top of page

Dạy con mà không cần phạt đòn

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc phạt đòn trẻ trong một thời gian dài không những không cải thiện được hành vi của chúng mà thậm chí còn làm chúng trở nên tệ đi.


Nhưng con người ta thường dễ bị cảm xúc chi phối hơn là tin vào khoa học , theo Alan Kazdin, chủ tịch của Trung tâm nuôi dạy con cái trực thuộc đại học Yale và là tác giả của cuốn sách “The Everyday Parenting Toolkit”.


Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với giáo sư Kazdin về lý do tại sao cha mẹ sử dụng hình thức phạt đòn và những phương pháp khác cha mẹ có thể sử dụng để điều chỉnh hành vi của con. Dưới đây là những điểm nổi bật của cuộc trò chuyện đó.


Tại sao cha mẹ hay sử dụng hình thức phạt đòn?


Có ba lý do, Kazdin nói. "Bộ não bẩm sinh đã hay chú ý tới những thứ tiêu cực trong môi trường; đây là bản năng của con người và các loại động vật có vú." Vì vậy, theo lẽ tự nhiên cha mẹ thường chú ý nhiều đến hành vi xấu của trẻ, hơn là những điều tốt đẹp mà chúng đã làm trong ngày.


Thứ hai, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc theo dõi hoặc tham gia vào những hành vi bạo lực sẽ kích thích hệ thần kinh tưởng thưởng trong não, tạo động lực cho việc tái diễn những hành vi đó.


"Thứ ba là tín ngưỡng," Kazdin nói. "Một số tôn giáo và nền văn hóa tin rằng “yêu cho roi cho vọt” nếu như không phạt đòn trẻ có nghĩa là cha mẹ đang không làm tròn bổn phận của mình”.


Ông đã từng tiếp xúc với rất nhiều gia đình trong đó việc phạt đòn đã vượt xa tới mức bạo hành. Tại sao hình phạt của cha mẹ lại leo thang đến mức đó?


"Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp cha mẹ bạo hành con cái, hầu hết họ đều nhận thức được hình phạt này không có tác dụng. Trẻ không hề thay đổi hành vi của chúng. Vì vậy, cha mẹ nghĩ rằng, 'Mình cần phải đánh mạnh tay hơn nữa. ' Thật không may, trẻ lại dần thích nghi và chịu đựng việc này”.


Vậy làm thế nào để ngăn chặn những bậc phụ huynh này khỏi hành vi bạo hành con cái?

“Bạn không thể dạy người khác cách bơi trong khí chính bạn đang bị chìm”, Kazdin nói. "Chúng ta không thể nói lý với họ, càng không thể nói về những dẫn chứng khoa học. Kiểu nói chuyện đó không có ảnh hưởng đến hành vi của họ."


Thay vào đó, Kazdin cho cha mẹ thực hành cách nói chuyện với trẻ, với những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận để nhận được những câu trả lời cụ thể. Mục tiêu là để dạy trẻ phản ứng khác nhau, hạn chế những hành vi không đúng mực.


Tại sao từ ngữ lại quan trọng?


Những sự việc xảy ra trước khi một đứa trẻ cư xử không đúng mực là rất quan trọng, Kazdin nói. Nhận thức được điều này sẽ giúp cha mẹ có cơ hội điều chỉnh để ngăn chặn những hành vi không tốt của con trước khi chúng thực sự xảy ra.

Khi cha mẹ về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, trẻ sẽ dễ không nghe lời cha mẹ hơn. Không ai có lỗi. Nhưng ngữ điệu mà cha mẹ sử dụng khi căng thẳng làm tăng tỷ lệ con cái phản ứng một cách bướng bỉnh.

Vậy chúng ta phải nói như thế nào để khiến trẻ nghe lời?


"Hãy cho trẻ được lựa chọn", Kazdin nói. "Con sẽ mặc áo khoác đỏ hay xanh lá nào? Và hãy nói với ngữ điệu nhẹ nhàng và tôn trọng con”.



Nhưng chúng ta vẫn phải có hình phạt nếu con có những hành động sai trái. Vậy chúng ta phải phạt trẻ như thế nào?


Cha mẹ thường nghĩ phải áp dụng hình phạt, nhưng nhiều thập kỷ nghiên cứu về tâm lý học hành vi đã chỉ ra rằng việc khen ngợi trẻ thường xuyên khi con có hành vi tốt sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc cải thiện hành vi so với trừng phạt, Kazdin nói. Hình phạt nên ngắn gọn, đơn giản và được sử dụng một cách có chừng mực.


Nguồn: Yale Parenting Center

Biên dịch: Nghề cha mẹ


113 lượt xem

Comments


bottom of page