top of page

Làm sao để giúp con đặt bớt áp lực lên bản thân? (Phần 1)

Lòng trắc ẩn đối với bản thân có thể giúp con trẻ trong độ tuổi thiếu niên đối mặt với chủ nghĩa cầu toàn có hại.


Cô con gái tuổi teen của bạn tôi, Belen, có một kỳ thi lớn học kỳ vừa rồi. Khoảng một tuần trước kỳ thi, cô bé đã học tập không ngừng nghỉ. Bất kì giây phút nào có thể. Đêm trước ngày thi, Belen hầu như không ngủ - con bé quá lo lắng, nằm trằn trọc và trở mình không thôi, lướt qua trong đầu tất cả những kiến thức cần nhớ và lo lắng rằng mình đã bỏ lỡ điều gì đó quan trọng. Cuối cùng khi cô bé vào phòng thi, Belen thực sự đơ ra vì lo sợ và gần như không thể suy nghĩ rõ ràng.


Đây là một khoảng thời gian thực sự khó khăn đối với các bạn tuổi teen. Tôi biết bạn đang nghĩ gì — những năm tháng thiếu niên nào chẳng khó khăn. Nhưng theo ngài Tổng Y sĩ Hoa Kỳ trong lời khuyên của ông được công bố vào tháng 12, áp lực mà thanh thiếu niên đang phải đối mặt ngày nay là chưa từng có trong tiền lệ. Sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên đang gặp khủng hoảng. Và điều này không chỉ đến từ đại dịch: Theo cuộc khảo sát Giám sát Hành vi Rủi ro Thanh niên năm 2019 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), sức khỏe tinh thần ở thanh thiếu niên đã sụt giảm nghiêm trọng trong thập kỷ qua, với số lượng thiếu niên bị trầm cảm và buồn bã tăng 40% và những em từng có kế hoạch tự tử tăng thêm 44%.



Điều gì đang diễn ra?

Tất nhiên, nhiều yếu tố bên ngoài cũng đóng một vai trò nào đó trong việc này. Những đợt phong tỏa và đóng cửa trường học đã khiến thanh thiếu niên bị cô lập — vào thời điểm mà điều thích hợp cho sự phát triển của con trẻ là kết nối với các bạn cùng trang lứa. Theo báo cáo năm 2018 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ về Căng thẳng ở Mỹ, thanh thiếu niên và thanh niên bị căng thẳng vì những gì chúng nghe được từ tin tức: bạo lực sử dụng súng (đặc biệt là các vụ xả súng ở trường học và xả súng hàng loạt), bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, việc chia cắt và trục xuất của các gia đình nhập cư, có cả tấn công và quấy rối tình dục.


Nhưng ở đây tôi muốn tập trung vào điều gì đó nội tại hơn, tới từ bên trong con trẻ hơn: các tiêu chuẩn cực kỳ cao mà nhiều bạn nhỏ tuổi teen đặt cho mình. Cho dù đó là mong muốn có được có được toàn điểm 10, một làn da trắng không tì vết hay cảm giác là ngôi sao thể thao, thì nhiệm vụ nổi bật lên với vị thế của "người đỉnh nhất" (the best) thường khiến thanh thiếu niên phải nỗ lực không ngừng, điều này có thể dẫn đến cảm giác bản thân không xứng đáng và trầm cảm. Tuy nhiên, việc biết rằng có một lối thoát cho việc này — rằng chúng không cần phải nỗ lực không ngừng để đạt được thành công và hạnh phúc — có thể giúp thanh thiếu niên nhẹ nhõm hơn rất nhiều.


Chủ nghĩa hoàn hảo ở tuổi teen

Khi con gái tôi học trung học, cô bé khăng khăng phải theo học mọi lớp nâng cao nào đang mở. Vợ chồng tôi đều khuyến khích cô bé cứ từ từ và chỉ cần tham gia các khóa nâng của các môn học con bé thích. Tôi và bố con bé đều đảm bảo với cô bé rằng nó sẽ vào được một trường đại học tốt mà không cần học mọi môn học nâng cao. Nhưng cô bé khăng khăng và đưa cho tôi cái cuộn mắt của tụi trẻ đó, ngầm nói rằng,


“Mẹ ơi, mẹ chả hiểu gì…”

Nhiều đứa trẻ cảm thấy như chúng không đủ giỏi trừ khi đứng đầu lớp đồng thời xuất sắc trong môn thể thao mà chúng chọn là người chơi nhạc cụ giỏi nhất có rất nhiều bạn bè có hàng trăm lượt "like" trên bất kì nền tảng nào mà chúng đăng… Các bố mẹ hiểu ý tôi rồi đó.


