top of page

Những lợi ích không ngờ của việc học tập trong thời gian giãn cách

Rất nhiều bố mẹ đã chia sẻ nỗi lo về trách nhiệm khi phải dạy con học trong khoảng thời gian giãn cách và về việc họ không biết làm thế nào để dạy con. Tuy nhiên, một chuyên gia giáo dục thuộc trường đại học The University of New South Wales nói rằng bố mẹ nên cố gắng giải thoát bản thân khỏi những nỗi lo đó, tách biệt suy nghĩ về cách dạy học truyền thống và hãy để trẻ tự do phát triển.



Đặc biệt, giáo sư Pasi Sahlberg, nhà lãnh đạo tư tưởng toàn cầu về giáo dục và cựu giáo viên ở Phần Lan, giải thích rằng việc bố mẹ không phải chuyên gia trong việc dạy con là hoàn toàn bình thường, và đây là lý do:


Công việc của bố mẹ là dạy con như những người bố mẹ, chứ không phải như thầy cô


"Dạy học là một quá trình rất phức tạp, chính vì thế rất khó để bố mẹ cảm thấy họ có thể dạy con như những giáo viên thực thụ, ngoại trừ việc họ thật sự là giáo viên. Nếu con bạn có một chiếc răng sâu, mọi người cũng sẽ không hy vọng bạn tự chữa cho đứa trẻ nếu bạn không phải nha sĩ. Và trong trường hợp này, điều tốt nhất bạn có thể làm chính là giúp đứa trẻ thoải mái với việc học và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm." giáo sư chia sẻ.


Đừng áp lực quá về kiến thức của con


Giáo sư Sahlberg nói rằng bố mẹ đừng suy nghĩ quá nhiều về việc những đứa trẻ sẽ bị kém hơn so với bạn cùng lớp nếu không cố gắng học ở nhà.


"Hầu hết những đứa trẻ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc không đến trường trong vài tháng. Tất nhiên sẽ có những trường hợp ngoại lệ, nhưng không có bằng chứng gì làm rõ những ảnh hưởng đó đến tương lai đứa trẻ. Hãy thử nghĩ xem, tất cả chúng ta ai cũng đã có những lần không đến trường do ốm, do đi du lịch và rất nhiều lý do khác. Tuy nhiên, chúng ta không hề đổ lỗi cho khoảng thời gian vắng mặt đó cho những gì chúng ta không làm được ở hiện tại."


Hãy nhớ rằng trẻ con không bao giờ ngừng học hỏi


"Trẻ con luôn học hỏi, đó là bản năng, vậy nên rất không hợp lý khi bố mẹ đặt câu hỏi bọn trẻ sẽ làm gì nếu trường học đóng cửa." Thay vào đó, hãy suy nghĩ rằng đây chính là khoảng thời gian hợp lý để con trẻ tìm hiểu thêm về đam mê và khả năng của bản thân. Nếu việc học toán hay khoa học ở trường khiến chúng gặp khó khăn, bọn trẻ có thể thử những thứ mới mẻ khác như nấu ăn hay học thanh nhạc.


"Khoảng thời gian này thậm chí còn là cơ hội để bố mẹ hiểu con cái hơn. Và còn là thử thách để bố mẹ học những thứ mới cùng con" giáo sư nói.


Hãy để bọn trẻ chơi



"Việc hiểu được con học được nhiều thế nào qua việc vui chơi chắc chắn sẽ làm các bậc phụ huynh ấn tượng. Thường thường, mọi người hay nghĩ rằng chơi là lãng phí thời gian. Nhưng nếu bạn thật sự dành thời gian và chơi cùng con, bạn sẽ thấy được cách bọn trẻ dùng trí tưởng tưởng của mình phong phú như thế nào."

Theo tổ chức nghiên cứu giáo dục Gonski Institute for Education thuộc đại học The University of New South Wales, cách để các con chơi hiệu quả nhất là tự do tham gia các hoạt động.


"Việc chơi như vậy khiến đứa trẻ có thể tự quyết định chơi cái gì và chơi như thế nào, hơn là việc người lớn đưa ra những luật lệ và hướng dẫn. Chính việc này sẽ khiến lũ trẻ tò mò và sử dụng trí tưởng tượng để trả lời cho những câu hỏi."


Tương tác con người là cần thiết trong giáo dục


Rằng chúng ta đang trải qua thời kỳ giãn cách do đại dịch, nhiều người tin rằng tương lai của việc dạy học và phương pháp học sẽ có sự thay đổi đáng kể, với sự tập trung hơn về việc truyền tải và tạo lớp học qua các nền tảng công nghệ. Tuy rằng việc học online rất hữu hiệu, giáo sư Sahlberg tin rằng nó sẽ không thể trở thành phương pháp học chính thống.


"Việc học online như hiện nay cho chúng ta thêm trải nghiệm về việc học tập và nghiên cứu trực tuyến. Nhưng phương pháp này làm giảm đi sự tương tác con người và những chia sẽ của người học với nhau." ông nói


"Những thứ như kĩ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp trao đổi, hợp tác hay khả năng lãnh đạo rất khó để được "số hóa". Việc dạy và học sẽ là tốt nhất khi có tương tác giữa mọi người với nhau."

* Nguồn: UNSW Sydney (the University of New South Wales)

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG




bottom of page