“Con nhìn này! Nó quá đẹp phải không nào?”
Giống như nhiều bậc cha mẹ, vợ chồng tôi thường tự hỏi mình đang mắc phải sai lầm gì trong việc nuôi dạy con cái. Chắc chắn có thể liệt kê ra tương đối đấy! Nhưng khi một trong những cậu bé nhà tôi chỉ ra (một cách hồn nhiên) vẻ đẹp của một khung cảnh, ánh sáng rực rỡ của hoàng hôn hoặc độ nhẵn của một cây gậy, chúng tôi biết rằng ít nhất chúng tôi đã làm một điều đúng đắn.
Dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời luôn là ưu tiên hàng đầu của gia đình. Tuổi thơ của tôi đã trải qua khi cắm trại, lúc đạp xe, rồi đi leo núi, chèo thuyền và tôi luôn muốn con mình cũng được như thế.
Vợ chồng tôi muốn đứa nhỏ nhà mình lớn lên cũng yêu thiên nhiên như chính cha mẹ của con vậy. Chúng tôi muốn bạn ấy biết trân trọng thiên nhiên và không chỉ nhìn thấy cảnh vật mà còn bị quyến rũ bởi tự nhiên. Chúng tôi không muốn lũ trẻ coi thiên nhiên như một điều có sẵn và toàn quyền sử dụng, mà mong con phải có nhận thức đồng thời chung tay bảo vệ môi trường.
Tôi thích câu nói này của Zenobia Barlow:
“Trẻ em được sinh ra với một nhận thức về những điều kỳ diệu và một sự đồng điệu với Thiên nhiên. Nếu được chăm nom đúng cách, những giá trị này có thể trưởng thành và hướng tới hiểu biết về sinh thái, rồi cuối cùng thành mô hình sống bền vững”
Để đạt được điều đó, chúng tôi cố gắng để nuôi dưỡng sự ngạc nhiên của con trẻ với thiên nhiên.
CẢM GIÁC DIỆU KỲ
Trong bài luận của mình với tựa đề “Cảm giác diệu kỳ” (The Sense of Wonder), một trong những nhà bảo tồn tiên phong, Rachel Carson viết:
“Thế giới của trẻ thơ luôn trong lành, mới mẻ và đẹp đẽ, đầy những điều kỳ diệu và phấn khích. Nhưng thật đáng tiếc với hầu hết chúng ta là đôi mắt trong trẻ đó, bản năng chân thực đối với những gì đẹp đẽ và đáng kinh ngạc lại bị lu mờ và thậm chí trôi đi trước khi chúng ta đến tuổi trưởng thành. Nếu tôi có thể gửi một lời thỉnh cầu tới bà tiên tốt bụng, người được cho là sẽ chủ trì lễ rửa tội cho tất cả trẻ em, tôi sẽ xin bà có thể dành cho mỗi đứa trẻ trên thế giới một món quà là cảm giác diệu kỳ sẽ theo cùng các con suốt cuộc đời, như một “liều thuốc giải” không bao giờ cạn, dành cho sự nhàm chán và hay những điều “thật tới vỡ mộng” của những năm tháng sau này, hay mối bận tâm vô ích tới những thứ giả tạo”.
Bất ngờ và trầm trồ trước những điều kì diệu thực sự là một cảm giác quan trọng đối với trẻ, giữ gìn sự ngây thơ của con và giúp con nhìn thế giới xung quanh bằng “đôi mắt trong trẻo”. Cảm giác ngạc nhiên ấy rồi sẽ dần nuôi dưỡng sự tò mò và đặt câu hỏi, trân trọng và tôn trọng, trí tưởng tượng và sáng tạo. Những điều bất ngờ và choáng ngợp sẽ mở rộng tầm mắt của ta trước tất cả những điều hết sức ngạc nhiên trong tự nhiên.
Khi có cơ hội sống chậm lại và quan sát xung quanh, trẻ sẽ bị cuốn hút bởi thế giới xung quanh một cách tự nhiên. Thời gian hòa mình vào thiên nhiên sẽ cho con được chìm vào “bản năng thích những gì đẹp đẽ và đáng kinh ngạc”.
CẢM GIÁC KINH NGẠC
Sự kinh ngạc, mặc dù nghe khá vô hình và khó xác định, nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho con trẻ. Ý nghĩa của nó rộng hơn cả lời “wow” được thốt lên theo bản năng, hay vượt ra ngoài một khoảnh khắc tràn đầy cảm hứng.