Một phần nào đó của cái cảm giác không “đủ tốt” này xuất phát từ việc so sánh bản thân với người khác hoặc so sánh với xã hội. Mặc dù việc đánh giá bản thân so với người khác là điều hoàn toàn tự nhiên, bắt nguồn từ nhu cầu cố hữu của con người chúng ta là được thuộc về một nhóm và được chấp nhận, nhưng lại không hoàn toàn tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Lý do là chúng ta bị mắc kẹt trong một vấn đề nan giải: Ta cảm thấy bản thân không xứng đáng trừ khi ta giỏi hơn những người mà chúng ta đang so bì và ta phải tốt hơn trong tất cả các mặt. Ở mọi lĩnh vực đời sống. Tất nhiên, chẳng bao giờ có chuyện tất cả chúng ta giỏi hơn người khác về mọi thứ!


Đối với các bạn tuổi teen, việc xác định giá trị của chúng bằng cách so sánh với những người khác được duy trì trong các trường học theo dạng điểm thành phần và điểm trung bình, điều này giúp chúng dễ dàng đánh giá đối thủ cạnh tranh của mình. Tôi vẫn có thể nhớ xếp loại của mình thời tốt nghiệp trung học — tận hơn 40 năm trước! Tệ hơn nữa, so sánh về mặt xã hội được “thổi mạnh lên” bởi chính mạng xã hội, nơi số lượng lượt “thích” một người nhận được là một chỉ báo rõ ràng về mức độ nổi tiếng của người đó. Vì vậy, không có sự che giấu hay giả vờ; nếu bạn chỉ nhận được một vài "lượt likes", rõ ràng bạn là một kẻ thất bại về mặt xã hội trong mắt người khác. Và ai ai cũng có thể nhìn thấy điều đó. Cũng không có gì ngạc nhiên khi Franklin Roosevelt nói, "So sánh là kẻ cắp niềm vui."


So sánh bản thân với người khác và cố gắng trở nên hoàn hảo là một con đường dẫn tới các vấn đề sức khỏe tâm thần. Qua nghiên cứu, chúng ta biết rằng chủ nghĩa hoàn hảo tự phê phán bản thân dẫn đến trầm cảm và lo lắng. Nó là kiểu chủ nghĩa hoàn hảo mà ta đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân và chỉ trích chính mình khi không thỏa mãn được chúng, hay ta chỉ tập trung vào những thất bại và không ngừng nghi ngờ khả năng của bản thân. Đây là một loại chủ nghĩa hoàn hảo khác với cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “cầu toàn theo tiêu chuẩn cá nhân”, không liên quan đến trầm cảm và lo lắng, và chỉ đơn giản là đặt ra những mục tiêu cao cho bản thân mà không cần phải tự phê bình bản thân gay gắt. Qua nghiên cứu, chúng ta cũng biết rằng những người theo chủ nghĩa cầu toàn tự chỉ trích bản thân luôn cảm thấy lo lắng và suy ngẫm ngay cả vào cuối tuần và ngày lễ khi họ nên thư giãn, trong khi những người có tính cách cầu toàn theo tiêu chuẩn cá nhân thì không và do đó, có tâm trạng tổng thể tốt hơn.


Vậy chúng ta có thể làm gì? Làm thế nào chúng ta có thể giúp các bạn tuổi teens thấy rằng có thể đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân, đồng thời đối xử tử tế với chính bản thân chúng? Hay chúng không phải “hành hạ” bản thân bằng những lời lẽ cay nghiệt hay không ngừng tự phê bình bản thân để trở nên xuất sắc ở trường và vào một trường đại học tốt? Hay chúng có thể khích lệ bản thân, nói với chính mình một cách tử tế — như cách chúng nói với bạn bè — và, làm như vậy, có thể tránh được lo âu và trầm cảm không?


[còn tiếp]


* Nguồn: Greater Good

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


bottom of page