top of page

7 sai lầm hầu hết cha mẹ đều mắc phải khi nuôi dạy con tuổi teen




Nuôi dạy con vốn đã là chuyện chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nuôi con ở độ tuổi teen còn khó khăn hơn rất nhiều khi con trải qua những thay đổi về tâm sinh lý mà không dễ gì có thể “đối phó”. Dưới đây là 7 sai lầm khi nuôi dạy con ở độ tuổi teen mà đến những bậc cha mẹ tâm lý nhất cũng có thể gặp phải.


1. Không bàn về giai đoạn trưởng thành với con


Chúng ta cũng đã từng trải qua giai đoạn tuổi teen và dậy thì nên đừng để con phải trải qua giai đoạn này một mình. Hãy tìm một cơ hội để bắt đầu một buổi chia sẻ về những gì diễn ra trong giai đoạn trưởng thành, điều này sẽ giúp con chuẩn bị thật tốt, giúp con biết được phải trông chờ những gì và biết được rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh và ủng hộ. Hãy chỉ ra những thành công cũng như những thất bại của chính bạn và khuyến khích con học hỏi từ chính những kinh nghiệm của bạn. Cố gắng dành nhiều thời gian với con hơn và tìm hiểu xem con đang phải trải qua những gì.


2. Không hiểu được những sở thích và nguyện vọng của con


Thúc ép con đạt được những kỳ vọng của bạn có thể gây ra nhiều căng thẳng và áp lực hơn cho cuộc sống của trẻ và làm tồi tệ thêm những vấn đề của con, ví dụ như nghiện game. Hãy thử tìm hiểu xem lý do vì sao con lại tìm thấy được sự an ủi trong những hoạt động như thế và liệu con có đang chuyển tải thông điệp gì không. Khi bạn bắt đầu hiểu được những quan điểm của con, bạn sẽ học được cách giao tiếp tốt hơn với con.


3. Không biết các bạn của con


Bởi vì trẻ thường sẽ cảm thấy lo lắng về việc liệu có được bạn bè yêu quý hay bỏ mặc hay không nên những tình bạn đẹp và bền chặt có thể giúp trẻ bước vào giai đoạn tuổi teen một cách êm đềm. Vì thế nên khi bố mẹ nỗ lực để tìm hiểu về bạn bè của con, con sẽ cảm thấy biết ơn. Hãy tìm xem bạn bè của con là ai và bảo con mời bạn về nhà nếu được.



4. Không tôn trọng sự riêng tư của con


Đừng bao giờ cố đọc tin nhắn riêng tư của con mà chưa có sự cho phép. Để con đóng cửa phòng ngủ nếu con muốn gọi điện thoại cho bạn. Nếu con cho phép bạn theo dõi tài khoản Instagram thì cũng hãy cố gắng nhịn không bình luận. Tất cả những điều này cho con thấy rằng bạn tin tưởng ở con. Và nếu bạn cần phải cài đặt một ứng dụng giám sát nào đó thì cũng hãy giải thích rõ ràng cho con hiểu rằng làm vậy chỉ là để đảm bảo sự an toàn cho con. Tôn trọng sự riêng tư của trẻ cho phép chúng trở nên độc lập và tự tin hơn.


5. Không nhất quán về vấn đề kỷ luật


Đặt ra luật cùng với những hậu quả và thật kiên định với chúng để con biết rằng hành vi nào là có thể chấp nhận được. Đừng bao giờ đưa ra những hình phạt cho con khi bạn đang giận dữ bởi nó có thể khiến trẻ nghĩ rằng trừng phạt là cách phản ứng theo thói quen của bạn. Bố mẹ cần phối hợp với nhau thật tốt và đạt được một nề nếp kỷ luật thật nhất quán.


6. Không cho con thử và thất bại


Vì không muốn con bị tổn thương hay thất vọng nên hầu hết các bậc cha mẹ đều cố hết sức để ngăn chặn những tình huống mà con có thể bị thất bại. Nhưng bố mẹ nên biết rằng vấp ngã và vượt qua thất bại mới chính là cách một người trở nên cứng rắn và mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Hãy nói chuyện với con về những giấc mơ của con và động viên con nỗ lực vì những giấc mơ đó và nhắc con nhớ rằng bố mẹ lúc nào cũng luôn ở bên ủng hộ.


7. Không cho con tham gia vào quá trình đưa ra quyết định


Cả nhà sẽ đi nghỉ ở đâu khi năm học kết thúc? Có thể con cũng đã lên sẵn những kế hoạch cho cả nhà rồi. Vì thế, việc hỏi ý kiến và những gợi ý của con sẽ thể hiện rằng bạn tôn trọng con và trân trọng ý kiến của con. Bạn cũng có thể cho con thấy cách đưa ra quyết định tốt là như thế nào, điều này sẽ làm tăng ý thức về trách nhiệm của con - một phẩm chất vô cùng cần thiết sau này.


* Nguồn: Smartparent

* Biên dịch: afamily

26 lượt xem

Bình luận


bottom of page