Theo một bài báo trên tờ Tâm lý học Ngày nay: “… Nghiên cứu đưa ra gợi ý về tầm quan trọng của trải nghiệm khiến một người kinh ngạc trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày bao gồm cảm giác thuộc về (sense of belonging), thời gian trống, tính hào phóng, sức khoẻ tinh thần và thể chất, sự khiêm tốn, và hành vi giúp đỡ. Thật vậy, sự kinh ngạc có thể là chìa khóa để mở ra bản chất tốt nhất của con người.”
Trong một bài viết khác, cũng tác giả ấy viết với tư cách là một người cha, xác định sự kinh ngạc là một trong những điều quan trọng nhất mà ông muốn trau dồi cho con mình: sức khỏe, chánh niệm, tính tò mò, lòng biết ơn, niềm hy vọng. Ông nói niềm kinh ngạc có thể là một yếu tố góp phần vào tất cả những điều này. “… Khơi dậy cảm giác ấy ở trẻ nhỏ có thể là một trong những chiếc chìa khóa để mở ra nhiều kết quả mà cha mẹ nào cũng hi vọng ở con khi chúng trưởng thành,” ông chia sẻ.
Thường thì khi chúng ta nghĩ về khái niệm của sự ngạc nhiên hoặc kinh ngạc, chúng ta nghĩ đến những điều lớn lao, đặc biệt, hoành tráng. Mặc dù chưa phải là những người đi khắp thế giới, nhưng con của chúng ta đã có cơ hội ghé thăm một số địa điểm hùng vĩ ở Bắc Mỹ: dãy núi Rocky của Canada, Vịnh Grand Canyon và Công viên Quốc gia Acadia đều là những địa điểm nổi bật. Sự rộng lớn của những cảnh quan hẳn có thể truyền cảm hứng cho con và bất kỳ ai khác đến tham quan.
HÃY CHÚ Ý
Trẻ em thực chất không cần những khung cảnh hùng vĩ và rộng lớn để “nạp nguyên liệu” cho nhũng cảm giác diệu kì và kinh ngạc của con tới thiên nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Các con được bao quanh bởi thiên nhiên và chỉ cần dành thời gian để chú ý đến những kỳ quan xung quanh mình. Việc nhắc các con dừng lại để chú ý vào những điều trước mắt thực sự có lợi cho trẻ, ví dụ như: con kiến mang theo trọng lượng gấp 50 lần của nó, sức mạnh và vẻ đẹp của “tấm” mạng nhện, cảm giác mát lạnh của dòng suối vào một ngày hè oi ả, ánh sao lấp lánh trong đêm trên nền trời quang đãng.
Trẻ em thực sự xuất sắc trong việc chú ý đến những điều nhỏ bé, tìm thấy niềm vui từ những điều đơn giản và nhỏ bé. "Nhiều trẻ em, có lẽ vì con cũng nhỏ bé và gần với mặt đất hơn chúng ta, nên con có thể chú ý và thích thú vào những điều nhỏ bé và không dễ thấy, dễ tìm ... Một số những “công trình và tác phẩm” tuyệt đẹp nhất của thiên nhiên có thể được tìm thấy khi nhìn kĩ vào những gì bé nhỏ..." (Rachel Carson)
Người lớn có một nhiệm vụ cao cả là cho con cơ hội để nhìn thấy những điều kỳ diệu này, cho cả thời gian để chú ý và trân trọng chúng. Chỉ ra những điều nhỏ nhặt (và lớn lao) cho trẻ em khi ta ở ngoài trời cùng con là một cách tuyệt vời để nhắc con thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, để nuôi dưỡng những điều diệu kỳ và đáng kinh ngạc.
Ngược lại, điều này sẽ giúp con nuôi lớn tình yêu và trân trọng nhiều hơn đối với thiên nhiên, vị trí của chính mình trong thiên nhiên và đặt những khó khăn trong cuộc sống sang một bên. Khó có thể cảm thấy buồn khi nhìn thấy cầu vồng đôi, nhìn thấy chim mẹ xây tổ hay thấy một bông hoa dại mọc qua vết nứt nhỏ ở vỉa hè.
Theo dõi để đón đọc phần 2
*Nguồn: Get the Kids Outside
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments