Em ơi, sao con bé của chị giờ khác hoắc vậy? Năm trước nó còn dễ thương đến dường nào, còn bây giờ thì cứ như một người khác vậy. Chị nói gì là nó cãi nấy, đến mức chị không dám động tới nó nữa. Em xem giúp chị nói chuyện và chỉ bảo nó với.
Chị nên mừng mới đúng. Nó như thế là bình thường đấy ạ. Lên cấp hai, nó mà không khác hoắc như thế thì chị mới nên lo.
************************
Bộ não của tụi nhỏ, bước vào giai đoạn cấp hai, sẽ có ba thay đổi nổi cộm nhất.
Đầu tiên, bộ não sẽ tự đào thải, cắt tỉa đi một số lượng tế bào não, các nơ-ron thần kinh, và những kết nối – một quá trình mà giới khoa học gọi là pruning (cắt tỉa). Nói cho dễ hiểu hơn một chút, những gì lũ trẻ đã dung nạp trong suốt quãng đời tuổi thơ cho đến hết cấp một sẽ trải qua một cuộc sát hạch. Những kiến thức chúng nó sử dụng nhiều, gần như thành “bản chất” và cắm rễ đủ sâu, sẽ được bộ não ưu ái giữ lại làm của để dành trọn đời, còn những kiến thức vụn vặt, lẻ tẻ, học kiểu cưỡi ngựa xem hoa sẽ tự động bị bộ não ruồng bỏ và đào thải không thương tiếc.
Thay đổi thứ hai của bộ não trong cuộc tái cấu trúc này chính là sự bùng phát của một chất dịch mang tên Myelin ở nhiều vùng quan trọng của não. Myelin có sứ mệnh bao bọc những kết nối thần kinh, “bôi trơn” tốc độ xử lý thông tin và thao tác thực hiện các kỹ năng của bộ não. Khi chất Myelin bao bọc một kết nối nào đó càng kỹ và chắc, thì chức năng của kết nối ấy càng nhanh, hiệu quả và chuẩn xác. Nói ngắn gọn, tư duy hay kỹ năng nào được Myelin bao bọc kỹ sẽ phát triển nhanh và hiệu quả.
Thay đổi thứ ba cũng là một nghịch lý trong bộ não của tuổi teen. Một mặt, chúng là những cô cậu chủ giàu có, có quá nhiều chất xám để xử lý thông tin, kiến thức cực nhanh, nên chúng học cái gì cũng nhanh. Thế nhưng, mặt khác, chúng lại là những người đói nghèo, thiếu chất trắng trong não. Chất xám chính là những viên gạch nền tảng để xây nên cấu trúc của bộ não, còn chất trắng như những sợi dây điện kết nối các cấu phần của não. Vì vậy, bộ não của tuổi teen như một chiếc xe hơi đắt tiền chưa được chạy thử. Thế nên, teen chưa biết cách ứng phó với những diễn biến phức tạp trong tâm sinh lý của chính mình.
************************
Chính vì vậy, khi bước vào tuổi teen, não của trẻ sẽ sản xuất rất nhiều chất Dopamine, tạo sự hưng phấn khi chúng trải nghiệm những cái mới, từ bạn bè, phim ảnh, video game, mạng xã hội, trà sữa, thời trang,... Thế nhưng, bộ não kiểm soát về lý trí, logic, nguyên nhân hệ quả – lại chưa đủ trưởng thành, chưa được kết nối với các phần não khác để có thể kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành vi dựa trên luật nhân quả và lập luận logic.
Vì bộ não mang ba đặc điểm trên trong giai đoạn tuổi teen nên trẻ ở tuổi này thường có những điểm khác người, khó hiểu, vừa tiềm tàng nhiều nguy cơ, hiểm họa, vừa có những phép mầu biến hóa khôn lường.
* Nguồn: Sách "Thay đổi vì con" - TS. Nguyễn Chí Hiếu
コメント