Là bậc phụ huynh, có bao giờ bạn thấy bản thân buột miệng nói ra những điều không nên nói trong một cuộc tranh cãi với con cái không? Hãy thẳng thắn nhìn nhận chuyện này. Hầu như cha mẹ sẽ chẳng thể nào bình tĩnh nổi hay có cái nhìn khách quan khi con chúng ta mặt đối mặt với mình và cãi thật to. Và tự nhiên, nó giống như một sự công kích cá nhân khi đứa con nói những điều thô lỗ hoặc xưng “tôi” với bố mẹ. Trong những khoảnh khắc đó, thật dễ dàng để nói ngược lại con một điều gì đó có khả năng gây tổn thương. Đột nhiên, cảm xúc của cha mẹ choán hết lý trí, nó “thừa cơ” nhảy vào ghế lái và đẩy mọi suy nghĩ chín chắn của ta sang ghế sau.
“Những gì cha mẹ nói không phải lúc nào cũng lọt vào tai con cái theo cách họ muốn.”
Hầu hết mọi bậc cha mẹ đều đã nổi đoá và nói những điều với con mà họ ước gì mình có thể rút lại. Bí quyết là tìm ra cách duy trì quyền kiểm soát trong mối quan hệ để cuối cùng phụ huynh không phải nói ra điều đáng hối tiếc. Mặc dù điều này nói thì dễ hơn làm, nhưng hãy tin tôi, điều đó hoàn toàn có thể làm được, và đó là một kỹ năng mà cha mẹ có thể học, giống như bất kỳ kỹ năng nào khác.
Trên con đường giúp đỡ cha mẹ nuôi dạy con cái, nhiều người chủ động liên hệ với chúng tôi sau khi họ tranh cãi với con của mình. Họ muốn được có thêm quan điểm và tìm ra cách có thể kiểm soát hành vi của con cái, và cả của chính mình, một cách hiệu quả hơn. Dưới đây là một số ví dụ về các loại câu mà phụ huynh nên tránh nói với con mình trong khi tranh cãi. (Bên cạnh đó, tôi sẽ đề xuất một số điều cha mẹ có thể nói và làm)
1. “Vớ vẩn quá đi! Có mỗi thế thôi làm sao mà phải khó chịu?”
Nếu trong nhà mình có một bạn tuổi teen, phụ huynh có thể đã thấy cậu bé hoặc cô bé ấy khó chịu về những vấn đề có vẻ như nhỏ nhặt và tiểu tiết. Cha mẹ tự hỏi làm sao mà con có thể xông vào phòng và đóng sầm cửa lại chỉ vì cô bạn gái không trả lời tin nhắn ngay lập tức. Mặc dù hành vi của của con xem chừng có vẻ lố bịch theo tiêu chuẩn của người lớn, nhưng hãy cố gắng kiềm chế để không làm mất đi giá trị tình cảm của con. Hãy nghĩ về một tình huống mà chính chúng ta cảm thấy khó chịu và ai đó đã gạt đi cảm xúc của ta. Chuyện đó làm cho mình cảm thấy thế nào? Khi một đứa trẻ tin rằng những suy nghĩ hoặc cảm xúc của mình đã bị phủi đi, chúng không chỉ cảm thấy bị cô lập hơn mà còn có khả năng tức giận, thất vọng và ủ rũ hơn nữa.
Vì vậy, nếu trong một cuộc tranh cãi với phụ huynh mà con nói, “Ba mẹ chẳng bao giờ đứng về phía con cả, suốt ngày chỉ đứng về phía em trai thôi,” và cha mẹ đáp lại, “Không, điều đó không đúng gì cả”, thì đó cũng là một hình thức phủ nhận cảm xúc của con. Thay vì nói như vậy, tôi nghĩ cha mẹ có thể nói, “Xem ra bố mẹ nhìn nhận điều này hơi khác con một chút. Hãy cho bố mẹ biết thêm về cách mà con nhìn nhận nó”. Nhân tiện, phụ huynh đừng nên hỏi câu hỏi đó ngay lúc đang tranh cãi, bởi vì nó sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa thôi. Cứ để câu hỏi đó lúc sau, khi mà con đã bình tĩnh và sẵn sàng nói chuyện.
2. "“Mày” giống như “bố/mẹ mày” ý" hay "Sao con không giống được một nửa của anh/chị?"
