Nếu có cơ hội được quay trở về quá khứ ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, có lẽ không nhiều người trong số chúng ta sẽ chọn quãng thời gian cấp hai. Những giao tiếp xã hội đầy bối rối? Những pha vỡ giọng dở khóc dở cười? Những cảm xúc, thay đổi chóng mặt của giai đoạn dậy thì? Nếu được hỏi, có lẽ câu trả lời rõ ràng nhất sẽ là không.
Chúng ta đều biết rằng trẻ vị thành viên cần trải nghiệm nhiều sự tự do hơn, nhưng đây cũng là một thử thách để tìm ra sự cân bằng giữa sự giám sát của cha mẹ và không gian riêng của các con, đặc biệt khi cha mẹ nào cũng mong muốn các con phải trở nên thật thành công. Cha mẹ không nên thả lỏng hoàn toàn để con “tự bơi” hay thích làm gì thì làm. Nhưng đồng thời, cha mẹ cũng không nhất thiết can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con, chẳng hạn giúp con viết hẳn cả bài luận chẳng hạn. Việc tìm ra sự cân bằng này sẽ không dễ dàng, nhưng cha mẹ thử tham khảo 07 gợi ý dưới đây xem sao nhé.
1. Trở thành bạn đồng hành của con
Hãy nghĩ về những kỹ năng mà chúng ta cần để thực hiện các công việc một cách hiệu quả - khả năng hợp tác với người khác, giao tiếp với những người lớn tuổi, tự thức dậy vào buổi sáng, lên kế hoạch và thực hiện chúng, quản lý tài chính cá nhân, tự bảo vệ bản thân mình, … Không phải cứ tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học là chúng ta sẽ thành thạo tất cả những điều đó. Vì vậy, con có thể thực hành làm những nhiệm vụ này cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ. Có những việc cha mẹ có thể trở thành người dẫn đường và chỉ cho con, nhưng cũng có những việc cha mẹ nên để con tự quyết định. Đây là những bước đầu để con tự lập và cũng là một cách rất hay để nhắn nhủ với con rằng cha mẹ tin tưởng con trong việc làm chủ cuộc sống của mình.
2. Nhận ra rằng những năm tháng cấp hai là quãng thời gian được sống và thử sai
Lần cuối cùng chúng ta cần tới bảng điểm cấp hai để nộp cùng hồ sơ phỏng vấn xin việc là khi nào? Câu trả lời là gần như không bao giờ, trừ số ít những trường hợp đặc biệt. Những năm tháng cấp hai là một cơ hội tuyệt vời để con luyện tập rất nhiều kỹ năng, mà không phải kỹ năng nào trong số đó cũng cần đến sau này. Các con có thể tận dụng khoảng thời gian này để khám phá thế giới ngoài kia cũng như quay về chính mình và hiểu xem bản thân là ai. Đây có thể sẽ là một quá trình với nhiều sự nghi ngờ, lo lắng, cũng như sợ hãi. Vì vậy, sự bao dung và thấu hiểu của cha mẹ là cực kỳ quan trọng để con có thể đi trên chặng đường này một cách tự tin mà không bị chi phối bởi bất kỳ sự vấp ngã hay lỗi lầm nào.
