Tôi đã mất một thời gian khá dài để học được sự khác biệt giữa làm việc chăm chỉ hơn và làm việc thông minh hơn và Jason, chồng tôi cũng vậy.
Trong quá trình trưởng thành, chúng ta vượt qua khó khăn bằng việc thức khuya, dậy sớm và cố gắng giải quyết mọi công việc một cách thật nhanh chóng. Làm việc vất vả trở thành một phần của chúng ta, là điều khiến chúng ta cảm thấy tự hào và cho rằng đó là chìa khóa giúp ta vượt qua gần như mọi thử thách.
Nhưng tại một số thời điểm, mỗi người trong chúng ta đều nhận ra rằng làm việc chăm chỉ hơn không phải lúc nào cũng là giải pháp.
Chẳng hạn, hồi năm nhất đại học, tôi suýt trượt môn sinh học thần kinh do tư tưởng “cần cù bù thông minh”. Tôi cho rằng chỉ cần mình luôn ngồi ở hàng ghế đầu tại giảng đường, ghi chép chăm chỉ và sau đó dành hàng giờ đồng hồ để đọc lại những ghi chú đó, việc đạt được điểm A là điều chắc chắn.
Tuy nhiên, sau khi thất bại khi làm bài kiểm tra một tiết và bài thi giữa kỳ, tôi nhận ra mình cần phải thay đổi cách học của bản thân. Tôi học một cách có ý thức hơn và bắt đầu đặt nhiều câu hỏi hơn trong lớp.
Xin lỗi thưa giáo sư, nhưng em chưa hiểu những gì thầy vừa giảng. Thầy có thể giải thích lại phần đó kỹ hơn không ạ?
Đồng thời thử áp dụng cả những bài tập thực hành vào việc học thay vì chỉ ngồi đọc đi đọc lại các ghi chú.
Kết thúc có hậu của câu chuyện đó là tôi đã qua môn và tốt nghiệp đại học với tấm bằng về chuyên ngành sinh học thần kinh.
Đối với Jason, làm việc gấp đôi số giờ của người bình thường là cách anh ấy hoàn thành mọi việc. Nhưng rồi anh ấy cưới một người vợ có công việc khá đặc thù và chúng tôi có với nhau hai con nhỏ. Đột nhiên, ở lại văn phòng đến tối muộn trở thành điều bất khả thi.
Vì vậy, Jason bắt buộc phải suy nghĩ về cách làm việc hiệu quả hơn. Anh ấy đồng ý giao cho nhân viên chịu trách nhiệm nhiều đầu việc hơn. Học cách phân loại nhưng việc cần ưu tiên, bỏ qua những việc không mấy quan trọng. Đồng thời thành lập một ban cố vấn để cùng anh ấy thảo luận và đưa ra giải pháp cho những vấn đề khó khăn mà công ty gặp phải.
Kết cục là công việc kinh doanh của anh ấy tiếp tục phát triển lớn mạnh và chúng tôi kết hôn.
Liệu thế hệ của con cái chúng ta có thể học được cách học và làm việc thông minh sớm hơn là Jason và tôi đã làm không?
Nghiên cứu mới của nhà tâm lý học Patricia Chen đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Trong một thí nghiệm, Chen và các cộng sự của cô đã yêu cầu một nhóm học sinh thực hiện một thử thách yêu cầu các con thi đua xem ai tách được nhiều lòng trắng trứng hơn. Trong đó, một nửa số học sinh được cho đọc một bài viết ngắn về cách những người thành công áp dụng tư duy chiến lược. Trước khi làm bất cứ điều gì họ thường dừng lại và suy ngẫm:
Có những phương án nào để thực hiện điều này? Ta có thể làm gì khác biệt không? Có cách nào để thực hiện điều này tốt hơn không?
Kết quả là, so với nửa số học sinh con lại, những học sinh được khuyến khích áp dụng tư duy chiến lược đã thử áp dụng nhiều cách thức và thực hiện thử thách cũng tốt hơn.
Đừng chỉ dạy trẻ làm việc chăm chỉ mà bỏ qua việc dạy trẻ làm việc thông minh.
Hãy làm gương cho trẻ về cách tiếp cận và giải quyết vấn đề với một tư duy chiến lược. Lần tới khi cảm thấy nản — cho dù đó là việc mở một hũ dưa chua, quản lý tài khoản Zoom của bạn hay tìm cách quản lý các đầu việc trong năm học mới — hãy lớn tiếng tự hỏi:
Mình có thể làm điều này bằng cách nào khác nữa nhỉ? Nên đi xin lời khuyên của ai bây giờ? Có còn cách làm nào mà mình chưa nghĩ đến không?
Và nếu như lần thử đầu tiên chúng ta không thành công, hãy cứ tiếp tục hỏi và hỏi.
* Nguồn:Character lab
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments