Nghiên cứu cho thấy những trải nghiệm về lòng biết ơn thường có bốn phần, nhưng các bậc phụ huynh hiếm khi dạy cho con mình đầy đủ 4 phần đó.
Gần như ở đâu ta cũng có thể bắt gặp một số những trải nghiệm trong quá trình nuôi dạy con cái. Ví dụ như điều kỳ diệu trong nụ cười đầu tiên của sinh linh mới chào đời. Niềm phấn khích trong những bước chập chững đầu tiên của một em bé mới biết đi. Và niềm tự hào khi nghe hai từ “Cảm ơn” phát ra từ miệng con mà cha mẹ không cần phải thúc giục con trước.
Nhưng lòng biết ơn có ý nghĩa thế nào đối với trẻ? Hầu hết các nghiên cứu ban đầu về lòng biết ơn của trẻ em đều tập trung vào các hành động thể hiện sự trân trọng. Ví dụ, trong một nghiên cứu từ năm 1976, các nhà nghiên cứu đã ghi âm trẻ em trong sự kiện Halloween và phát hiện ra rằng trẻ em từ 11 đến 16 tuổi có khả năng nói “cảm ơn” cao gấp 4 lần so với trẻ 6 tuổi khi các bé đi xin kẹo.
Ngày nay, các nhà tâm lý học nghiên cứu về lòng biết ơn chỉ ra rằng lòng biết ơn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ một lời cảm ơn. Trẻ thể hiện lòng biết ơn không chỉ rộng hơn lời cảm ơn người khác mà còn đòi hỏi con phải sử dụng một loạt các kỹ năng cảm xúc xã hội phức tạp. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina (University of North Carolina) ở Greensboro cho rằng lòng biết ơn ở trẻ em liên quan đến việc đưa quan điểm và kiến thức của trẻ về cảm xúc, những kỹ năng mà trẻ bắt đầu phát triển nhanh hơn ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi.
Trong dự án “Dạy con biết ơn” tại Chapel Hill ở Đại học Bắc Carolina, chúng tôi đã khám phá những trải nghiệm về lòng biết ơn với các gia đình khi con cái họ lớn lên từ những đứa trẻ mẫu giáo đến những thiếu niên nhỏ tuổi. Dựa trên các tài liệu khoa học và các cuộc trò chuyện của chúng tôi với cha mẹ, chúng tôi nghĩ về lòng biết ơn như một trải nghiệm hội tụ đủ bốn phần:
Những gì ta nhận thấy trong cuộc sống mà khiến ta cảm thấy biết ơn
Cách ta nghĩ về lý do tại sao ta được trao cho những điều đó
Ta cảm nhận thế nào về những gì ta đã được trao
Điều ta làm để bày tỏ lòng biết ơn ngược lại
Những bạn tuổi teen và cả người lớn dễ đi qua cả bốn phần của lòng biết ơn một cách tự nhiên, nhưng các em bé hơn chỉ có thể thực hiện một số phần này khi được nhắc nhở. Trẻ có thể thể hiện lòng biết ơn nhiều hơn khi chúng đạt được các kỹ năng nhận thức, có thêm thực hành với các kỹ năng đó và bắt đầu kết nối các phần thấy-nghĩ-cảm với phần làm của việc bày tỏ lòng biết ơn.
Mô hình này nhấn mạnh rằng lòng biết ơn là về cách ta nhận mọi thứ trên thế giới cũng như cách ta cho đi. Thật vậy, đối với trẻ em, nhóm của chúng tôi kỳ vọng rằng việc giúp các con tiếp nhận sâu sắc mọi thứ trong cuộc sống sẽ giúp tạo ra những trải nghiệm thực sự về lòng biết ơn một cách chân thành. Không chỉ vậy, những trải nghiệm này còn có thể thúc đẩy những hành vi thể hiện tính trân trọng mà cha mẹ muốn thấy ở con cái họ.
Cách trẻ em học cách cảm ơn
Thêm vào đó, bốn phần của lòng biết ơn cung cấp cho cha mẹ một số lựa chọn về cách họ có thể giúp con học về lòng biết ơn.
Trong khoảng thời gian mười ngày, chúng tôi đã hỏi 100 phụ huynh về cách họ đã cố gắng nuôi dưỡng lòng biết ơn như thế nào ở con mình trong độ tuổi từ sáu đến chín tuổi. Một số biểu hiện này tập trung vào cách cha mẹ khuyến khích con cái thể hiện lòng biết ơn, chẳng hạn như nhắc con nói lời cảm ơn hay thể hiện sự biết ơn theo những cách hơn cả lời nói. Các cách thể hiện còn lại tập trung vào những gì trẻ nhận thấy, nghĩ đến hoặc cảm nhận về những điều mà con nhận được.
