Tuổi dậy thì đánh giấu rất nhiều thay đổi không chỉ về mặt thể chất mà còn cả vể tinh thần, tư duy và tính cách của trẻ. Nhiều người lớn vẫn hay gọi độ tuổi này là độ tuổi ẩm ương, vậy điều gì dẫn tới những thay đổi này? Và đâu là những ẩm ương phổ biến nhất ở các cô cậu bé tuổi teen?
Để trả lời cho những câu hỏi này hãy cùng đọc những chia sẻ của TS.Nguyễn Chí Hiếu trong cuốn sách mới nhất của anh - “Thay đổi vì con” được trích dẫn trực tiếp dưới đây.
************************
Thứ nhất, trẻ cả thèm chóng chán, có mới nới cũ.

Trẻ ở tuổi dậy thì thường muốn thử những điều mới. Cơn thèm những cái mới này xuất phát từ chính nhà máy sản xuất Dopamine – dược chất tạo sự hưng phấn – đang hoạt động tối đa công sức. Tụi trẻ hào hứng đi tìm những cảm giác mới, ngay cả khi bản thân biết thừa những điều mới mẻ nào đó không hề tốt.
Ban đầu, trẻ có thể uống đến mức nghiện món trà sữa, làm vài video clip trẻ trâu tung lên mạng, nghịch phá gì đó. Sau đó, nếu không được kiểm soát, trẻ sẽ tăng dần cấp độ thử nghiệm những điều mới, từ đó hình thành những thói quen như chơi game đến bỏ cơm, thức xuyên đêm để lướt Facebook, chat chit hay xem phim, mua sắm quá nhiều quần áo, son phấn,...
Nhưng cảm giác hứng thú của trẻ với điều gì đó thường không kéo dài quá lâu vì trẻ vốn cả thèm chóng chán. Thế nên, trẻ không ngừng đi tìm cái mới, rồi trải nghiệm, rồi chán, rồi lại tìm kiếm món mới nhiều kích thích hơn. Tất cả cũng vì cái hàm lượng Dopamine đang ngập tràn trong não của chúng. Vì thế, khi bị ép ngồi im một chặp để học hành hoặc tập trung suy nghĩ cái gì đó khó khó là chúng kêu chán ngay. Chúng tràn đầy năng lượng, muốn khám phá cuộc sống muôn mặt, nên càng “bó chân” vào những việc lặp đi lặp lại thì chúng lại càng giãy nảy, nhiều khi là nổi loạn, hoặc đóng sầm cửa, cách ly không đối thoại, chiến tranh lạnh với cha mẹ, ngỗ nghịch với thầy cô. Đó cũng là lý do vì sao mà tuổi teen hay có những xử sự bốc đồng mà không thèm cân nhắc hệ quả.
Thứ hai, trẻ xem bạn bè là số 1.

Suốt cả tuổi thơ và thời học cấp một, trẻ xem cha mẹ là hình tượng mẫu mực cho mọi thứ trong cuộc sống, là những người “biết tuốt”. Nhưng khi vào độ tuổi học cấp hai, trẻ không còn xem cha mẹ như thần tiên nữa mà cũng chỉ là những người bình thường với những hạn chế, sai lầm. Trẻ bắt đầu thèm khát việc xã giao bạn bè, vì ít ra bạn bè “hiểu” được chúng, và bạn bè cũng giống chúng, tức cũng cả thèm chóng chán, cũng ít khi muốn “giao du” với cha mẹ.
Vì xem bạn bè là quan trọng nên tuổi teen thường phủi tay hoặc phớt lờ ý kiến của cha mẹ. Chúng xem trọng ý kiến, quan điểm và sở thích của bạn bè hơn.
Trong chừng mực nào đó, “hội chứng mê bạn” này tốt cho lũ trẻ nếu như chúng có thể xây dựng những tình bạn đẹp, đôi bên cùng tiến. Thế nhưng, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, và trong khi trẻ nhiễm rất nhanh những thứ xấu, như giọt mực nhanh chóng hòa vào nước, thì với những cái tốt đẹp, trẻ thường chỉ có thể thấm từ từ theo kiểu hầm xương.
Thứ ba, những cảm xúc dao động thất thường.

Với lượng hormone tương đương với các cô cậu thanh niên trẻ, tuổi teen này cũng có đầy đủ cung bậc cảm xúc như các anh chị lớn. Cái khó là chúng chưa biết cách để điều tiết và kiểm soát cảm xúc, thế nên cảm xúc mới thay đổi thất thường. Chúng có thể đang vui vẻ đấy lại chuyển sang giận hờn, nước mắt buồn bã vừa mới rơi lã chã thì vài phút sau lại cười khì, nhí nhố. Lý do cơ bản là phần não phi công lý trí của chúng nó vẫn đang nhẹ ký và chưa được “bắt cầu” kết nối với các phần não khác. Thế nên, phần não lý trí chưa đủ “uy quyền” để có thể ra lệnh cho phần não phụ trách cảm xúc tắt đài hoặc chuyển kênh có chủ đích.
* Nguồn: Sách "Thay đổi vì con" - TS. Nguyễn Chí Hiếu
Comments