top of page

Lấy tính cách làm nền tảng

Một số nhà kinh tế và chuyên gia giáo dục đã gọi cuộc chạy đua của cả nước Mỹ để đạt điểm cao trong những bài thi chuẩn hóa và bước chân vào các trường đại học hàng đầu như là một “rat race” – cuộc chạy đua của chuột.


Nó gợi lên hình ảnh những con chuột trong phòng thí nghiệm, hì hục hối hả chạy trong một vòng xe quay vô tận, không biết khi nào dừng. Chuột càng chạy, bánh xe càng quay nhanh. Bánh xe càng quay nhanh, chuột càng phải chạy. Một cuộc đua, nếu không được nhìn rõ bản chất và bị đẩy quá trớn, sẽ là vô nghĩa.

- - - - -


1. ĐIỀU QUAN TRỌNG


Bố mẹ, thầy cô và cả trường học đều có áp lực lẫn kỳ vọng rằng con em, học sinh của mình sẽ là người về đích trước. Chính kỳ vọng về những mục tiêu ấy đặt mọi người như trong một cuộc chạy đua mải miết, ít khi dừng chân để suy ngẫm, mà càng chạy thì càng mệt mỏi.

Thế nhưng, cái đích đến là gì thì dường như ai cũng mịt mờ, rối rắm, càng chạy càng không hiểu vì sao bản thân phải chạy. Hệ lụy tất yếu là mỗi năm cuộc chạy đua sẽ càng đẩy xuống lứa tuổi sớm hơn.



Tại cơ sở đầu tiền của hệ thống “gia sư” Kumon ở New York, giờ đây có học sinh nhỏ cỡ hai tuổi đã bắt đầu công việc những buổi sáng là “ngoan ngoãn”, răm rắp ngồi điền vào các phiếu bài tập rèn về chữ cái, chữ số, tính toán để giúp chúng thành thạo và “xuất chúng” từ trước khi bước vào tiểu học.

Điều này xuất phát từ một niềm tin ngấm ngầm, mặc định và ăn sâu vào đầu óc nhiều giáo viên lẫn bố mẹ rằng: Việc thành công trong học tập phụ thuộc rất nhiều vào những đầu tư từ sớm, và cách để lũ trẻ phát triển những kỹ năng được đo bằng các bài kiểm tra IQ là giúp chúng luyện càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt mà đôi khi không cần để tâm chi tiết cách luyện ra sao, được gì và mất gì.


Thế nhưng, trong vài chục năm qua, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, tâm lý học, thần kinh học đã gióng hồi chuông báo động về niềm tin rất lỏng lẻo nền tảng rằng: Càng làm nhiều phiếu bài tập càng sớm thì học sinh càng thành công. Điều quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ nhỏ không phải là chúng nhồi vào đầu bao nhiêu thông tin trong những năm đầu đời.


Điều quan trọng nhất, các nhà nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu đều đồng ý, chính là việc chúng ta giúp lũ trẻ phát triển những “vũ khí” như: kiên định, tự kiểm soát bản thân, tò mò, chăm chỉ, lạc quan. Đó là tính cách, một điều mà nhiều trường học, tổ chức, thầy cô và bố mẹ đã bỏ quên trong cuộc chạy đua khốc liệt vào các trường học xịn sò, hoặc những kỳ thi dồn dập tới tấp đầy rẫy huy chương.

- - - - -

2. CHUYỆN XỨ NGƯỜI


Vào những năm 60, các nhà nghiên cứu giáo dục và tâm lý đã tiếp cận những khu phố của người da đen, thu nhập thấp và tầng lớp phụ huynh được cho là kém IQ. Họ dạy cho những đứa trẻ 3-4 tuổi ở đây một chương trình giáo dục gọi là Perry Preschool. Chương trình này tập trung phát triển những tính cách như tò mò, tự kiểm soát bản thân, tương tác xã hội.



Tất nhiên, sau một hai năm, những đứa trẻ trong chương trình Perry Preschool không thể hiện nổi trội ở những bài kiểm tra IQ bằng những đứa trẻ cùng khu phố nhưng theo học các chương trình khác, nặng “đô” học thuật hơn. Thế nhưng, khi nhìn kết quả về lâu dài thì nhóm nghiên cứu mới phát hiện ra: Hiệu ứng tích cực từ chương trình Perry Preschool này phải mất vài năm mới hiển hiện.


Nhóm trẻ học ở Perry Preschool có xác suất cao hơn nhiều về chuyện tốt nghiệp cấp ba, vào đại học, có công ăn việc làm ổn định vào năm 27 tuổi, thu nhập tốt hơn, ít khả năng phạm tội và thất nghiệp hơn các nhóm còn lại. Đội ngũ nghiên cứu cũng phát hiện rằng những yếu tố thuộc về tính cách đóng vai trò khoảng 2/3 trong những mặt vượt trội của lũ trẻ chương trình Perry so với bạn bè đồng lứa.