Mặc dù nghe có vẻ khá vô hại, nhưng “đòn đánh” có một không hai này sẽ “hạ đo ván” đứa trẻ nhà mình và cả bố hoặc mẹ nữa. Ví dụ, khi người cha thường xuyên bị chỉ trích trong nhà, thì việc so sánh với hình ảnh người bố không phải là một lời khen. Và mỗi khi bố của anh ta bị “lên thớt” trong tương lai, con có thể sẽ phải nhận thêm hai “cú đấm” nữa.
Lũ trẻ trong nhà cũng chẳng thoải mái gì khi nghe cha mẹ nói những điều tiêu cực về nhau và nếu một đứa trẻ bị gán cho là “giống bố”, chúng sẽ cảm thấy tức giận và xấu hổ khi bố “bị mắng”. Nếu con bị ví von so sánh với vợ/chồng cũ của cha hoặc mẹ, trẻ cũng có thể cảm thấy rằng đây như một lời đe dọa. Nói cách khác, nếu người con trai được cho là cũng giống như bố của cậu và bố mẹ thì đã ly hôn, điều này sẽ khiến cậu bé cảm thấy thế nào?
Cũng là một sai lầm khi nói những điều như, "Sao con không giống được một nửa anh/chị nhỉ”? Đây là một thử thách cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là khi ta có một đứa trẻ hành động ngang ngược và một đứa thì cư xử lại khá hợp lý. Khi phụ huynh sử dụng kiểu so sánh này, vừa khiến con thêm đau lòng, vừa làm cho mấy đứa con chuyển sang đấu đá lẫn nhau. Cha mẹ đang khai thác và làm bụng lên ngọn lửa ganh đua giữa giữa các con. Hãy nhớ rằng các con của mình là duy nhất và mỗi đứa trẻ đều có những phẩm chất tốt.
3. "Con chẳng làm được gì nên hồn cả." / " “Mày” là một đứa thất bại."
Bị gọi là một đứa phá hoại hay một tên ngốc chính là một sự hạ thấp con người. Những lời này có thể khiến người ta cảm thấy xấu hổ và ngớ ngẩn. Mặc dù nhiều người cho rằng xấu hổ là một cách tốt để phạt trẻ em, nhưng tôi không nghĩ điều đó mang lại cho trẻ em công cụ cần thiết để học các kỹ năng mới. Trên thực tế, nó thường sẽ có tác dụng ngược lại vì có thể khiến cho con trẻ thu mình nhiều hơn. Về lâu dài, sự xấu hổ sẽ khiến con thiếu hụt khả năng đưa ra quyết định đúng đắn.
Thực chất, cảm giác xấu hổ khác với cảm giác tội lỗi, đó thực sự có thể là một cảm xúc lành mạnh. Cảm thấy có lỗi không phải là điều gì xấu vì nó chứa đựng cảm giác hối hận và trách nhiệm. Một người nên cảm thấy hối hận khi đã làm điều gì đó sai trái hoặc gây tổn thương cho người khác, đó là điều tự nhiên. Cha mẹ có thể muốn con mình cảm thấy tội lỗi khi mượn áo len của chị gái mà không hỏi rồi làm hỏng nó, và muốn con phải chịu trách nhiệm về hành động này. Nhưng đừng dùng sự xấu hổ để cố gắng khiến con trẻ cảm thấy tội lỗi. Nỗi xấu hổ có tác dụng nói rằng, "Con là một đứa vô dụng”. Khi thông điệp đưa ra là một trong những cảm giác xấu hổ và bị hạ thấp, thì thứ cảm xúc này hoàn toàn chẳng dạy cho con chúng ta hiểu thế nào là trách nhiệm.
4. "Không con với cái gì hết nữa!"
Tất cả bậc cha mẹ cũng đều đã từng cảm thấy “chán ngấy” lũ trẻ của mình và không biết làm gì nữa, nhưng câu nói trên có thể khiến trẻ cảm thấy bị cô lập và cần tránh được nói ra. "Không có mẹ con bố con gì nữa," là một lời đe dọa đầy giận dữ thường được nói để làm tổn thương người khác. Về lâu dài, việc tiếp tục nói những lời nóng giận kiểu này với con cái sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của phụ huynh và con.
Hãy nghĩ về nó theo cách này: Một đứa trẻ phụ thuộc vào cha mẹ để sống. Cha mẹ cung cấp sự bảo vệ, thực phẩm, quần áo và nhà ở. Vì vậy, nếu người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ ấy lại rõng rạc tuyên bố: “Bố mẹ sẽ cắt hết trợ cấp của con”, điều đó sẽ gây sốc, đáng sợ và có thể rất đau đớn.
*Nguồn: Empowering Parents
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Commenti