3. Tập trung vào quá trình thay vì kết quả
Trường học gần như lúc nào cũng sẽ đánh giá bằng cách đưa ra điểm số. Tuy vậy, việc chú trọng quá nhiều vào kết quả có thể làm cản trở quá trình phát triển của con. Thay vào đó, chúng ta có thể hướng dẫn con tập trung vào “hành trình”, tức là để ý tới sự tiến bộ của bản thân cũng như những nỗ lực mà con đã thực hiện trong quá trình học tập. Yếu tố then chốt ở đây chính là việc sở hữu một tư duy phát triển. Theo đó, thay vì tập trung vào đích đến, con tập trung vào những gì con có thể làm được ở hiện tại để tạo ra những thay đổi tích cực hơn, chẳng hạn như làm thế nào để quản lý thời gian hiệu quả hơn, phương pháp học tập nào phù hợp với bản thân mình, hay làm thế nào để học từ những thất bại của chính mình. Cha mẹ hãy khuyến khích con trong việc phản tư và thiết lập những mục tiêu cho mình bằng cách đặt những câu hỏi như:”Mình đàn làm tốt hay không tốt những điều gì?”, “Nếu có cơ hội khác, mình sẽ hành động khác đi như thế nào?”,…
4. Không can thiệp quá sâu vào việc học của con
Một khi cha mẹ tôn trọng những nhu cầu của con trong việc làm chủ cuộc sống của mình, cha mẹ hãy đồng thời nhận ra rằng việc chú tâm quá nhiều vào đời sống học tập của con có nghĩa là ta đã vượt quá ranh giới tự lập đó rồi. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức với nhiều cha mẹ bởi chúng ta lúc nào cũng muốn con mình đạt kết quả học tập tốt nhất. Cha mẹ phải nhớ rằng việc làm bài tập thay cho con có thể khiến con suy nghĩ rằng cha mẹ không đủ tin tưởng ở con nên mới phải làm hộ mọi thứ như vậy, ngay cả là việc học - một trách nhiệm vốn dĩ không thuộc về cha mẹ. Thay vào đó, cha mẹ có thể hỗ trợ con ở một số phương diện khác, chẳng hạn như hướng dẫn con về cách quản lý thời gian hay cách trao đổi với thầy cô giáo nếu con đang gặp vướng mắc ở một bài tập nào đó hoặc cần xin gia hạn thời gian nộp bài.
5. Hướng dẫn con cách kêu gọi sự giúp đỡ
Có rất nhiều cơ hội để học sinh cấp hai giao tiếp với thầy cô, chẳng hạn như khó khăn về bài tập cần gỡ rối, hỏi xin về việc làm lại bài, thắc mắc về điểm số của một bài thi, … Cha mẹ hãy tạo không gian và khuyến khích các con trong việc tự đứng lên cho bản thân cũng như làm chủ các quyết định của mình. Những việc này thoạt đầu sẽ là một thử thách đối với con, vì vậy đây là thời điểm phù hợp để cha mẹ cùng con luyện tập để con có thể tự tin làm những việc này một cách cứng cáp hơn. Trong một số trường hợp, tùy vào độ thoải mái của con cũng như nội dung vướng mắc của con, cha mẹ có thể thông báo trước với giáo viên rằng con sẽ liên hệ với thầy cô về một vấn đề, hoặc là để xác nhận lại rằng những thông tin mà con đã trao đổi với thầy cô trước đó phản ánh đúng tình huống con đang gặp phải.
6. Tham khảo ý kiến giáo viên hoặc chuyên viên tư vấn tại trường nếu cần
Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là một nguồn hỗ trợ rất lớn trong quá trình học tập và phát triển của con. Nếu có thể làm việc và chia sẻ một cách cởi mở và chân thật, cha mẹ có thể giúp thầy cô bổ sung góc nhìn về con khi ở nhà, đồng thời cũng sẽ được thầy cô cung cấp thêm thông tin về tình hình của con trên lớp. Nhìn chung, ở độ tuổi cấp hai, con đã có thể tự đối diện với một số vấn đề cũng như tham vấn ý kiến từ các thầy cô trong trường hợp con không giải quyết được. Tuy nhiên, cha mẹ cũng sẽ cần can thiệp nếu một số vấn đề trở nên quá nghiêm trọng, đặc biệt là những trường hợp gây ảnh hưởng tới sức khỏe và an nguy của con. Vì vậy, cha mẹ hãy tìm hiểu về tất cả các nguồn hỗ trợ nhà trường có thể cung cấp và liên hệ trong trường hợp cần tới chúng.
7. Chuẩn bị thật sẵn sàng cho hành trình này
Cha mẹ hãy chuẩn bị tinh thần cho những cái liếc mắt và những tiếng thở dài khó chịu, cho những câu trả lời ngắn cụt lủn và những tiếng hét thất thanh, cho những thứ dở khó dở cười, cho những lời buộc tội từ con như “chỉ có bố mẹ mới thế này, thế kia, …” Cấp hai quả thực là một quãng thời gian khá “lộn xộn” với các con. Vì vậy, các con rất cần tình yêu thương cũng như sự hỗ trợ từ cha mẹ để trải qua quãng thời gian này một cách ổn định và an lành. Hãy đồng hành cùng con, bởi tuy đây là một hành trình với nhiều gian nan, nhưng một khi đã vượt qua nó, sự gắn kết và thấu hiểu giữa cha mẹ và con sẽ được cải thiện rất nhiều!
*Nguồn: Flint Hill School
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comentarios