Khi tôi còn bé, mẹ thường dạy tôi quản lý tài chính bằng cách chia nhỏ số tiền thưởng có được sau những lần hoàn thành công việc nhà và để chúng vào ba phong bì khác nhau: tiền tiết kiệm, tiền tiêu vặt, và tiền cho đi. Và mặc dù còn rất nhỏ, tôi đã luôn suy nghĩ và ghi nhớ rằng phong bì tiền tiết kiệm nên có nhiều tiền nhất.
Bây giờ, khi đã lớn, tôi vẫn giữ nguyên thói quen đó. Tôi luôn do dự trong việc chi tiêu cho bản thân và người khác. Trong khi số tiền tiết kiệm đề phòng cho những trường hợp khẩn cấp là rất cần thiết, nhưng việc tích góp từng đồng xu và cân nhắc quá chi li khiến tôi mệt mỏi và hoàn toàn không vui vẻ gì. Tôi đã từng tắt máy sười trong thời tiết lạnh buốt, và thậm chí tìm mọi lý do để thuyết phục bản thân rằng mua sắm là không cần thiết, kể cả nó có mang lại niềm vui cho tôi.
Tệ hơn nữa là thói quen chi tiêu không khoa học này đã ảnh hưởng trực tiếp lên những đứa trẻ trong gia đình. Hàng tuần, tôi thường cho các con nhận khoản tiêu vặt nhỏ. Mấy đứa trẻ hay tiết kiệm bằng cách để số tiền vào những chiếc bình nhỏ và dùng để mua những món đồ chúng thích. Gần đây, mấy đứa đang dành tiền để mua tạp chí du lịch và sách tô màu. Thật kỳ lạ là kể cả khi tôi hiểu những đứa trẻ thích thú thế nào khi mua được những món đồ đó, tôi vẫn cố gắng thuyết phục chúng đừng tiêu tiền vào những việc như vậy.
Và tôi nhận ra rằng, mặc dù tiết kiệm là rất cần thiết, nhưng tôi không muốn con của tôi trở nên keo kiệt với chính bản thân và những người xung quanh. Chính vì thế, tôi cố gắng dạy chúng hào phóng với số tiền có được.
Tôi cẩn thận hơn trong việc xây dựng nhận thức của con về tài chính gia đình
Để từ chối việc mua những món đồ chơi đắt đỏ khi bọn trẻ nài nỉ, cách tốt nhất chính là nói rằng "Chúng ta không có đủ tiền." Nhưng, điều này sẽ khiến bọn trẻ có suy nghĩ sai lệch về tình trạng tài chính gia đình. Mặc dù ngôi nhà của chúng tôi không phải lớn nhất, xe ô tô không phải đời mới nhất, quần áo không phải thuộc những thương hiệu đắt đỏ, nhưng bọn trẻ nên có suy nghĩ rằng, chúng đang may mắn hơn rất nhiều người khác vì chúng không phải lo nghĩ đến từng bữa ăn và nơi ở.
Tôi giải thích cho bọn trẻ về sự nghèo đói và những cách để giúp cải thiện điều đó
Chúng tôi trích một khoản nhỏ cho những tổ chức từ thiện đang hoạt động tại các vùng nghèo đói trên thế giới. Một trong những quỹ từ thiện hỗ trợ trẻ em nghèo chúng tôi hay gửi tiền thường cung cấp những thông tin hàng tháng về tình trạng của những đứa trẻ. Khi đó, tôi cùng các con thường ngồi cùng nhau đọc những dòng tin đó, và bàn luận về việc số tiền gia đình chúng tôi gửi có thể giúp gì cho bọn trẻ như thế nào. Việc này sẽ giúp các con tôi có thêm kiến thức về tình trạng xã hội thực tế và khuyến khích chúng tìm ra phương pháp hỗ trợ.
Các con có quyền tự do chi tiêu số tiền chúng có
Thay vì nói không với tất cả món đồ bọn trẻ muốn mua, tôi tập thói quen nhắc chúng mang theo số tiền tiêu vặt mỗi khi đi siêu thị. Bọn trẻ có thể dành tiền để mua những thứ chúng thích. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ cố gắng giải thích và ngăn cản chúng tiêu quá nhiều tiền vào những thứ không thực sự cần thiết. Và thay vào đó, tôi sẽ hỏi ý kiến bọn trẻ về việc mua những món đồ cũ để chúng có thể tái sử dụng và đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Tôi để con tự quyết định việc tiêu tiền cho bạn bè và gia đình
Đứa con năm tuổi của tôi thường nói rằng muốn dành tiền để mua quà sinh nhật cho tôi. Còn đứa bảy tuổi nói rằng sẽ tiết kiệm để mua cho bà ngoại vé máy bay đến thăm chúng tôi sau khoảng thời gian dài giãn cách do COVID. Sự hào phóng của chúng nhắc nhở tôi rất nhiều rằng tôi nên để các con dùng tiền để thể hiện sự tốt bụng.
Tôi dạy con về việc sử dụng tiền với mục đích "hào phóng"
Chúng tôi không hay ngồi bàn luận về tài chính trong bữa tối, nhưng khi vấn đề đó nổi lên, bọn trẻ sẽ bắt đầu nói không ngừng về việc chúng muốn những món đồ mới, từ hộp ăn trưa đến những bộ đồ chơi. Thay vì dành quá nhiều thời gian nói về điều đó, tôi thường hỏi các con rằng "Con muốn mua gì tặng bà vào dịp sinh nhật? Hay chúng ta có thể dành số tiền tiết kiệm để giúp đỡ ai đó không nhỉ?" Bằng cách bắt đầu cuộc nói chuyện như vậy, tôi hi vọng bọn trẻ sẽ học được cách suy nghĩ cho mọi người trước.
Tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thói quen tiết kiệm không khoa học, nhưng chắc chắn rằng tôi đang nỗ lực để dạy các con cách quản lý tài chính mang lại niềm vui cho chúng và mọi người xung quanh.
* Nguồn: Parents
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
#tuduytrunghoc #tuduymamnon #tuduytieuhoc #IEGGlobal #Inspiringmind #nghechame
Comments