Hình tượng người mẹ Hổ (Tiger Mom) được giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” (Battle Hymn of the Tiger Mother) của tác giả Amy Chua và đã trở thành một phần không thể thiếu trong vốn từ vựng của văn hoá hiện đại. Đối với nhiều người, đây có thể là một hình tượng không mấy tích cực, nhưng người mẹ Hổ lại là một hình ảnh rất gần gũi trong cộng đồng người châu Á hoặc gốc Á nói chung.
Vậy, việc nuôi dạy con theo phong cách mẹ Hổ mang lại những mặt tích cực và tiêu cực nào? Và liệu chúng ta có thể tìm được những phương án thay thế cho phương pháp này hay không?
Thế nào là mẹ Hổ?
Bản chất của hình tượng mẹ Hổ chính là niềm tin sâu đậm của cộng đồng người dân châu Á rằng giá trị của giáo dục và sự nỗ lực là điều bắt buộc phải có trong quá trình nuôi dạy con. Đầu ra lí tưởng của hệ giá trị này chính là sự thành công, đặc biệt là việc đạt được những vị trí cấp cao trên nấc thang sự nghiệp. Cội nguồn của những niềm tin này có thể được truy về những nguyên tắc của Khổng Tử rằng giáo dục và kỷ luật bản thân là những công cụ cốt lõi để thúc đẩy xã hội phát triển. Những niềm tin này cũng được củng cố qua những thời kì lịch sử kéo dài ghi ấn đầy chiến tranh, bạo lực, nghèo đói và những cuộc ly tán gia đình mà gần như bất kỳ quốc gia châu Á nào trong hai thế hệ gần nhất đã phải chịu đựng.
Ưu điểm và nhược điểm
Phương pháp dạy con kiểu mẹ Hổ có một số ưu điểm khá rõ ràng. Ngay từ thuở nhỏ, những người con đã phải tiếp nhận từ cha mẹ Hổ những giá trị của việc chăm chỉ và cần cù chịu khó. Nếu việc dạy con diễn ra suôn sẻ, các con sẽ “hấp thụ” những tư tưởng về cống hiến và sự kỷ luật, về sự báo hiếu và trách nhiệm phụng sự cha mẹ, cũng như một nguồn động lực lớn để theo đuổi những mục tiêu khó nhằn. Các con sẽ mang lại niềm hãnh diện cho bản thân và gia đình, cũng như sự ổn định về mặt tài chính để bảo vệ chúng trước những rủi ro ngoài kia. Mặt nữa, những thành tựu của con cũng lan tỏa một sự danh giá nhất định trong dòng họ và cộng đồng. Chúng đã đạt tới một cột mốc lớn trên nấc thang sự nghiệp. Chuỗi ngày cần cù chịu khó đã đến kì hái quả. Có công mài sắt có ngày nên kim.
Những ảnh hưởng tiêu cực của phong cách mẹ Hổ thường không thể hiện mấy rõ ràng. Với những người con, thách thức không chỉ nằm ở việc luôn có một sự kỳ vọng từ cha mẹ dành cho những điểm số cao hay những công việc hào nhoáng, mà sự tôn thờ thành tựu này còn được cộng dồn bởi môi trường của xã hội tư bản phương Tây. Kết cục, các con sẽ bị bội thực với niềm tin rằng toàn bộ giá trị của con sẽ không thể thoát ra ngoài thành tựu và năng lực làm việc. Bởi vì giá trị (value) sẽ được đánh giá (evaluate), nên việc chúng không thể định nghĩa giá trị của bản thân ngoài phạm vị công việc cũng là kết luận khá hiển nhiên.
Một câu hỏi trọng tâm cần đặt ra là: chúng ta làm người (human being) hay là người làm (human doing)?
(Are we human doings or human beings?)
(Trở thành “người làm” (human doing) có nghĩa rằng con người chỉ cảm thấy bản thân có giá trị trong xã hội khi họ tạo ra kết quả tốt trong công việc hay đạt được thành tựu nào đó. “Người làm” lúc nào cũng cảm thấy áp lực phải thành công và gồng mình đuổi theo những tiêu chuẩn đặt ra bởi xã hội. Ngược lại, khi chúng ta “làm người” (human being), giá trị của bản thân sẽ không còn bị định nghĩa bởi những gì ta có thể làm được, mà là qua những giá trị và thái độ sống, niềm tin, và cách ta đối xử với mọi người xung quanh. Khi “làm người”, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy niềm vui trong những hoạt động mang tính “hiện diện” nhiều hơn, ví dụ như tản bộ, nấu ăn hay đọc sách, mà không bị áp lực bởi kết quả đầu ra sau khi kết thúc những hoạt động đó.
