top of page

Những đứa trẻ thiếu “lì đòn” - Phần 1

Hãy ngừng làm hư con trẻ! Đã có quá nhiều đứa trẻ thiếu “lì đòn” và rất mong manh

Có một sự thật là trẻ con ngày nay, rất nhiều đứa học hành rất giỏi, thành tích đầy mình, bắn Tiếng Anh như gió, nhưng lại rất thiếu tình "lì đòn" và cực kỳ mong manh dễ vỡ trước những “biến cố” đôi khi rất chi cỏn con.


Tất nhiên, vẫn có những đứa trẻ chứng minh điều ngược lại, nhưng cũng phải công nhận là trong rất nhiều đứa trẻ mình tiếp xúc, con số học giỏi mà mong manh ngày càng chiếm tỷ trọng nhiều trong các trường lớp.


Xu hướng ngày càng gia tăng khi con trẻ, học sinh và cả sinh viên cần phải có sự can thiệp hỗ trợ sát sao của người lớn mới vượt qua được cả những cái “ổ gà” rất bình thường trên con đường đời.

Chúng bình thường rất cool ngầu, ăn nói hầm hố, tỏ vẻ cứng cỏi, mạnh mẽ nhưng nhiều khi động một chút chuyện sương sương là hoang mang, lạc lõng, không kiểm soát được bản thân và cảm như thế giới sụp đổ.


NGUYÊN NHÂN


Nguyên nhân thì có thể có nhiều lắm, kể hoài không hết, chưa chắc ai chịu đọc từ A đến Z. Thế nên, chắc chỉ mạn phép “bắt mạch đại” vài cái sau.


1. ĐẶT SAI ĐỘNG LỰC


Giáo sư Jean Twenge của Đại học San Diego State đã phát hiện ra trẻ con giờ đây bị kiểm soát và thúc đẩy bởi các động lực bên ngoài (extrinsic motivation) nhiều hơn. Những yếu tố này lại thường là vật chất bề nổi như thu nhập, địa vị, danh tiếng xã hội, mức độ "popular" (được để ý) trong các đội nhóm, quần áo hình ảnh trên mạng xã hội,…


Trong khi đó, những động lực bên trong (intrinsic motivation) thường là tập trung vào phát triển bản thân chỉ vì muốn bản thân tốt hơn hoàn thiện hơn, học chỉ vì yêu thích việc học, vì tri thức được mở rộng, hạnh phúc chỉ vì bản thân thấy vậy mà không cần sự xác nhận hay tung hô của một ai.

Một điều đáng tiếc là thường thì những yếu tố bên ngoài lại không nằm trong tay kiểm soát của con người, mà phụ thuộc vào người khác và xã hội bên ngoài, nằm trong… miệng thiên hạ nhiều hơn.


Thế nhưng, phần lớn thời gian và nguồn lực của tụi nhỏ – và nhiều khi là của ba mẹ chúng – là chạy rượt đuổi theo những cái thước đo của người ngoài, hơn là xây dựng ý thức và động lực tự nhiên phát triển bản thân là vì bản thân cần phát triển, chứ không phải vì chạy đua theo “miệng thiên hạ” hay “con nhà người ta”.

2. HỌC NHIỀU QUÊN CHƠI


Giáo sư Tâm lý Peter Gray của Đại học Boston cho rằng việc con trẻ thiếu tính chủ động và mong manh một phần là do xã hội đang có sự dịch chuyển quá lớn về thói quen sử dụng thời gian rảnh.

Một mặt, thời gian học ngày càng nhiều nên tụi trẻ ít có thời gian chơi. Mặt khác, khi chơi thì tụi nó thường chơi theo kiểu “cô lập”, tức là với máy móc, trò chơi điện tử,… hơn là tương tác với người thật, việc thật, trong những ngữ cảnh và môi trường thật.


Việc tụt dốc về thời gian chơi tự do trong những bối cảnh thật dẫn đến việc con nít ít có thời gian để khám phá và tìm ra nhiều thứ cho bản thân: điều mình thật sự thích, điều mình không thích, điều nào làm mình hào hứng, điều gì không nên làm… ngoài những cái trò chơi “thông minh”. Chúng cũng có ít thời gian để quyết định là mình nên làm gì trong một ngày và không kiểm soát được bản thân một khi tay đã cầm điện thoại, bật mạng xã hội, mở hộp chat chit,…


Nếu chúng ngày càng không sống trong những bối cảnh phức tạp của cuộc sống thật, thì khi ra đời, gặp những con người thật việc thật, những vấn đề “nhức óc” thật và chẳng giống trong trò chơi hay trên mạng, thì chúng hơi “hoang mang” trong cách nghĩ và ứng phó.


3. BỐ MẸ LÀM TẤT



Bố mẹ ngày càng can thiệp quá sâu vào mọi thứ, cứ y như phải đổ xi măng bê tông chuẩn bị sẵn tất tần tật cho tụi nhỏ, để chúng không phải động tay động chân làm chuyện gì khác ngoài hai chuyện: học và xài máy.


Có bao nhiêu đứa trẻ cấp 2–3 tự lo được cho bữa ăn của mình từ A đến Z, phải làm việc nhà, phải tự giặt đồ, gấp đồ ủi quần áo, phải tự dọn dẹp phòng, phải tự sắp xếp lịch học, phải biết cách lựa chọn trang phục, đầu tóc, phong cách phù hợp cho những ngữ cảnh khác nhau…?


