Tôi biết bản thân không đơn độc chút nào vì khi đăng bài về điều này lên trang Facebook cá nhân của mình, một số người bạn cho biết họ cũng nhận thấy điều tương tự: con cái họ dành quá nhiều thời gian trên màn hình (nói “quá nhiều” là nói quá một chút), hành vi của con họ đã thay đổi.
Chắc bất kì ai trong chúng ta cũng đoán được, những thay đổi hành vi kể trên không phải là những thay đổi tích cực.
Con dễ khó chịu hơn. Con tâm trạng hơn. Rồi kém linh hoạt hơn. Con bớt sẵn sàng sáng tạo và nghĩ ra các hoạt động mới. Kể cả còn tức giận vì TV hoặc iPad bị tắt, bị thu. Danh sách này có thể còn kéo dài nữa.
Tôi đã nhận thấy một số hành vi này trong ngôi nhà của mình suốt một thời gian, nhưng thành thật mà nói, tôi đã không tin nó là thật. Tôi tự nhủ rằng tôi cần những chiếc màn hình vì sự tỉnh táo của chính mình (tôi hầu như không bao giờ xa lũ trẻ của mình) và sự buồn chán của mấy đứa trẻ.
“Nhưng các chương trình/trò chơi kia mang tính giáo dục mà!” hoặc “Tôi cần một chút thời gian nghỉ ngơi trong chính mình,” tôi tự nhủ. Trong khi duy trì một chiếc đầu tỉnh táo và tập trung khi mấy đứa trẻ ở nhà suốt mùa hè là điều quan trọng với chính tôi … liệu tôi có phải “trả giá” cho hành động của mình không?
Bước ngoặt
Vài tuần trước, đứa con gái ba tuổi của tôi nói với tôi rằng con không đi công viên vì con quá bận xem “Dora.” Sau đó, cô bé trở nên tức giận khi tôi bấm vào nút tắt màn hình trên điều khiển. Lúc đó tôi quyết định rằng như vậy là quá đủ rồi. Tôi phải thay đổi vì bản thân nhận thấy điều này là không tốt và tôi không thể cho phép hành vi này tiếp diễn thêm được nữa. Dù sao thì với vai trò là cha mẹ, việc con tôi dành bao nhiêu thời gian xem màn hình là hoàn toàn do tôi kiểm soát.
Tôi nảy ra ý tưởng thử một “thí nghiệm” có thể được cho là khá … “phản khoa học”: Xem phản ứng của con thế nào sau một tuần không có màn hình điện tử. Không TV. Không iPad. Không gì hết. Ngay cả khi những nguồn đó “mang tính giáo dục”. (Nhưng có ngoại lệ cho FaceTime với ông bà nội ngoại, và tôi nghĩ đó là một điều hợp lí). Khi tôi nói với chồng về kế hoạch của mình, ngay cả anh ấy cũng hoài nghi.
Nhưng sau vài ngày, tôi đã bị sốc bởi kết quả. Tôi đã nghĩ mình sẽ nhận lại một nhóm trẻ con khó chịu, rên rỉ và kêu ca. Thế nhưng, thực tế thì lại chẳng có gì như tôi nghĩ ở trên. Ồ wow. Tôi nghĩ là mấy đứa nhỏ đã hỏi về việc xem một chương trình có thể một hoặc hai lần gì đó trong tuần thử nghiệm của chúng tôi.
Khi tôi kiên quyết nói rõ rằng đó không phải là một lựa chọn cho con, chúng đã nhanh chóng vượt qua. Thật là một kết quả tuyệt vời, nếu tôi được hỏi. Đứa bé sáu tuổi nhà tôi thích các quy tắc, và cậu bé, hơn bao giờ hết, thể hiện cảm giác háo hức khi nhắc nhở cô chị của mình về quy định không sử dụng màn hình của ba mẹ trong tuần đó!
Kết quả của Tuần không-màn-hình của chúng tôi
Thay vì ngay lập tức bật phim hoạt hình vào buổi sáng, các con tôi đã cùng nhau chơi theo những cách rất sáng tạo. Thật đáng yêu khi lắng nghe các con trao đổi, chuyện trò cùng nhau.
Gia đình tôi thậm chí còn dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn trước.