Chúng ta cần suy nghĩ về việc liệu những áp lực từ việc phải đạt được những thành tựu có đóng vai trò trong sự gia tăng các chứng lo âu và trầm cảm ở những người trẻ hay không. Tại Mỹ, các văn phòng tư vấn ở trường đại học thường ở trong tình trạng quá tải bởi các cuộc gọi. Đồng thời, tự tử cũng là nguyên nhân qua đời phổ biến nhất của người trẻ Mỹ gốc Á trong độ tuổi 15-24. Đối với một số học sinh, áp lực thành công thực sự đã vượt ngưỡng tâm lý chịu đựng của chúng. Không chỉ lứa tuổi vị thành niên, người lớn chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng này.
Một số đề xuất đi kèm
Có một số cách để cha mẹ có thể giúp các con vững bước hơn trên con đường học vấn và sự nghiệp. Chúng ta không phải loại bỏ hoàn toàn việc nỗ lực hết mình và theo đuổi mục tiêu, nhưng hãy làm sao để quá trình này diễn ra một cách lành mạnh và cân bằng nhất:
Sử dụng lời nói: cha mẹ có thể cân đối lại số lượng những tin nhắn về việc trở thành “người làm” (doing) và “làm người” (being) mà con cái tiếp nhận từ chúng ta. Có thể cha mẹ sẽ nghĩ tình yêu của mình dành cho con là một điều hết sức rõ ràng và hiển nhiên. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Vì thế, ngoài việc nhắc nhở con học tập hay dọn phòng, cha mẹ hãy dành một quỹ thời gian tương tự để cho con biết cha mẹ trân trọng và nâng niu con thế nào. Vì đơn giản con là con của cha mẹ chứ không phải vì con đã làm được việc này việc kia.
Hành động: ngoài việc giao tiếp với con qua lời nói, cha mẹ hãy thực sự hành động để chứng minh tình yêu thương của mình. Hãy dành thời gian với con mình nhiều hơn. Ở bên cạnh con và tận hưởng sự hiện diện của chúng là một điều kì diệu, và cha mẹ cũng không cần quá chú tâm vào lịch trình hay mục đích của việc này. Cũng như không nên ngừng thực hiện nó ngay cả khi con cái ta đã lớn và trưởng thành.
Đối thoại: cha mẹ có thể trở thành những trụ cột vững chắc để con an tâm dựa dẫm hơn. Trong những cuộc hội thoại với con, hãy để con hiểu rằng thất bại là điều hoàn toàn bình thường. Đồng thời, khi các con gặp phải thất bại, cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành và giúp đỡ con vượt qua vấp ngã. Hơn hai nghìn năm trước, giáo lý của Khổng Tử cũng đề cập tới triết lí mà ngày nay rất nhiều doanh nghiệp đang thực hiện: hãy đề bạt những cá nhân xứng đáng và dành thời gian đào tạo những cá nhân cần sự tiến bộ. Ta không nên chê trách khi chỉ ra những điều cần phải cải thiện ở một ai đó. Bởi thất bại là những bài học để ta lớn lên và phát triển.
Chấp nhận và thấu hiểu cảm xúc của con: hiểu được cảm xúc cũng là một kết cấu quan trọng của sự thành công. Mỗi người chúng ta đều sở hữu một đồng hồ đo đạc cảm xúc riêng. Hệ thống này sẽ cho ta biết khi nào ta đang ở trạng thái ổn định, hoặc khi nào mọi thứ sắp vượt ngưỡng chịu đựng của ta. Khả năng từ thuở lọt lòng này cũng quan trọng không kém gì khả năng cảm thụ nỗi đau vật lý cả. Vì vậy, cha mẹ hãy để tâm tới tình trạng cảm xúc của con và của chính mình nữa. Nếu con đang cảm thấy buồn phiền hoặc căng thẳng, hãy dành thời để lắng nghe chúng. Cha mẹ hãy tâm sự với con để hiểu được tình hình và hướng dẫn con cách gỡ rối tình huống một cách lành mạnh nhất.
Nếu như người lớn chúng ta cũng phải vật lộn với những tàn dư để lại từ cha mẹ Hổ của chính mình, cha mẹ có thể sử dụng chính những cuộc đối thoại với con dành cho bản thân. Đây là một cách để chúng ta trở nên khoan dung và yêu thương hơn với chính mình.
Chung quy lại, bất kể quá trình nuôi dạy con có diễn ra như thế nào, cha mẹ hãy suy nghĩ về đích đến của hành trình này: một sự cân bằng giữa việc làm người (human being) cũng như làm việc và tạo ra những giá trị cho xã hội (human doing).
*Nguồn: Psychology Today
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comments