top of page

Phương pháp mở khoá trí tò mò cho con trẻ



Giống như rất nhiều các bậc phụ huynh khác, tôi và vợ luôn giới hạn thời gian sử dụng Internet đối với các con của mình ( một 12 và một 14 tuổi). Các con thường rất tự giác tuân thủ khung thời gian này, do đó tôi không cố kiểm soát quá chặt chẽ việc chúng sử dụng thời gian đó như thế nào.


Và dĩ nhiên rồi, có một số nội dung các con hứng thú mà tôi chẳng hề thích chút nào. Dạo gần đây, có một nhóm mấy anh chị em người Úc đăng tải các video chúng làm những trò ngớ ngẩn lên trên mạng. Tôi biết đến các video này vào khoảng 1 tháng trước khi nghe thấy những tiếng rít kì cục phát ra từ máy tính.


Này Con có thực sự thích mấy cái video này không? Nó đáng ra phải gây cười nhưng bố thấy con thậm chí còn chẳng nhếch môi nữa.
Vâng, thực ra thì con thấy nó khá là ngớ ngẩn.
Thế tại sao con lại xem nó?

Tôi nhận được một câu trả lời khá dài, nhưng chung quy lại đó là: con bé cảm thấy bị thu hút, tò mò về video mới nhất, mặc cho những nội dung trước đó gây thất vọng ra sao.


Tôi nói với con bé rằng tôi cũng gặp phải vấn đề tương tự. Tôi cuối cùng đã dành thời gian và đọc hết “Top 10 câu chuyện tầm phào” (Top 10 lists and gossip), mặc dù bản thân tôi muốn đọc những nội dung có giá trị hơn. Tại sao ư?


Trẻ em, người lớn và hầu hết các loài động vật nói chung đều có bản năng tò mò một cách tự nhiên. Chúng ta được ấn định sinh ra để khám phá môi trường xung quanh, bởi vì càng hiểu biết chúng ta sẽ càng vững vàng hơn trước khó khăn và thử thách.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, trí tò mò được tắt mở như một nút công tắc. Công tắc ấy bật lên khi ta nhận thấy có một cơ hội dễ dàng để ta học hỏi được nhiều điều. Việc bộ não chúng ta quyết định sẽ bật hay tắt công tắc này chỉ xảy ra trong tích tắc khi ta đối diện với mỗi sự việc. Chính vì vậy, một người có thể rất tò mò với việc này nhưng phớt lờ sự việc khác.


Hơn nữa, sự tò mò không hề bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu học tập dài hạn. Đó là lý do tại sao, mặc dù tôi là một nhà tâm lý học rất yêu nghề, tôi vẫn có khả năng cảm thấy chán nản trong một cuộc nói chuyện về tâm lý học. Nhưng những nội dung “mỳ ăn liền’ trên Internet lại rất dễ dàng thu hút sự chú ý của tôi, bất chấp thực tế rằng chúng có vẻ không đáng để tôi dành ra thời gian của mình.


Do đó, nếu tôi chỉ nhắc lại về cảm giác nuối tiếc của con bé mỗi lần nó xem xong những video ngốc nghếch ấy sẽ không mấy hiệu quả. Việc nhắc lại này chỉ giúp nó hiểu được cái mục tiêu dài hạn là gì, nhưng không hề ảnh hưởng tới việc nó vẫn tò mò về những video kia. Điều con bé cần là những nội dung chất lượng hơn và thu hút không kém những video của gia đình người Úc đó.


Nhưng tôi không thể kì vọng một cô bé 14 tuổi có thể tự mình tìm ra những nội dung này, vì vậy tôi đã giúp con bé. Tôi dành một giờ với con gái để tìm các trang web, YouTubers và các chương trình phát thanh nói về các chủ đề mà con bé hứng thú và đam mê.



ĐỪNG kỳ vọng rằng con cái có thể tự mình kiểm soát và tránh khỏi việc lãng phí thời gian vào Internet.


HÃY nhận ra rằng chúng ta không thể kiểm soát sự tò mò một cách trực tiếp, nhưng cha mẹ có thể đưa ra những gợi ý và nội dung hấp dẫn hơn. Tham gia giúp đỡ con trong quá trình tìm kiếm và chọn lọc đồng thời làm gương cho con bằng cách làm điều tương tự với chính bản thân mình


* Nguồn: Character Lab

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


13 lượt xem
bottom of page