nghê trong con mắt của người lớn. Thế nhưng, bạn có biết không, thật ra mỗi đứa trẻ đi qua độ tuổi cấp hai này đều khá… cô đơn.

Chúng nó thường có cảm giác cả thế giới này chẳng ai hiểu chúng nó cả. Thế nên, nếu chúng ta trò chuyện được với chúng nó, thì dù bỏ ra một ít thời gian cũng rất đáng. Để một cách vô thức, chúng nó cảm thấy bớt cô đơn hơn. Và bạn sẽ thành công khi mà tụi nó chủ động đến kể chuyện cho bạn nghe, vì lúc đó chúng nó đã phần nào tin bạn và cảm giác nhờ bạn mà chúng nó… bớt cô đơn hơn.

- - - - -

3. DẠY SÁNG TẠO

Tìm mọi cách và mọi hình thức dạy học, tài liệu, bài tập, thử thách sáng tạo nhất để cho chúng nó thật sự thích học và được học. Tuổi này của chúng nó rất hay cả thèm chóng chán. Thêm vào đó, chúng nó thường hay bị bào mòn bởi việc học hành cả thời cấp một, nên nhiều khi cơ thể và tâm trí lên đến cấp hai cũng đã gồng gánh quá nhiều và mệt mỏi là chuyện thường.

Hãy để ý xem chúng thích gì, nghe gì, hay nói chuyện về điều gì… và cứ nương vào đó để biến thiên cách dạy, cách nói chuyện của chúng ta. Kiến thức có thể đến từ nhiều nơi hơn là những trang sách giáo khoa hay những phiếu bài tập. Nó có thể đến từ video, phim ảnh, truyện đọc, trò chơi, hình vẽ, và kể cả trong những câu chuyện chúng ta có thể kể và cần kể.

- - - - -

4. KỂ CHUYỆN CHO CHÚNG NGHE


Kể chuyện cho chúng nó nghe và cài cắm vào đó là những bài học để chúng nó thấm từng chút một, nhờ đó mà mai kia trưởng thành. Cái tuổi này nó rất hay du nhập nhiều suy nghĩ, tư tưởng tạp nham từ muôn người muôn nơi. Mạng xã hội giờ đây càng làm khuếch trương hơn xu hướng này, kể cả với những điều tiêu cực.

Nhưng chúng ta đừng vì cứ đổ lỗi những cái ngoại cảnh đó quá nhiều mà quên rằng trong con người của chúng ta cũng có rất nhiều câu chuyện có thể kể cho chúng nó nghe – chuyện của gia đình, chuyện của bản thân.

Chúng nó nghe, thường sẽ không thích cho mấy, nên chúng ta cũng không cần ca cải lương quá nhiều. Cứ thi thoảng khẩy một câu chuyện vào nhận thức của chúng, miễn là đừng bỏ quên. Kiểu gì thì những điều đó cũng từ từ ngấm dần và lớn dần nếu như mỗi người lớn tác động đến chúng nó đều ý thức được sức mạnh của những câu chuyện và gieo vào đầu óc chúng một ít giọt nước tích cực, hy vọng ấy.

- - - - -

5. CHO TỰ DO TRONG KHUÔN KHỔ


Chúng nó đang độ tuổi nổi loạn, cảm xúc cũng ào ào như thác nước cuộn chảy. Nhưng nếu chúng ta cứ đắp đập ngăn chặn bao nhiêu dòng chảy cảm xúc ấy thì chẳng khác nào nước có thể làm vỡ đập. Quan hệ bố mẹ - con cái ngày một rạn nứt, xa cách và có thể thành một khoảng trống mà cả đời chưa chắc hàn gắn lại được. Đó có lẽ sẽ là một điều đáng buồn.

