top of page

Phương pháp khai thác điểm mạnh trong dạy học và nuôi con

Tập trung phát triển điểm mạnh hữu ích hơn là khắc phục điểm yếu.

"Tôi thật sự rất lo cho cậu đấy. Cậu đang tụt lại phía sau rất xa so với người khác cũng như so với đích đến cuối cùng."


Bạn sẽ cảm thấy thế nào, nếu trong ngày đầu tiên tới trường, bạn nhận được lời nhận xét như vậy?


Bạn có thể lựa chọn coi lời nhận xét không mấy tích cực này như động lực để cố gắng, và bạn sẽ nỗ lực để chứng minh rằng người nói câu đó đã sai.


Nhưng ít người có thể suy nghĩ tích cực trong tình huống như vậy. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng đa số mọi người sẽ có ý định từ bỏ, rằng họ sẽ chẳng bao giờ đến được vạch đích kia.


Đó là lý do tại sao rất nhiều nhà giáo dục và tâm lý học áp dụng "phương pháp khai thác điểm mạnh" (asset-based approach)* để dạy học và nuôi dạy con.


Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thực sự hiểu phương pháp này có nghĩa là gì. Sự thật là tôi đã gật đầu lia lịa khi đồng nghiệp trong ngành tâm lý học tích cực nói rằng tập trung phát triển điểm mạnh hữu ích hơn là khắc phục điểm yếu. Đơn giản, vì tôi thích ý tưởng biến những điểm mạnh thành lợi thế của bản thân.



Nhưng thật sự thì tôi hoàn toàn không nắm bắt được vấn đề của việc khắc phục những điểm yếu.


Tôi đã từng nghĩ rằng, những chuyên gia cải thiện kỹ năng bằng cách tập trung vào những việc họ cần làm để trở nên tốt hơn. Và để làm được điều đó, ho phải trải qua thất bại. Chính vì thế, khi ai đó nói với tôi rằng tôi không thể làm được điều gì đó, theo phản xạ, câu trả lời của tôi sẽ là hãy để tôi chứng minh.


Nhưng tôi dần nhận ra điểm khác biệt.


Một bài phân tích với sự tham gia của hơn hai triệu học sinh đến từ 100,000 trường khác nhau đã chỉ ra rằng, phát triển là một chiến lược hiệu quả hơn nhiều so với khắc phục. Dẫn chứng là học sinh tiến bộ hơn rất nhiều trong môn toán khi giáo viên dạy những nội dung đúng cấp và cố gắng hỗ trợ đúng thời điểm để giúp học sinh bắt kịp giáo trình, thay vì khi giáo viên dành nhiều thời gian dạy lại những kiến thức dưới cấp nhằm lấp những lỗ hổng kiến thức.


Nguyên bản của từ "khắc phục" (remediation) trong tiếng La tinh có nghĩa là "chữa lành" (to heal), và "tăng tốc" (acceleration) nghĩa là "thúc đẩy" (to hasten). Sự khác biệt có thể rất mơ hồ, tuy nhiên vẫn có, đặc biệt trong khái niệm về động lực. Nếu bạn cần được chữa lành, bạn phải bị khuất phục trước. Còn nếu bạn xứng đáng để người khác thúc đẩy, bạn cần phải có yếu tố của người chiến thắng.


Vậy nên, đừng hoảng loạn. Nếu một người trẻ tuổi bạn quen gặp vấn đề, điều đó không có nghĩa rằng họ thất bại. Đó chỉ là một cơ hội để họ vấp ngã, học và đứng lên. Và điều này đặc biệt đúng khi áp dụng với năm nay, một năm khủng hoảng do đại dịch.


Hãy bắt đầu bằng việc tìm kiếm và đọc những câu chuyện thành công. Như nhà giáo dục kỳ cựu Ron Berger nhắc nhở rằng, bí quyết để nuôi dạy và thúc đẩy sự phát triển của trẻ chính là nâng cao kỳ vọng và đưa ra sự hỗ trợ khi chúng cần thiết. Hãy nói với con rằng: "Bố mẹ thật sự rất mong chờ và hào hứng về chặng đường của con phía trước. Con sẽ học được rất nhiều thứ mới và con sẽ cảm thấy tự hào về bản thân."


"Phương pháp khai thác điểm mạnh"* (asset-based approach hay strengths-based approach): phương pháp tập trung vào việc khai thác điểm mạnh của từng cá nhân. Giáo viên và học sinh được đánh giá dựa trên những gì họ đóng góp cho lớp học thay vì dựa trên điểm yếu cần khắc phục của họ. "Phương pháp này nhằm mở khóa tiềm năng của học sinh, từ đó phát triển điểm mạnh/ lợi thế của mỗi đứa trẻ." (Associate of College & Research Libraries, 2018


* Nguồn: Character lab

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


108 lượt xem

Comments


bottom of page