Một trong những trách nhiệm quan trọng mà cha mẹ nào cũng muốn làm là lo liệu cho tương lai của con cái, bởi mọi phương diện về sức khỏe thể chất, tinh thần hay cảm xúc của con đều cần được quan tâm. Cha mẹ luôn muốn bảo đảm rằng con mình khi lớn lên sẽ trở thành những người công dân tốt và có thể đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Nhiều cha mẹ hay lầm tưởng rằng chúng ta có thể thư thả và chậm rãi trong việc dạy con về những giá trị đạo đức. Nhưng sự thật là con nên được làm quen với những giá trị này từ sớm. Đây cũng là thời điểm rất phù hợp bởi lúc còn nhỏ cũng là lúc con ở trong giai đoạn dễ dàng tiếp thu kiến thức nhất. Vậy cha mẹ có thể làm gì để phát triển những giá trị đạo đức tốt đẹp ở con?
1. Thực hiện những điều tốt trước mặt con
Một trong những điều tuyệt vời nhất cha mẹ có thể làm là trở thành tấm gương cho con cái. Con sẽ học thông qua việc quan sát cách cha mẹ đối xử với chúng như thế nào, những tương tác của cha mẹ với người khác, cũng như các hành vi của cha mẹ trong đời sống hàng ngày. Nếu cha mẹ muốn con hiểu được sự trung thực, lòng tự trọng hay lòng trắc ẩn, cha mẹ cũng phải thể hiện được những giá trị này. Người lớn có thể dạy con bất kỳ điều gì qua lời nói, nhưng chỉ cần điều con quan sát được trái ngược với những gì con đã được dạy, việc dạy cũng trở nên công cốc.
2. Xin lỗi con khi cha mẹ phạm sai lầm
Mỗi lần cha mẹ mắc lỗi, có hai điều cha mẹ nên làm. Đầu tiên, cha mẹ hãy thừa nhận lỗi lầm của mình. Sau đó, cha mẹ hãy nói lời xin lỗi với con. Điều này sẽ thể hiện rằng cha mẹ tôn trọng và đề cao những suy nghĩ và cảm nhận của con.
3. Trò chuyện về những trải nghiệm hằng ngày
Mỗi ngày sống trên đời đều cho ta những cơ hội để trải nghiệm rất nhiều điều. Trong số đó, chắc hẳn sẽ không thiếu những nguyên liệu cha mẹ có thể sử dụng để đưa vào những cuộc trò chuyện về giá trị sống với con. Những nguyên liệu này có thể được tìm thấy qua những mẩu tin tức trên ti vi, ở những việc cha mẹ và con thực hiện mỗi ngày hay quan sát được ở người khác.
4. Chia sẻ trải nghiệm cá nhân với con
Trong quá trình trưởng thành, cha mẹ cũng đã trải qua rất nhiều bài học xương máu, hay đơn giản hơn là những tình huống đã giúp ta có thêm nhiều bài học quý. Cha mẹ hãy mở lòng và chia sẻ những câu chuyện này với con. Đặc biệt, cha mẹ hãy chú trọng vào việc mình đã đưa ra quyết định như thế nào và điều đó phản ánh những giá trị tích cực ra sao.
Ví dụ, cha mẹ có thể kể về lần cha mẹ đứng lên bảo vệ niềm tin của mình thay vì chạy theo số đông, chủ động kết bạn và giao lưu với một người bạn bị cả lớp ghẻ lạnh, nộp lại một chiếc ví đánh rơi trên vệ đường, hoặc nỗ lực làm việc để đạt được một mục tiêu nào đó. Trong khi thuật lại câu chuyện, cha mẹ hãy giải thích vấn đề gặp phải là gì, tại sao bản thân lại đưa ra quyết định như vậy, cũng như việc câu chuyện kết thúc như thế nào.
5. Không nên để con lựa chọn phương án dễ dàng nhất
Sẽ có những lúc con rơi vào một tình huống khó khăn và cách giải quyết nhanh gọn nhất đối với con lúc đó sẽ là chùn bước hoặc bỏ cuộc. Tuy nhiên, cha mẹ hãy khuyến khích con tiếp tục nỗ lực và cố gắng hoàn thành những gì mình đã theo đuổi. Đây là cách làm yêu cầu nhiều kỷ luật và sức mạnh tinh thần hơn, nhưng kết quả về lâu dài cũng sẽ giúp ích cho các con nhiều hơn. Khi đã trở thành thói quen, sự kỷ luật và kiên trì sẽ làm bàn đạp mạnh mẽ để con vượt qua bất kỳ thử thách nào trong cuộc sống.
6. Dạy con về lòng tốt
Hãy dạy con về lòng tốt và tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác bất cứ khi nào con có thể. Có rất nhiều điều con có thể làm để giúp đỡ người khác, ví dụ như xách đồ hộ bố mẹ, chia sẻ phần ghi chép bài vở với bạn vắng mặt, hay chủ động kết bạn với những người bạn rụt rè hơn, …
7. Quản lý thời lượng xem ti vi và sử dụng mạng của con
Có rất nhiều lối mòn tư duy được hình thành từ rất sớm mà tới độ tuổi trưởng thành, chúng ta mới có thể nhận ra để dò lại và bắt đầu sửa đổi những sai lệch bắt nguồn từ đó. Tuy rằng việc bảo vệ con trước tất cả những ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới xung quanh là việc bất khả thi, cha mẹ có thể hạn chế phần nào những ảnh hưởng đó nếu con không tiếp xúc quá nhiều với mạng Internet hay ti vi.
8. Khen thưởng những hành vi tốt
Khi con thực hiện một việc đáng khen, hãy để con biết rằng cha mẹ hài lòng với điều đó. Ví dụ như lúc con tự giác dọn phòng hay làm bài tập chẳng hạn. Hãy tặng con một lời khen sau khi con hoàn thành một bài tập khó nhằn. Hoặc nếu cha mẹ thấy các con của mình đang chơi với nhau một cách hòa đồng, hãy nói với chúng rằng cha mẹ cảm thấy rất tuyệt vời khi nhìn thấy các con đang hòa thuận với nhau.
Lời kết
Cha mẹ hãy giao tiếp với con. Cha mẹ cần trao đổi với con về những việc con đã làm được và làm đúng, cũng như những việc con chưa làm được và cần điều chỉnh, hay làm thế nào để đưa ra quyết định tốt nhất trong một tình huống. Những cuộc trò chuyện như thế này chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian, nhưng việc đầu tư vào chúng chắc chắn sẽ mang lại lợi ích rất lớn sau này cho con.
*Nguồn: Orchids International School
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comments