Cho chúng nó một khuôn khổ – vòng kim cô – đủ rộng, để ngăn cản những hành vi trái pháp luật, tổn hại sức khỏe, và đi ngược giá trị đạo đức. Còn trong khuôn khổ đó, hãy cho chúng nó một chút sự tự do. Nếu lỡ chúng có lấn sân chạm vào vòng kim cô, thì lúc đó hãy siết và nghiêm túc giải thích cho chúng nghe về giới hạn không được lấn qua. Còn trong khuôn khổ ấy, thì chúng ta cứ là đôi bờ sông để “bo” dòng chảy.

- - - - -

6. TẬN HƯỞNG THỜI GIAN



Thời gian tuổi ô mai của chúng nó rồi cũng sẽ thoáng qua một cái vèo thôi. 2-3 năm đi cùng chúng nó, giờ nhìn lại đúng là lâu thiệt, nhưng hóa ra giờ lại thèm được quay lại những khoảng thời gian ấy.

Nếu cứ suy nghĩ mỗi lần ở cùng chúng là PHẢI dạy, PHẢI nghiêm, PHẢI này PHẢI kìa… thì có lẽ chính chúng ta cũng sẽ không tận hưởng được quãng thời gian thanh xuân thật đẹp của chúng nó và cũng là của chính chúng ta.


Còn nếu chúng ta suy nghĩ, từ trong tâm thức đến hành động, là chúng ta đang ĐƯỢC dạy, ĐƯỢC sống, ĐƯỢC đi cùng chúng nó… thì có lẽ dù có bao nhiêu cảm xúc bùng nổ, suy nghĩ nông nổi, lời nói khó đỡ của chúng, nội tại chúng ta vẫn sẽ coi đó là một cơ hội để uốn nắn, dạy bảo và trưởng thành cùng chúng nó.


Được như thế, thì mỗi vấn đề của chúng nó lại là một người thầy ẩn nấp, để nhắc nhở chúng ta: Vấn đề ở đó không phải để làm cho chúng ta bực dọc và phát điên, mà vấn đề là để dạy cho chúng ta – và cả lũ trẻ – về bản chất cuộc đời và khả năng cùng nhau đi qua những gập ghềnh để mai kia cùng nhìn lại và… cười.

- - - - -

Lớp học là một vườn hoa màu vàng, có bầu trời rất xanh, và có cả nắng nữa.

Điều đó không có nghĩa là lớp học – và quãng thời gian dậy thì, nổi loạn, ẩm ương – của chúng nó không có mưa, không có cỏ dại, không có những ngày mây đen vần vũ, giông bão. Mà chỉ đơn giản là chính vì dù có những mây đen, mưa bão, cỏ dại đó, thì trước, trong và sau vẫn có hoa vàng, trời xanh và nắng ấm.


Thế nên, chúng mới có sự so sánh và khi nhớ về ngày hôm qua, chúng thường sẽ nhớ những hoa vàng, trời xanh, nắng ấm kia hơn. Bởi vì cảm giác của những điều ấy mang lại cho chúng nó sự ấm áp và bình yên hơn những điều “tối xám” kia.


Và chính vì có sự cân bằng ấy, có trắng có đen, có xanh có xám mà cảm giác của chúng mới như đang… ĐƯỢC SỐNG. Sống thật với cảm xúc, sống thật với hai mặt của cuộc sống, và sống thật với chính bản thân. Và chính người lớn của chúng ta cũng đang sống thật với bản chất của cuộc đời và của lũ trẻ – lúc nào cũng luôn thay đổi. Để cùng nhau nắm tay đi qua những đổi thay.


Chỉ mong mọi người luôn nhớ lấy: Mỗi đứa trẻ đi qua giai đoạn này đều thường cảm thấy cô đơn. Vì vậy, mỗi người lớn chỉ cần giang tay ra và, bằng cách này hay cách khác, nắm tay chúng cùng đi qua những cô đơn ấy. Được như vậy là chính chúng ta đang tặng cho chúng một vườn hoa, có bầu trời xanh và nắng.


Đó mới là… sống.

Chúng nó đang được sống, và chúng ta cũng đang được… sống.


* Nguồn: Chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu


193 lượt xem

Comments


bottom of page