top of page

9 cách thúc đẩy năng lực sáng tạo trong con

Có rất nhiều cách để xây dựng năng lực sáng tạo trong trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ nên khuyến khích sự phát triển này càng sớm càng tốt. Sự sáng tạo sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển các kỹ năng học tập, kỹ năng xã hội và sự tự tin của con. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu trẻ có cơ hội thực hành kỹ năng sáng tạo trong giai đoạn phát triển, con sẽ có khả năng giải quyết các vấn đề khi trưởng thành một cách tốt hơn. Khi nói về sự sáng tạo, ta thường nghĩ về những nghề nghiệp như nghệ sĩ, nhà điêu khắc hay diễn viên. Tuy nhiên, sự thực là sự sáng tạo có thể áp dụng trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Dưới đây là một số cách để cha mẹ có thể khuyến khích sự sáng tạo trong con, đồng thời tăng sự kết nối với con mình. Hãy tìm hiểu cùng Nghề Cha Mẹ nhé!


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

1. Thiết lập không gian sáng tạo ở nhà

Cha mẹ nên bố trí một không gian hợp lý ở nhà để con có thể thoải mái khám phá và phát huy năng lực sáng tạo của mình. Một không gian quá bừa bộn và tù túng có thể gây xao nhãng và kìm kẹp sự sáng tạo của con. Chỉ bằng việc có một không gian trên sàn nhà để con thoải mái chơi lắp ráp mô hình hoặc không gian trên bàn để con có thể tô màu thỏa thích là đã đủ để mở đường cho sự sáng tạo của con được bay bổng rồi. 


2. Kích thích các giác quan của con

Bất cứ khi nào có thể, cha mẹ hãy đưa con ra ngoài và khám phá thế giới xung quanh. Điều quan trọng là con có cơ hội tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau và trải nghiệm những điều mới mẻ. Một chuyến đi tới vườn bách thú cũng có thể đáp ứng được mục đích này. Hãy tìm hiểu về sở thích của con và hướng con tới những nơi có sự xuất hiện của những điều đó. Nếu con thích tìm hiểu về các phương tiện giao thông, biết đâu cha mẹ lại tìm được một nơi trưng bày phù hợp để con tham quan thì sao? Hoặc cha mẹ cũng có thể đưa con tới thư viện để con lựa một cuốn sách mới. Cuộc sống luôn rất sôi động và luôn có thật nhiều điều đang diễn ra. Vì vậy, cha mẹ hãy thử nhìn ngó xung quanh và chọn ngày để cùng con khám phá nhé.


3. Giúp con phát triển năng lực tư duy

Thật không dễ để hình thành năng lực sáng tạo chỉ sau một vài ngày. Sáng tạo cũng cần luyện tập. Việc bắt đầu một dự án sáng tạo (như một câu chuyện chẳng hạn) thường là bước khó nhất. Vì vậy, con không nên ngần ngại trong việc kêu gọi sự giúp đỡ. Chẳng hạn, con bắt đầu câu chuyện với một bức tranh. Hãy bắt đầu bằng bức tranh đơn giản nhất. Nếu bức tranh đó thể hiện một con con vật đang chạy qua một cánh đồng, cha mẹ có thể hướng dẫn con đặt các câu hỏi để kích thích quá trình suy nghĩ của con như “Tại sao con vật lại đang chạy?”, “Nó đang chạy đi đâu?”, “Con vật này có tên không?”, “Liệu nó có tài năng đặc biệt nào không?”, … Bằng việc đặt những câu hỏi này, cha mẹ sẽ giúp con khuấy động khả năng suy nghĩ và giúp con xây dựng những quan điểm của riêng mình. 


