top of page

Những đứa trẻ thiếu “lì đòn” - Phần 2

Trong phần trước Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã chỉ ra những nguyên nhân hình thành nên những đứa trẻ thiếu "lì đòn", tuy học giỏi nhưng lại mong manh, yếu đuối, dễ bị choáng ngợp và chới với trước những thử thách trong cuộc sống. Trong phần 2 này, hãy cùng đội ngũ Nghề Cha Mẹ tìm hiểu những phương pháp để xây dựng cho trẻ sự mạnh mẽ và tính bền bỉ.

- - - - -

GỢI Ý


1. CHƠI TỰ DO... MUÔN NĂM


Giáo sư Peter Gray khuyên rằng chúng ta nên cân bằng giữa thời gian "giam chân" tụi nhỏ trong các lớp học và thời gian chúng được tự do chơi. Chơi là chơi những trò mà ngày xưa chúng ta hay chơi, với trẻ con trong xóm, với bạn bè trong khu phố hay trên trường – đuổi bắt, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, tạt lon, chọi phượng, đồ hàng, đóng giả vai… – chứ không phải chỉ có cắm đầu chơi những trò chơi “thông minh” trên các thiết bị “thông minh”, hoặc chơi dưới sự sắp đặt, cấu trúc chặt chẽ của người lớn.


Nghiên cứu giáo dục và tâm lý của gần 100 năm qua đều đồng loạt chứng minh: Chơi tự do là hình thức học tập cao nhất và thông minh nhất với con trẻ. Nó giúp con trẻ phát triển các năng lực tư duy, thúc đẩy sự phát triển tự nhiên và bền vững của các cấu trúc não – các thiết bị thông minh kia không những không phát triển mà có khi còn triệt tiêu cơ hội phát triển có một không hai trong đời – và chơi tự to còn là mảnh đất để phát triển trí tuệ cảm xúc vả quản lý xã hội của con người.

2. YÊU CẢ THẤT BẠI


Giáo sư Carol Dweck của Đại học Stanford và Angela Duckworth của Đại học UPenn – hai “ngôi sao” nghiên cứu tư duy phát triển và tính kiên định "lì đòn" – đã nhấn mạnh: Trẻ con cần phải học cách chấp nhận thất bại là một phần của cuộc sống mỗi ngày, và phải học cách đương đầu, xử lý, vượt qua và thậm chí là… yêu cả thất bại.


Vì vậy, người lớn chúng ta – là thầy cô, bố mẹ – không cần phải ngại ngùng vạch ra những lỗi sai của con trẻ. Tất nhiên không phải là theo kiểu bới lá tìm sâu, hoặc lỗi nào cũng phải chỉnh theo kiểu phát xít quân đội từng li từng tí, hoặc nói năng theo kiểu chì chiết, mỉa mai, hạ thấp, phùng man trợn mắt. Bằng sự bao dung của người lớn, hãy đưa ra những lỗi lớn mà tụi nhỏ hay mắc phải, giải thích vì sao, ghi nhận những cảm xúc có thật của chúng, và cùng trò chuyện để chúng hướng đến những lần tiếp theo.

Và quan trọng hơn cả, dạy cho con trẻ cách sữa lỗi, cách nhìn lỗi của mình và tìm cách khắc phục, chứ không phải nhận một bài điểm 8 – 9 là nghĩ mình đã giỏi, không chịu ngồi tìm hiểu vì sao 1 – 2 điểm kia mình bị mất, không thèm nhìn những lời phê chấm chữa của thầy cô được một phút, hoặc nhận một con 4 – 5 là đùng đùng tức giận mà không chịu bình tâm tìm hiểu mình có thể khắc phục gì trong lần tới.


Lỗi sai và thất bại là một phần tất yếu của việc học. Đừng làm hư con trẻ và cho chúng một con đường đi toàn… hoa điểm 10. Mình sợ lắm cái cách giáo dục hơi “mê muội, vỗ về” thái quá này. Mầm non hoặc be bé thì còn có thể du di chút, chứ lên cấp 2 cấp 3 rồi mà cứ vỗ về ôm ấp, con cái lúc nào cũng đúng cũng tuyệt vời và thầy cô trường lớp lúc nào cũng sai thì đó là… làm hư con trẻ và đi ngược với mục đích giáo dục.


3. TỰ THÂN VẬN ĐỘNG


Dạy con trẻ tự làm những việc chăm lo cho cuộc sống của bản thân từ bé đến lớn. Từ chuyện sắp xếp đồ dùng, không gian cá nhân, phụ giúp việc nhà, chăm sóc bản thân,… cho đến những thứ lớn hơn như sắp xếp cuộc sống, chăm sóc người thân, quan tâm xã hội,…


Bao nhiêu thứ đó cũng quan trọng không kém việc học tốt trên trường, và mai kia ra đời, trong nhiều ngữ cảnh, chúng còn quan trọng hơn cả việc được 9–10, vào lớp chuyên chọn, hay vô địch kỳ thi gì đó.


Đừng gởi ra đời những cái máy học siêu cấp tự động được lập trình, mà hãy đưa vào đời những đứa trẻ vững vàng, tự nhiên cân bằng được giữa học tập và cuộc sống, biết lo cho bản thân và biết nghĩ vì người khác.

- - - - -

Vai trò thật sự của giáo dục chân chính không đơn thuần là giúp trẻ tăng điểm, gặt giải thưởng mà là dạy trẻ… thành nhân.

Hành trang quan trọng nhất để một đứa trẻ tự tin đi đến thành công và hạnh phúc cho riêng mình trong tương lai chính là ý thức rõ ràng rằng bản thân luôn phải chịu trách nhiệm với chuyện học tập, làm việc và sinh sống của chính mình.


* Nguồn: Chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu


bottom of page