Thật buồn cười, vừa giận vừa thương, khi mình tận mắt chứng kiến có những đứa trẻ đi thi cử, đi phỏng vấn học bổng mà không biết cái gì nên mặc, cái gì nên không, nên nói điều gì và không nên nói điều gì, tác phong ngồi đi đứng ra làm sao…


Có đứa mặc cái quần đùi ngắn chỉ che hết mông, có đứa bê luôn cái quần dài mặc chơi thể thao, có đứa còn mặc áo pull không cổ và trên áo ghi những câu phát ngôn trẻ trâu, thậm chí việc bỏ áo vào trong quần mà chúng nó cũng còn không ý thức.


Nhiều khi chỉ muốn hét lên trong đầu: Trời ơi, người lớn chúng ta đang làm gì với lũ trẻ?

HỆ QUẢ

1. DŨNG KHÍ NƠI ĐÂU?


Dù cho bố mẹ có lý luận gì đi nữa thì sự thật là các trường học phổ thông, đại học và các thầy cô giáo giờ đây phải ngày càng tốn nhiều thời gian để điều chỉnh hành vi, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, chăm lo sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Đó là một sự thật rõ ràng, không chối cãi.


Con nít nhỏ chơi trò chơi cãi nhau chí chóe, dẫn đến đánh đấm không kiểm soát, phụ huynh biết thì hùng hổ dọa kéo người lên đánh đứa nhỏ lớp 2 kia. Tuổi dậy thì không ít đứa sụp đổ, khóc lóc, khóa mình trong phòng mấy tuần liền vì “tình yêu” đầu tiên bị vỡ.


Học sinh cấp 3 tưởng chừng như thế giới sụp đổ khi nhận lá thư từ chối đại học, không thiết tha học hành gì nữa. Sinh viên ra trường chưa kiếm được việc làm thì nằm nhà, bắn game, buồn bã chán chường, không biết cuộc đời đi tiếp về đâu.


Nhiều khi phải tự hỏi: Dũng khí của tụi nhỏ biến đi đâu rồi nhỉ? Hay là chúng chưa bao giờ có dũng khí?



2. "THIẾU ĐÓI" ĐIỂM... THẤP


Càng ngày càng có xu hướng giáo viên ái ngại cho một điểm xấu cho học sinh. Ngày xưa, một con điểm 4–5 thì chắc không sao – mà ngày xưa mình cũng ăn không ít hơn chục con điểm 4–5. Nhưng ngày nay, một con điểm 6 –7 thôi đã có thể là một vấn đề trong khi cả lớp toàn 9–10.


Người lớn lo sợ nhiều điều. Nếu học sinh không được điểm cao, người lo đầu tiên là giáo viên. Họ sợ bố mẹ sẽ “tấn công” điện thoại về đêm, hoặc thậm chí đến trường gặp mặt đối chất và gặp cả hiệu trưởng để kiện.


Nhiều người cứ làm như một con điểm 4–5 là một vết nhơ không xóa được trong đời, trong khi có thể dùng cơ hội đó để nói chuyện với con và tìm ra những điểm có thể khắc phục trong những lần tới, hoặc để con hiểu là ra đời mai kia thậm chí điểm 0 là chuyện thường.


Thử hỏi, những đứa trẻ lớn lên chỉ biết có 8–9–10 thì liệu chúng có thể đương đầu với những lá thư từ chối, với những ngày thất nghiệp, với những thất bại còn to lớn hơn mấy con điểm 4–5 kia?

Thậm chí, trong đời, nhiều khi bỏ ra vô vàn nỗ lực thì kết quả đôi khi mang về vẫn là… 0. Quan trọng là nhìn thấy gì đằng sau số 0 đó, chứ không phải là làm mọi thứ để né 0 và chỉ mê mẩn, tôn thờ 9–10.

3. NGẠI "RỦI RO, MẠO HIỂM"


Con trẻ cũng vì những cái an toàn, được sắp đặt chặt chẽ, và làm cái gì cũng phải được 9–10 mà chúng ngại chấp nhận… rủi ro và mạo hiểm hơn. Rủi ro mạo hiểm ở đây không có nghĩa là đâm đầu vào làm những cái trẻ trâu, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tiền bạc. Mà rủi ro mạo hiểm ở đây là trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề.


Làm bài tập gì thì cứ làm những cách giải đã được chỉ sẵn cho tiết kiệm thời gian và chắc chắn đúng, đừng tốn thời gian để nghĩ ra những cách làm mới sáng tạo hơn. Câu trả lời cho những chủ đề xã hội thì cũng cứ học thuộc cho nhanh, đừng viết những cái gì khác khác là dễ bị mất điểm theo barem.

Học cái gì thì cứ luyện thi và ghi nhớ từ vựng, lời giải, bài văn, cách làm, nhét được bao nhiêu thì cứ nhét. Thậm chí có quá nhiều người tự cho là “cao thủ luyện thi” chỉ quăng cho tụi nhỏ cả bài văn, đoạn văn và học thuộc luôn để vào thi là “bắn”.


Thế nhưng, thế giới và xã hội ngoài kia giờ đây có đầy vấn đề mà những lời giải, cách nghĩ, cách dạy, cách học rập khuôn, không khuyến khích rủi ro sáng tạo,… sẽ không thể nào giải quyết được.

Mọi vấn đề và thử thách, từ cá nhân, công việc, cuộc sống đến những vấn đề lớn của xã hội, thế giới, thời cuộc cần những cách nghĩ, cách làm sáng tạo, không rập khuôn và đôi khi là phải có tí… rủi ro, chứ không phải ru rú nằm trong bong bóng an toàn, học thuộc, làm theo, ăn sẵn.


* Nguồn: Chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu


Comments


bottom of page