4. Tham gia vào quá trình cùng con

Một trong những cách để trẻ có thể học là thông qua việc quan sát người khác. Vì vậy, cha mẹ có thể thúc đẩy sự sáng tạo của con bằng việc cùng con tham gia vào quá trình này. Đây cũng là một cách để cha mẹ chia sẻ những ý tưởng của mình và giới thiệu những góc nhìn mới mà trước giờ con chưa có cơ hội tiếp cận. Đồng thời, nếu con có gặp khó khăn trong quá trình này thì cha mẹ cũng có thể hỗ trợ con luôn. Trên hết, đây là một cơ hội tuyệt vời để cha mẹ và con có thêm thời gian kết nối với nhau và thấu hiểu nhau hơn. 


5. Không gạt bỏ ý kiến của con

“Làm như thế này là không được” hay “Thật ngớ ngẩn” là những phản hồi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự tự tin của con. Không phải ý tưởng nào cũng sẽ là ý tưởng tốt, nhưng ít nhất con cũng đã nỗ lực để tìm ra phương án của riêng mình. Cha mẹ hãy nhiệt tình và khuyến khích con nhiều hơn trong việc trình bày suy nghĩ của mình và lí giải nguyên nhân vì sao con lại hình thành những suy nghĩ đó. Ví dụ, nếu con nói rằng con muốn đi tới mặt trăng thì cha mẹ hãy hỏi xem con định làm gì để thực hiện được điều đó. Thêm vào đó, cha mẹ có thể bổ sung thêm các vấn đề để con suy nghĩ thêm như “liệu người ngoài hành tinh tấn công thì con sẽ làm thế nào”. Đây là cơ hội để con xoáy sâu vào ý tưởng ban đầu của mình và khai thác những suy nghĩ của bản thân một cách sâu hơn.


6. Khuyến khích con đưa ra nhiều hơn một giải pháp

Bằng cách này, cha mẹ đang giúp con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Trên thực tế, mỗi vấn đề đều có nhiều cách giải quyết khác nhau. Con càng có cơ hội luyện tập nhiều từ lúc còn nhỏ, nền tảng để giải quyết các vấn đề của con sẽ chắc hơn nhiều khi lớn lên. Quay lại với vấn đề du hành tới mặt trăng ở trên - cha mẹ hãy thử hỏi xem con sẽ làm gì tiếp theo nếu giải pháp đầu tiên không thành công như mong muốn. Một cách tinh tế hơn để nêu vấn đề này là cha mẹ hãy hỏi xem con định đưa các thành viên trong gia đình hoặc thú cưng lên mặt trăng như thế nào. 


7. Không trở nên quá kiểm soát

Một điều quan trọng trong quá trình xây dựng năng lực sáng tạo là hãy để con tự do trong việc khám phá và tìm hiểu về thế giới xung quanh. Quá nhiều luật lệ sẽ kìm hãm sự phát triển của con. Việc đặt ra các giới hạn là cần thiết, nhưng cha mẹ hãy lưu ý để những giới hạn này không cản trở con trong việc mày mò và “thí nghiệm” về cuộc sống. Con cũng cần có quyền tự chủ trong việc đưa ra các quyết định cũng như quyền kiểm soát nhất định. Việc cha mẹ gò bó quá nhiều có thể làm giảm sự linh động trong quá trình suy nghĩ của con.


8. Thất bại là chuyện bình thường

Thử sai và rút kinh nghiệm là điều cốt lõi của bất kỳ quá trình học nào. Mỗi sai lầm đều là cơ hội để ta lớn lên. Nói cách khác, thất bại là một thành phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành. Bằng cách va vấp, con sẽ có cơ hội làm quen với những cảm giác khi mọi chuyện chưa đi đúng hướng và dần học cách làm việc cũng như làm chủ những cảm xúc này.


9. Quá trình quan trọng hơn kết quả

Đó là bởi trong quá trình, con sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm, thử sai và học được từ những thất bại của mình. Sau mỗi lần thất bại, con sẽ lại tích lũy và trang bị thêm kinh nghiệm và kiến thức để tiếp tục hành trình một cách cứng cáp hơn.

 

*Nguồn: Blisspot

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Komentarji


bottom of page