Điều chúng tôi phát hiện ra là cha mẹ, như những nhà nghiên cứu về lòng biết ơn đầu tiên, tập trung vào những gì con làm để thể hiện lòng biết ơn. Hầu hết các bậc phụ huynh (khoảng 85%) khuyến khích con cái nói lời cảm ơn và thể hiện lòng biết ơn theo những cách theo lễ phép. Một phần nhỏ hơn (39%) động viên trẻ thể hiện lòng biết ơn theo những cách hơn cả sự lễ phép thông thường. Khoảng một nửa số cha mẹ cho biết họ đã chỉ cho con mình biết rằng con đã nhận được một điều gì đó (một hành vi cho con thấy). Nhưng thậm chí còn ít cha mẹ hỏi con về cảm giác của con khi nhận một món quà (chỉ có 1/3 số cha mẹ cho thấy có hành vi cảm nhận ở con) hoặc tại sao con nghĩ rằng ai đó lại tặng con một món quà (có 22% cha mẹ khuyến khích con thể hiện hành vi nghĩ).
Chúng tôi nghĩ rằng trẻ có thể hiểu điều gì là quan trọng về lòng biết ơn dựa trên hành vi của chính cha mẹ các em. Những thông điệp trong biểu hiện này có thể từ đó định hình cách trẻ thể hiện lòng biết ơn.
Khi các bậc phụ huynh cho thông tin về tần suất họ nhìn thấy các kiểu thể hiện lòng biết ơn ở con mình bằng cách con sử dụng chính những cuốn nhật ký hàng ngày, thì những gì trẻ làm để thể hiện lòng biết ơn thực sự vượt trội hơn hẳn những gì con thấy-nghĩ-cảm. Hầu hết tất cả các bậc cha mẹ đều cho biết rằng con mình thể hiện lòng biết ơn một cách lễ phép (chẳng hạn như nói “con/cháu cảm ơn”) vào mọi ngày của nghiên cứu, trong khi đó chỉ một nửa nói rằng bé nhà mình thể hiện lòng biết ơn theo những cách vượt ra ngoài “cư xử lễ phép”. Nhiều phụ huynh (hơn 60%) nói rằng con cái họ nhận thấy những điều mà con biết ơn trong cuộc sống hoặc kết nối những cảm xúc tích cực với trải nghiệm khi con nhận được một điều gì đó. Tuy nhiên, chưa tới một nửa cho biết rằng con họ nghĩ về lý do tại sao ai đó tặng mình một món quà theo cách mang lại lòng biết ơn ở trong con.
Câu hỏi nuôi dưỡng lòng biết ơn
Những kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng có những cơ hội để nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ em mà nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa khai thác. Tìm cách giúp trẻ nhận thức sâu sắc hơn những gì con đã nhận được là một điểm khởi đầu quan trọng. Nhưng giúp họ hiểu rõ được những món quà đó, thông qua suy nghĩ và cảm xúc của con, có thể là điểm mấu chốt cho những trải nghiệm của con về lòng biết ơn một cách cụ thể hơn.
Vậy cha mẹ có thể làm điều đó thế nào? Chính bằng cách đặt câu hỏi. Dưới đây là một số ví dụ về các câu hỏi thấy-nghĩ-cảm-làm mà các bậc phụ huynh có thể sử dụng.
Nhận thấy: Con đã được ban cho điều gì hay là có điều gì trong cuộc đời mình mà con thấy biết ơn? Có “món quà” nào đằng sau những món quà vật chất mà con cảm thấy trân trọng không, chẳng hạn như suy nghĩ của ai đó về con hoặc sự quan tâm dành cho con đủ để tặng cho con món quà đó?
Nghĩ: Tại sao con nghĩ con lại nhận được món quà này? Con có nghĩ rằng con nợ người đã tặng mình một thứ gì đó để đáp lại hay không? Hay con có nghĩ mình có được món quà này vì một điều gì đó mà con đã tự làm? Con có nghĩ người tặng buộc phải tặng cho con món quà này không? Nếu câu trả lời của con là “không” cho những câu hỏi này, thì con có nhiều khả năng là cảm thấy biết ơn hơn.
Cảm nhận: Con có thấy vui khi nhận được món quà này không? Điều đó có cảm giác như thế nào bên trong con? Điều gì về món quà khiến cho con cảm thấy hạnh phúc? Những câu hỏi này giúp trẻ kết nối cảm giác tích cực của mình với những món quà mà con nhận được trong cuộc sống.
Làm: Có cách nào con muốn thể hiện cảm xúc của mình về món quà này không? Cảm nhận của con về món quà này có khiến con muốn chia sẻ cảm xúc ấy bằng cách tặng một thứ gì đó cho một người khác không? Gợi ý cho trẻ sau những trải nghiệm về lòng biết ơn nhằm thúc đẩy các hành động biết ơn, cho dù đó là hành động thể hiện sự trân trọng hay trả ơn, có thể giúp trẻ kết nối các trải nghiệm và hành động của chính con trong cuộc sống.
Chúng tôi nghĩ rằng những loại câu hỏi này có thể giúp trẻ nhận thức sâu sắc hơn những món quà từ người khác hoặc nhận thấy những gì chúng đã có trong cuộc sống. Rồi từ đó, chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp nhận sâu sắc có thể thúc đẩy các hành động biết ơn đối với người khác. Và điều đó sẽ mang lại cho cha mẹ lý do để cảm thấy tự hào về những đứa con không chỉ biết nói lời cảm ơn mà, quan trọng hơn là, thực sự có ý trân trọng nó.
* Nguồn: Tạp chí Greater Good – Đại học California (University of California)
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments