top of page

Làm sao để dạy trẻ xin lỗi thực sự chân thành

Bắt tụi nhỏ xin lỗi nhau là một câu nói quen thuộc với bất kỳ bậc cha mẹ nào: “Con xin lỗi bạn vì đã đánh bạn đi!”


Nhưng bất kỳ ai đã chứng kiến ​​lời xin lỗi gượng ép của một đứa trẻ sẽ khó có thể thấy sự thành tâm trong lời xin lỗi đó. Dạy trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của việc tha thứ cho người khác, việc xin lỗi thật lòng và việc mong được người khác tha thứ là một kỹ năng sống quan trọng, ngay cả khi điều đó thật khó thực hiện. Kelly Lynn Mulvey, Ph.D., một giáo sư tâm lý học tại Đại học Bang North Carolina cho biết: “Khi chúng ta nói về việc muốn dạy trẻ em biết tha thứ, đó là việc cha mẹ muốn chúng có thể thực sự tương tác xã hội với người khác và có thể khắc phục vấn đề trong các mối quan hệ”. May mắn thay, có những cách người lớn có thể tạo điều kiện cho sự tha thứ, cụ thể là bằng cách giúp trẻ phát triển thuyết tâm trí, sau đó học cách sử dụng lý thuyết đó. Đồng thời, trẻ cũng sẽ học được chìa khóa để đưa ra lời xin lỗi chân thành của riêng mình, bởi vì chúng ta không thể đưa ra một lời xin lỗi tử tế nếu không hiểu được bản chất của tha thứ.


Thuyết tâm trí và Chìa khóa tới sự Tha thứ


Trước khi trẻ có thể học cách tha thứ, chúng cần có khả năng suy nghĩ nội tâm về tâm trạng của mình và có thể để ý cả tới tâm trạng của người khác. Khi kết hợp lại, những khả năng này được gọi thuyết tâm trí. Một ví dụ của việc sử dụng thuyết tâm trí là việc hiểu rằng mọi người có thể có quan điểm khác nhau về cùng một tình huống; bạn A của con có thể rất vui vì đã đến giờ học nghệ thuật và thủ công trong khi con lại chẳng thích vẽ vời chút nào. Một thuyết tâm trí phát triển cho phép con người luận ra xem người khác đang nghĩ gì dựa trên những gì họ nói và cách họ cư xử.


Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thuyết về tâm trí phát triển có liên quan đến mức độ tha thứ trong hành vi của trẻ hoặc thể hiện như thể chúng tha thứ cho ai đó, thay vì chỉ nói như vậy. Mulvey nói: “Một người có thể nói rằng họ sẽ tha thứ cho ai đó, nhưng nếu họ không đối xử theo cách thể hiện ra sự tha thứ đó, thì đó là biểu hiện của sự không chân thành”. Các nhà nghiên cứu đã đi sâu vào khái niệm tha thứ bằng cách hỏi một số trẻ em xem liệu chúng có tha thứ cho một tình huống giả định về một người phạm pháp và để ý xem sau đó bọn trẻ có sẵn sàng chơi với người đó không. Khi những đứa trẻ bị hỏi về lập luận của mình, những em có thể suy luận trực quan về suy nghĩ hay cảm xúc của người đã làm việc sai trái cho thấy nhiều lòng tha thứ hơn. Thuyết tâm trí là rất cần thiết hơn việc dạy trẻ cách tha thứ. Bộ kỹ năng này làm nền tảng để giúp những người lớn hòa đồng với đồng đội, đồng nghiệp, thành viên gia đình và ngay cả người lạ. Mặc dù thuyết tâm trí phát triển suốt cuộc đời, người lớn có thể làm nhiều điều để giúp tụi nhỏ có được một nền tảng tốt. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con trẻ xác định và đánh giá nhiều khía cạnh. Mulvey nói: “Nếu con đọc một cuốn truyện, việc hỏi con xem các nhân vật có thể đang nghĩ gì hoặc động lực của những nhân vật ấy là gì có thể giúp con xây dựng các kỹ năng xã hội quan trọng đối với tất cả những tương tác của con trong cuộc sống”.



Đồng cảm với người khác giúp trẻ học cách tha thứ


Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã xếp trẻ em vào các nhóm dựa trên màu sắc ngẫu nhiên gồm: vàng và xanh lá cây. Sau đó, họ đưa cho lũ trẻ những tình huống lý thuyết trong đó người phỏng vấn hỏi những trẻ tham gia nghiên cứu liệu các em có sẵn sàng tha thứ cho nhóm những người đã không cho em tham gia trò chơi hoặc hoạt động hay không. Chúng ta có thể đoán được phần nào, và các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong những tình huống này, trẻ em có xu hướng tha thứ cho các thành viên trong nhóm cùng màu của chúng hơn là các thành viên ngoài nhóm màu.

Mulvey nói “Con người liên kết bản thân với các nhóm đối tượng rất nhanh chóng trong các bối cảnh khác nhau. Vậy đặc tính chung đó thực sự quan trọng".

Khi những điểm tương đồng của nhiều người không dễ thấy, thì đặc tính chung là rất quan trọng để làm nền tảng cho việc xây dựng mối quan hệ. Đó là lý do đôi lúc ta có thể nhìn thấy hai người bạn chẳng bao giờ đi chung với nhau nhưng lại có thể ôm nhau ăn mừng trong một trận bóng đá ở trường đại học khi đội bóng của trường ghi bàn quyết định. Trong thời điểm đó, họ có chung một đặc tính đó là đang cùng nhau xem trận đấu với tư cách là những cổ động viên cho đội bóng, điều này sẽ lược đi hết bất kì sự khác biệt nào mà những người đó có. Thử thách đặt ra cho những người lớn đang giúp con trẻ học cách tha thứ đó chính là khuyến khích những thái độ tổng hòa để trẻ có được cái nhìn rộng hơn về những người thuộc cùng một nhóm với mình. Làm nổi bật những sở thích chung, ngay cả những sở thích mà người lớn có thể cho là nhỏ nhặt như trò chơi điện tử hoặc cuốn sách yêu thích, có thể không giúp trẻ trở thành bạn thân. Nhưng những nhận thức đó có thể giúp con trẻ phát triển các mối liên kết giúp tạo điều kiện cho sự tha thứ.


“Trong khi chúng tôi làm thực nghiệm có kiểm soát với những trẻ tham gia để phục vụ cho nghiên cứu cụ thể này, trên thực tế, giáo viên và phụ huynh có thể giúp các con hòa đồng và xây dựng mối quan hệ với những người khác chúng bằng cách khuyến khích tụi nhỏ nhìn thấy những điểm tương đồng,” Mulvey nói. “Chúng ta có thể giúp con trẻ xây dựng mối quan hệ mà các con coi nhau là thành viên trong nhóm nhưng đồng thời thừa nhận rằng ở một số khía cạnh là chúng khác nhau”.


Chia nhỏ những bước cần làm sẽ giúp trẻ học cách xin lỗi chân thành và tha thứ


Làm mẫu và hướng dẫn con nói lời xin lỗi chân thành là bước đầu tiên để dạy con trẻ về sự tha thứ. Nhưng mặc dù những hành động này có thể hữu ích trong việc xoa dịu một cuộc tranh cãi và giúp cho việc giao tiếp khéo léo hơn, đây chỉ là những giải pháp ở mức độ bề mặt. Những hành động này chẳng có tác động gì mấy đến cảm xúc của con trẻ sau khi con bị người khác đối xử không tốt. “Thay vì gay gắt ép con phải xin lỗi hoặc chấp nhận một lời xin lỗi, để dạy con thực lòng tha thứ cho một ai đó đòi hỏi khuyến khích tụi nhỏ nói chuyện thành thật với nhau và chia sẻ thẳng thắn về chuyện đã xảy ra,” Mulvey nói. “Cả hai đứa trẻ nên nói về cách nhìn nhận của chúng về những gì đã xảy ra trong cuộc mâu thuẫn đó, cũng như cảm xúc của chúng thế nào.” Người lớn có thể phải giúp con trẻ đặt nền móng cho những cuộc hội thoại này bằng cách hướng dẫn hòa giải và đưa ra các cách để giữ bình tĩnh như là hít sâu hay hỗ trợ diễn đạt những gì mỗi trẻ nói. Ngoài ra, làm mẫu kỹ năng lắng nghe tích cực sẽ giúp tụi nhỏ có được các nền tảng xây dựng thuyết tâm trí tốt và có thêm nhiều những bài học tích cực từ việc tương tác với nhau.


Dưới góc nhìn thấu hiểu cảm xúc của một người, khả năng tha thứ cho người khác của con trẻ có thể được cải thiện rõ rệt. Mulvey nói: “Hiển nhiên là khi một người phạm lỗi xin lỗi, thì người bị hại hoặc bị tổn thương có nhiều khả năng sẽ tha thứ cho họ. Nhưng khi lời xin lỗi bắt nguồn từ việc thực sự thấu hiểu suy nghĩ của người được xin lỗi sẽ hướng tới việc sửa sai cũng như là cách hòa giải mối quan hệ tốt hơn.” Trẻ con tranh luận là một việc rất bình thường và dễ thấy. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa các con sẽ có nhiều cơ hội để thực hành cách tha thứ và xin lỗi một cách chân thành. Và những bậc làm cha mẹ sẽ cảm thấy an tâm hơn về lâu dài nếu các con có kỹ năng hòa giải và sửa chữa mối quan hệ khi chúng trưởng thành.


* Nguồn: Fatherly

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



bottom of page