Mệt mỏi vì luôn phải nhắc nhở: Làm sao để khiến con tự giác hơn?
Nếu cha mẹ nhận thấy bản thân đang suốt ngày phải cằn nhằn với con cái, thì đó là dấu hiệu cho thấy cách nuôi dạy con hiện tại của của chúng ta đang không ổn chút nào.
Tuần vừa rồi chính chúng ta đã đưa ra bao nhiêu lời nhắc nhở cho con mình rồi? Nếu số lần ở dạng một chữ số, thì cha mẹ cứ tiếp tục nuôi dạy con như thế và không cần đọc thêm gì ở bài viết này. Đối với nhiều bậc cha mẹ, những lời nhắc nhở con tưởng như không thể ngừng và sẽ dễ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của bản thân. Khác với lời cảnh cáo như “không được đánh nhau”, những câu nhắc thường liên quan đến việc nhà hoặc trách nhiệm của con như bài tập về nhà. Việc liên tục nhắc nhở con cái thu dọn đồ đạc thật là bực bội chính bởi vì ta đã giải thích cặn kẽ với con rằng áo khoác cần được treo lên, quần áo bẩn nên được cho vào giỏ giặt và đừng đi giày vào phòng. Và cha mẹ hẳn vẫn tự hỏi vì sao điều này mãi không xảy ra?
Thay đổi giọng điệu của chính mình hay thử một phương pháp nhắc nhở khác đôi khi có thể cải thiện được tình hình, nhưng thường thì vấn đề lại phức tạp hơn và liên quan đến kỳ vọng của cha mẹ cũng như cách giao tiếp giữa cha mẹ với con cái.
Stuart Ablon, phó giáo sư tại Trường Y Harvard và là giám đốc của Think:Kids tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết: “Chẳng có bí mật nào về cách ta bảo con làm điều gì đó mà sẽ thức sự khiến chúng làm điều ấy”.
Các chuyên gia nuôi dạy con cái nói rằng việc phụ huynh phải nhắc nhở con quá mức và thường xuyên rồi lại cảm thấy bực dọc vì phải nhắc quá nhiều được hiểu là một dấu hiệu cho thấy cách nuôi con hiện tại đang chính là một vấn đề chứ không phải con cái chúng ta. Nhắc nhở chỉ là một phần của tảng băng trôi và điều quan trọng hơn là ta phải giải quyết những gì bên dưới.
Nếu ta thấy mình đang ở trong cùng cực của lời nhắc nhở, dưới đây là một số “sách lược” do chuyên gia đề xuất để giúp gia đình mình đến được với viễn cảnh đẹp hơn.
Làm cho điều vô hình trở nên hữu hình
Trẻ thường không mấy để tâm đến số công việc cần diễn ra trong một ngày để một cỗ máy gia đình chạy thật hiệu quả. Trên hết, những công việc lao động trí óc thì hiển nhiên là không thể nhìn thấy được. Theo nhà giáo dục nuôi dạy con cái Kinda Reynolds Lewis, tác giả của cuốn sách “Tin tốt về hành vi xấu” (The good news about bad behavior), cho biết một cuộc họp gia đình dành riêng cho chủ đề này có thể giúp làm sáng tỏ những điều trên cho con trẻ. Bà gợi ý thêm rằng cha mẹ hãy cho con xem danh sách tất cả những công tác cần hoàn thành trong một ngày hoặc một tuần. Sau đó tạo điều kiện cho con tham gia những công việc đó.
Lewis nói: “Hãy hỏi tụi nhỏ, ‘Con thích học điều gì?’” Điều này có thể cho con thấy rằng hoàn thành việc nhà là một kỹ năng sống quan trọng, không chỉ là những nhiệm vụ lâu và vô vị mà con cần “né” càng nhiều càng tốt.
Viết hết những công việc đó ra, cha mẹ có thể sử dụng thêm hình ảnh minh hoạ nếu con chưa biết chữ, có những một bản chụp nhanh về những việc cần làm trước hoặc sau giờ học, sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ. Xây dựng biểu đồ công việc cũng có thể là một cách để mọi thành viên trong gia đình biết những đầu việc cần được hoàn thành.
