top of page

7 nguyên nhân trẻ quấy khóc - Phần 2



5. Con muốn nhận được sự chú ý từ cha mẹ


Đôi khi dường như những giọt nước mắt cứ đột ngột xuất hiện. Phút trước có thể trẻ vẫn đang vui vẻ nhưng ngay khi bạn quay lưng đi con lại khóc nức nở. Trẻ biết rằng khóc là một cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Nếu cha mẹ phản hồi bằng những câu nói như “Con ngừng la hét đi” hoặc “Tại sao tự dưng con lại khóc hả?” thực chất sẽ càng làm trẻ khóc dữ hơn.


Ngó lơ, tránh giao tiếp bằng mắt và đừng bắt chuyện khi con đang cố tình tìm kiếm sự chú ý. Cuối cùng trẻ sẽ tự chán việc khóc lóc và la hét vì chúng chẳng hề thu hút được “khán giả”. Hãy cho con thấy rằng con có thể khiến cha mẹ chú ý bằng việc chơi một cách ngoan ngoãn, ăn nói lễ phép và nghe lời cha mẹ. Thường xuyên khen ngợi khi trẻ có những hành động như vậy sẽ giúp trẻ hiểu ra và ít quấy khóc để gây chú ý. Ngoài ra, hãy dành một vài phút mỗi ngày để chơi đùa với con và khiến con cảm thấy được quan tâm.


6. Con muốn một thứ gì đó


Trẻ nhỏ chưa hiểu được sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Khi muốn một thứ gì đó, trẻ thường đòi phải có ngay lập tức. Cho dù là khăng khăng chơi với một đồ vật dễ vỡ hoặc muốn cha mẹ cho đi công viên, những giọt nước mắt của sự thất vọng chắc chắn sẽ xảy ra.


Nếu cha mẹ nhượng bộ ngay sau khi nói không vì cảm thấy có lỗi hoặc vì không thể chịu được tiếng khóc của con lâu hơn, cha mẹ sẽ khiến trẻ hiểu rằng chúng có thể dùng nước mắt để đạt được thứ mình muốn. Mặc dù thể hiện sự thấu hiểu là rất quan trọng, nhưng đừng để nước mắt của con thay đổi quyết định của bạn. Thay vào đó hãy nói những câu như “Cha/mẹ hiểu là con đang rất buồn nhưng…” hoặc “Cha/mẹ cũng thấy rất tiếc khi bây giờ chúng ta không thể đi công viên nhưng…” đồng thời không quên nhấn mạnh cái uy của cha mẹ.


Hãy chủ động dạy con những cách phù hợp để điều chỉnh cảm xúc khi không đạt được điều mình mong muốn. Ví dụ: tô màu một bức tranh, nói rằng, con rất buồn, hay hít thở sâu là một vài kỹ năng giúp trẻ điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực.


7. Con muốn trốn tránh khỏi một yêu cầu

Khi con thực sự không muốn làm điều gì đó như cất đồ chơi hay chuẩn bị đi ngủ, cha mẹ có thể sẽ lại chứng kiến trẻ khóc. Những giọt nước mắt này có thể xuất phát từ nỗi buồn thực sự của một đứa trẻ, nhưng chúng cũng có thể là một chiêu thức của trẻ. Nếu trẻ có thể chuyển sự chú ý của cha mẹ sang việc khóc lóc, ngay cả chỉ trong vòng 1 phút, chúng có thể tránh phải làm những việc chúng không muốn làm.


Xác nhận lại cảm xúc của con bằng cách nói “Cha/mẹ biết là con vẫn đang muốn chơi nhưng…”, đồng thời, tránh nói quá lâu về việc con khóc.


Hãy đưa ra một cảnh báo, nếu cần thiết, trong đó nêu rõ hình phạt con sẽ phải thực hiện nếu như không nghe lời. Ví dụ: “Nếu con không dọn đồ chơi ngay bây giờ con sẽ không được phép chơi đồ chơi sau bữa trưa nữa”. Điều quan trọng là dạy con hiểu rằng dù chúng cảm thấy buồn hay tức giận, chúng vẫn cần và có thể làm những điều đúng đắn.


* Nguồn: Very Well Family

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


10 lượt xem

留言


bottom of page