top of page

Học cách hài lòng với cuộc sống



Bạn đã bao giờ nghe bất kỳ một bậc phụ huynh nào đó nói rằng: “Chỉ cần nó đủ tốt cho con tôi là được” chưa?


Tôi chắc chắn là chưa. Đối với chính bản thân mình đôi khi chúng ta có thể chấp nhận những thứ gì đó vừa đủ tốt. Nhưng khi nhắc đến con cái, tất cả mọi thứ đều phải là tốt nhất! Những ngôi trường “xịn” nhất, những lớp học ngoại khóa tốt nhất, những món ăn bổ dưỡng nhất.


Quan điểm này rất phổ biến, nhưng đó là một sai lầm. Chấp nhận những thứ vừa đủ khiến quá trình lựa chọn trở nên dễ dàng hơn và khiến con người ta hài lòng hơn với những lựa chọn của bản thân. Tôi gọi những người tìm kiếm những điều đủ tốt là “những người biết hài lòng” và nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người biết hài lòng có nhiều sự lựa chọn hơn - và mặt bằng chung sống hạnh phúc hơn những người luôn hướng tới điều tốt nhất (những người mà tôi gọi là “quá cầu toàn”). Vì vậy, trở thành một người biết hài lòng và làm gương cho con cái về điều đó theo quan điểm của tôi là một lựa chọn sáng suốt.


Nhưng trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch như hiện nay, kinh tế trở nên khó khăn, và mọi lựa chọn dường như đều là sai lầm.

Nên cho con đến trường đi học hay tham gia học trực tuyến tại nhà?

Học trực tuyến sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm Covid-19 nhưng không thể nào hiệu quả bằng học trực tiếp tại trường.

Vậy chơi bóng đá thì sao?

Con bạn cần luyện tập thể dục thể thao và giao lưu với bạn bè, nhưng đây lại là một môn thể thao tiếp xúc rất gần với người khác.


Thế còn về thăm ông bà?

Làm sao bạn có thể trả lời hết những câu hỏi này khi bạn chẳng hề biết ngày mai sẽ mang đến điều gì?



Bạn có thể vờ như mình biết câu trả lời cho tất cả câu hỏi kiểu như thế này, nhưng tốt hơn là nên chấp nhận sự không chắc chắn và tìm ra giải pháp để đối phó với nó. Giải pháp đó là gì? Tôi gọi đó là “sự thỏa mãn thiết thực”. Hãy cân nhắc những lựa chọn có thể tạo ra kết quả đủ tốt - phần hài lòng - sau đó tự hỏi bản thân xem lựa chọn nào luôn đủ tốt cho mọi trường hợp có thể xảy đến trong tương lại (ví dụ một đợt bùng dịch Covid-19 mới, không tìm được vắc xin hoặc tỉ lệ thiếu niên bị trầm cảm do thiếu giao tiếp xã hội tăng mạnh, v.v.). Đây chính là phần thiết thực.


Hãy thử tự hỏi bản thân:

Tôi có thể làm gì để đảm bảo rằng cuộc sống của con mình luôn đủ tốt dù cho tương lai có ra sao?

Tôi nghĩ đây là câu hỏi phù hợp để cân nhắc khi mà tương lai và hoàn cảnh sống là những điều chẳng bao giờ cố định. Đặc biệt trong những thời điểm giống như hiện tại, nó có thể là câu hỏi duy nhất chúng ta cần phải suy ngẫm.


Theo chia sẻ của Barry Schwartz, tác giả cuốn sách “Nghịch lý của sự lựa chọn”, là giáo sư tâm lý học danh dự tại Đại học Swarthmore và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Haas, Đại học California, Berkeley.


* Nguồn: Character lab * Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG #tamlytrunghoc #tamlymamnon #tamlytieuhoc #IEGGlobal #Inspiringmind #nghechame

Comments


bottom of page