Bà Lewis cho biết thêm, một hệ thống công việc rõ ràng sẽ lo liệu được hết phần lớn những việc nhắc nhở. “Cha mẹ hẳn sẽ muốn các thói quen và cấu trúc của gia đình chính là điều nhắc nhở con cái”, bà nói.
Coi sự cằn nhằn của cha mẹ như một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn
“Dân chủ hóa việc nhà” theo cách này cũng có thể ngăn chặn một nỗi đau đầu to lớn trong cuộc sống của bậc làm cha mẹ: suốt ngày phải nhắc nhở con cái. Kate Mangino, tác giả của cuốn sách “Đôi bên bình đẳng: Cải thiện bình đẳng giới tại nhà” (Equal Partners: Improving Gender Equality at Home), cho biết tốt nhất nên hiểu rằng càu nhàu chính là một dấu hiệu rõ rệt và khẩn thiết, thường bắt nguồn từ cảm giác quá tải về tinh thần. Rồi những việc phải cằn nhằn với con cái dần dà lại bị gắn mác lên các bà mẹ, những người chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định trong gia đình. Nhưng thực tế thì bất kỳ ai, cả cha lẫn mẹ, cũng có thể cằn nhằn.
Giúp trẻ hiểu vai trò của chúng trong cuộc sống hàng ngày và tạo ra các hệ thống để khiến cho con nhìn rõ những công việc con cần làm trong gia đình sẽ giải quyết ngay các tình huống dễ dẫn tới việc càu nhàu của cha mẹ. Ranh giới giữa nhắc nhở và cằn nhằn thường rất mong manh, và cha mẹ thường có thể nhận thấy khi nào họ đã vượt qua ranh giới đó. Ablon nói rằng nghe thấy chính mình càu nhàu là một dấu hiệu của sự bực mình, khó chịu. Điều này đang cảnh báo phụ huynh rằng có vấn đề với hệ thống hoạt động của gia đình.
Khi cha mẹ nhận thấy mình đang bắt đầu làm phiền hay gây khó chịu cho con, đó là một gợi ý với chính mình rằng ta nên dừng lại và tự hỏi bản thân xem những kỳ vọng của ta dành cho con có rõ ràng và công bằng hay không. Cân nhắc xem có khoảng thời gian nào tốt hơn để kiểm tra xem mọi thứ đang diễn ra như thế nào, như tại cuộc họp gia đình chẳng hạn. Có thể hiểu rằng là bậc cha mẹ sẽ không hài lòng nếu nhiệm vụ mà ta đã thỏa thuận với con không được hoàn thành, nhưng nếu cha mẹ quá bế tắc thì sẽ chọn cách giải quyết cuối cùng là cằn nhằn với con. Hãy cho bản thân những lựa chọn khác.
Khi cần thiết, hãy nhắc con bằng giọng dí dỏm và bình tĩnh
Cha mẹ hãy cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh khi ta nhắc con làm lại một việc gì đó. Nếu ta không thể nói được (cha mẹ nào cũng đã từng như vậy), hãy thử một cách tiếp cận mà không cần dùng lời nói, King và Faber gợi ý. Hãy thử dán những ghi chú lên các đồ vật xem, việc này có thể thực sự hữu ích. Như việc con nhìn vào thùng rác và thấy: "Hãy đổ tớ đi, tớ bốc mùi lắm rồi!" hay chiếc áo khoác quăng trên sàn được dán một khuôn mặt buồn bã thể hiện rằng “Tớ bị lạc và đang rất cô đơn ở dưới đất này”.
Trở nên dí dỏm thường sẽ có hiệu quả trong một khoảng thời gian dài. Điều này đặc biệt đúng với trẻ nhỏ, nhưng mấy đứa nhóc lớn hơn cũng sẽ đánh giá cao điều đó. Ngay cả người lớn đôi khi cũng cần sử dụng các chiến lược như hẹn giờ hoặc nghe nhạc để có động lực. Khi tất cả những chiến lược này đổ sông đổ bể, đó là tín hiệu cho thấy có lẽ “quy trình” cần được điều chỉnh, mong đợi của cha mẹ không khớp hoặc điều gì đó khác đang diễn ra.
“Đôi khi những đứa trẻ nhà mình,” Lewis nói, “cũng là con người như ta mà thôi.”
<Theo dõi để đón đọc phần 2>
* Nguồn: Vox Magazine
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Comments