- - - - -

3. CHUYỆN QUÊ TA


Chúng ta đã từng làm rất tốt về giáo dục tính cách, với những dòng chữ “Tiên học lễ. Hậu học văn” ở sân trường, lớp học, bản tin một thời. Đó không chỉ là những cái “truyền đơn biểu ngữ” kiểu trưng bày, mà với thế hệ học sinh như mình, nó thật sự đi sâu vào rong cuộc sống mỗi ngày đến trường, vào lớp.


Sẽ là một điều hối tiếc của giáo dục nếu cuộc chạy đua mệt nhoài trong thời hiện đại lại làm mai một, mờ nhạt “sáu chữ vàng” quý giá ấy – điều đã làm nên tính cách đẹp của nhiều thế hệ học sinh ngày xưa. Giờ đây, chúng ta hay chăm chăm ngoái nhìn về các nền giáo dục tiên tiến để tham khảo và học hỏi rất nhiều những đột phá, sáng kiến từ họ để bắt kịp với xu hướng chuyển mình của thế giới và trang bị học trò thật kỹ cho ngày ra biển lớn.


Thế nên, chúng ta nói nhiều về STEM, nâng cao chuẩn tiếng Anh, đầu tư du học cho con từ nhỏ. Chúng ta thèm khát việc con nít phải biết đọc, biết đếm và biết viết nhuần nhuyễn trước khi vào lớp Một. Chúng ta trang bị cho chúng máy móc, công nghệ, các phần mềm học tập hiện đại với hy vọng chúng trở thành những công dân toàn cầu mai kia.


Nhiều học sinh đeo đầy huy chương, giải thưởng, “bắn” tiếng Anh như gió, điểm cao chót vót trong mọi kỳ thi, nhưng trong tính cách của chúng, chúng ta xây đắp được bao nhiêu nền tảng chắc chắn?

Liệu chúng có luôn tò mò, tự tìm hiểu và khám phá kiến thức?

Liệu chúng có nhiệt tình học hành và tham gia vào các hoạt động bổ ích?

Liệu chúng có lạc quan và suy nghĩ tích cực, dù trải qua những điều khó khăn tồi tệ?

Liệu chúng có thể tự kiểm soát bản thân khỏi những cám dỗ chưa chắc có giá trị lâu dài, một khi bị lạm dụng không kiểm soát, như mạng xã hội, trò chơi điện tử, mua sắm quần áo, son phấn,… ngay từ cấp 2 – cấp 3, khi chúng còn chưa kiếm ra được đồng tiền nào?

Liệu chúng có thông minh trong các tương tác xã hội và mối quan hệ với người khác?

Liệu chúng có thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc của mình thật sự tốt, mà không cần bố mẹ lúc nào cũng phải kè kè nhắc nhở?


Nếu một đứa trẻ có thể đạt điểm 10 môn Toán, “chém” tiếng Anh như người bản xứ, đạt huy chương vàng, danh hiệu thủ khoa này kia nọ, mà không kiểm soát được cảm xúc của mình thì có thể những điều trên sẽ không có ý nghĩa và giá trị trên con đường dài đầy cám dỗ, chông gai mà đứa trẻ sẽ đi.

- - - - -

Có lẽ đã là lúc chúng ta đưa giáo dục tính cách vào “sân khấu trung tâm”, giống như cái cách mà bố mẹ và thầy cô của chúng ta cũng đừng từng uốn nắn và rèn giũa chúng ta. Chúng ta đúng là những học trò có thể không giỏi tiếng Anh, không nhiều huy chương, không tung hứng công nghệ, không đi đây đó nhiều như lũ trẻ giờ đây.


Thế nhưng, tính tự lập, sự trưởng thành, hiểu biết giá trị của lao động, tính chịu trách nhiệm với bản thân của chúng ta đâu có tệ, đúng không?


Tính Cách vẫn là một mục tiêu cốt lõi của giáo dục, và nếu bắt buộc phải lựa chọn giữa Tính Cách và một rừng khóa học “mì ăn liền” thì không suy nghĩ nhiều, tôi sẽ vẫn chọn Tính Cách làm nền tảng.


Giáo dục truyền thống, không phải cái gì cũng cổ hủ. Có những thứ vẫn trường tồn và nên giữ gìn, phát huy theo thời gian, đặc biệt nếu đó là nền tảng của cách dạy một đứa trẻ… thành Nhân.

Để mỗi đứa trẻ đều có thể tự bước đi trên con đường gập ghềnh, rạn nứt với bản lĩnh và bình an...


* Nguồn: Chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu



コメント


bottom of page