Lũ trẻ nhà tôi đã đọc rất nhiều sách. Cả nhà bình thường là những người ham đọc sách rồi, nhưng wow! Cả hai đứa nhỏ đều xin được đọc suốt cả ngày vì con chán. Và bởi vì TV không con là một “món ăn” trước khi đi ngủ nữa, nên con chỉ còn những trang sách để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình thôi. Tôi có khi đã đọc 15 cuốn sách mỗi ngày cho bé ba (gần bốn tuổi) nhà mình, còn bé gái sáu tuổi thì đọc chương đầu tiên của cuốn sách với tốc độ kỷ lục! Mức độ hiệu quả của tuần đọc sách thực sự đã tăng gấp 3 lần.
Các con chìm vào giấc ngủ nhanh hơn và sớm hơn mỗi đêm! Chồng tôi ngạc nhiên nhất về điều này. Giờ đi ngủ bây giờ nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Vì 2 lí do vừa kể trên, vợ chồng tôi sẽ không cho phép lũ trẻ xem màn hình TV hay điện thoại trước giờ đi ngủ nữa, trừ khi đó là một đêm cả nhà nằm xem phim cùng nhau.
Lũ trẻ đã tìm ra rất nhiều cách để sử dụng trí tưởng tượng của mình. Tụi nhỏ đã tạo ra những con tàu vũ trụ từ những chiếc hộp giao hàng cũ, rồi là các hành tinh từ những dụng cụ nghệ thuật ngẫu nhiên, còn có cả kính viễn vọng bằng giấy. Và danh sách này vẫn tiếp tục!
Hành vi của con cũng đã được cải thiện! Phải thật lòng chia sẻ rằng “chính sách không-màn-hình” này đã dần biến các con thành những thiên thần dễ thương hơn. Tâm trạng ủ rũ và cáu kỉnh thường đi kèm với việc tắt màn hình giờ đây không còn là vấn đề nữa. Việc chuyển đổi sang các hoạt động mới giờ cũng dễ dàng hơn và lũ trẻ còn háo hức đưa ra những sáng kiến mới mà chẳng cần có một chiếc màn hình nào để con nhìn vào.
Tôi cũng nhận thấy rằng chính mình đã ít sử dụng điện thoại hơn nhiều trong tuần đó. Bởi vì tôi hoàn toàn không phải nhờ đến “người trông trẻ trên TV”, điều đó “buộc” tôi phải gắn bó nhiều hơn với các con. Đó là một lời nhắc tốt cho bản thân phải đặt điện thoại xuống thường xuyên hơn, đặc biệt nếu tôi muốn trở thành một tấm gương cho con về việc sử dụng màn hình thế nào là hợp lí.
Vậy quyết định cuối là gì?
Từ giờ đến hết hè sẽ tiếp tục là không có màn hình TV hay máy tính gì hết chứ? Đúng, nhưng không hoàn toàn. Dẹp đi hết tất cả các thiết bị điện tử mãi mãi không bao giờ là mục tiêu của tôi. Điều này có thể là lý tưởng hoặc thực tế đối với một số bậc cha mẹ. Nhưng tôi chắc chắn 100%, rằng mình sẽ giảm đáng kể thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con.
Không còn xem hoạt hình vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ nữa. Cũng không chơi game trên iPad nữa, điều này không cần thiết trừ khi nó được sử dụng cho trải nghiệm học tập mà có hướng dẫn của thầy cô hoặc cha mẹ.
Tôi sẽ cho các bạn nhỏ nhà mình một chút thời gian xem TV vào giữa ngày. Mấy đứa nhỏ nhà tôi không còn muốn ngủ trưa nữa và tôi nghĩ đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời cho cả nhà. Tôi cũng có thể xử lí nốt những việc cần làm trong nhà, và con có thể “hồi năng lượng” trước những trò chơi và đùa nghịch vào buổi chiều.
Tuần lễ không-màn-hình của nhà tôi đã cho tôi thấy mức độ tích cực có thể đến từ việc hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Điều này cũng cho ta thấy khả năng tìm kiếm những thứ để lấp đầy khoảng thời gian trống buồn chán mà tôi từng nghĩ chỉ có màn hình TV hay iPad mới có thể khoả lấp được.
Mùa hè của những năm 1980 và 1990 (trước khi công nghệ chiếm lĩnh mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta) quả thực rất tuyệt vời. Nếu các cha mẹ đang nghĩ đến việc “thanh lọc giải độc thời gian sử dụng thiết bị điện tử”, thì dù là trong một tuần, một tháng hay thậm chí cả kỳ nghỉ hè, hãy cứ làm đi! Tôi tin là chúng ta sẽ học được nhiều điều và cũng được truyền cảm hứng để hạn chế sử dụng màn hình điện tử trong ngôi nhà thân thương của mình.
* Nguồn: Birmingham Mom Collective
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments