top of page

Có thể vs Không thể

Đôi khi, chúng lựa chọn từ bỏ một điều gì đó chỉ đơn thuần bởi ta không còn muốn làm nữa.


Ví dụ, tôi bỏ chơi piano từ khi còn học tiểu học vì tôi không thích nó. Tôi biết mình có thể tiếp tục tiến bộ hơn nếu cố gắng, nhưng tôi chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc vào cái ngày mà tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ phải chơi bất cứ một nốt nào nữa và tôi không hề hối hận về quyết định này.


Tuy nhiên chúng ta rất hay bỏ cuộc vì nghĩ rằng kể cả có cố gắng đến chừng nào chúng ta cũng không thể làm được.


Tôi bỏ học môn toán ở trường đại học, vì một phần nào đó trong tôi nghi ngờ khả năng học của bản thân ngoài giải tích đa biến. Tôi yêu thích đạo hàm và tích phân và mọi thứ tôi đang học vào thời điểm đó — và tôi đặc biệt yêu mến giáo sư toán học của mình, Robin Gottlieb. Tuy nhiên, những suy nghĩ về bậc học cao hơn vẫn là điều gì đó thật choáng ngợp.


Bỏ cuộc đôi khi là một quyết định đúng đắn, nhưng vào khoảnh khắc khi chúng ta tuyên bố,

Tôi bỏ cuộc! Tôi sẽ không làm nữa đâu!

có thể rất khó để biết liệu chúng ta có đang bỏ cuộc vì lí do đúng đắn hay không.



Vào khoảng thời gian tôi bỏ học piano ở New Jersey, một điều rất quan trọng đã xảy ra ở phía bên kia của đất nước. Vào năm 1977, nhà tâm lý học Albert Bandura của Stanford đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Tin vào năng lực bản thân: Hướng tới một lý thuyết thống nhất về thay đổi hành vi”.


Giờ đây, sau hơn bốn thập kỷ, đây là bài báo được các nhà khoa học khác trích dẫn hơn 75.000 lần — nhiều hơn bất kỳ bài báo nào khác mà tôi từng đọc.


Bandura khẳng định rằng yếu tố cơ bản của rất nhiều quyết định trong cuộc sống - kiên trì hay bỏ cuộc, cố gắng hơn một chút hay chểnh mảng, tìm kiếm sự giúp đỡ hay thu mình lại trước thử thách - là mức độ mà chúng ta nghĩ rằng mình có thể thành công nếu cố gắng. Thuật ngữ Bandura đưa ra để chỉ khái niệm tự đánh giá khả năng của bản thân này là self-efficacy (niềm tin vào năng lực bản thân), nhưng thuật ngữ được sử dụng phổ biến hơn là sự tự tin.



Ví dụ: Đây là một bản khảo sát đánh giá năng lực bản thân của sinh viên ngành vật lý:


  1. Tôi có thể hoàn thành các thí nghiệm vật lý mà tôi nhận được trong lớp thí nghiệm.

  2. Khi đi tới một viên bảo tàng tôi có thể chỉ ra những gì đang được trưng bày theo phương diện vật lý

  3. Tôi có khả năng giúp bạn cùng lớp về thí nghiệm và lý thuyết vật lý

  4. Tôi có cảm giác chìm đắm khi nghĩ đến việc giải các bài toán vật lý khó.

  5. Nếu tôi muốn, tôi có thể làm tốt các nghiên cứu về vật lý.

  6. Nếu tôi học, tôi sẽ làm tốt bài kiểm tra vật lý.


Bằng cách thực hiện khảo sát này cho các sinh viên vật lý mới nhập môn lặp đi lặp lại trong suốt nhiều học kỳ, các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra sự khác biệt giữa niềm tin vào năng lực bản thân với khả năng thực tế. Sau đây là những gì họ phát hiện ra: học sinh nữ đạt điểm A môn vật lý cũng tự tin như nam sinh đạt điểm C.


Hiểu được điều gì tạo nên và điều gì làm tổn hại đến niềm tin vào năng lực của bản thân là công trình cả đời của Bandura, và khi đang bước vào những tháng cuối năm của một năm đặc biệt đầy thử thách, tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chúng ta dành chú ý đến những gì ông ấy đã khám phá ra.


ĐỪNG ngộ nhận rằng chúng ta hiểu rõ được lý do tại sao mình từ bỏ một điều gì đó. Một ngày nọ, tôi đã đi tìm lại bảng điểm đại học của mình để xem số điểm mình đạt được trong các khóa học giải tích của Robin khi tôi quyết định dừng việc học toán. Tất cả là điểm A.


HÃY chia sẻ với trẻ về những điều bạn đã quyết định từ bỏ. Trò chuyện về những quyết định mà bạn cho là sáng suốt và những quyết định mà bạn hối tiếc — và những gì bạn đã học được từ đó về sự thiếu tự tin dai dẳng đôi khi làm mờ đi khả năng suy xét của chúng ta. Và có lẽ chia sẻ với chúng câu châm ngôn mà giới khoa học ủng hộ: Dù bạn nghĩ là mình có thể hay không thể, thì bạn đều đúng cả.


* Nguồn: Character lab

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



Comments


bottom of page