Là một giáo viên, tôi để ý một yếu tố dường như luôn níu chân học sinh của mình: nỗi sợ thất bại. Khi những cô cậu học trò của mình sợ thất bại, các con thường phản ứng với các vấn đề khó theo một trong hai cách:
Con bỏ cuộc trước cả khi con bắt đầu, con muốn tránh khả năng.
Con cảm thấy khó chịu và thất vọng khi không thành công ngay lần đầu tiên, dẫn đến lo âu và thể hiện ở mức hạn chế.
Tôi cũng bắt đầu nhận thấy rằng cô con gái hai tuổi nhà mình cũng cảm thấy chán chường khi có điều gì đó khó khăn đối với con, cô bé vừa buồn vừa nói: “Con không giỏi làm việc này.”
Đối với học trò, với con cái mình và với rất nhiều những đứa trẻ khác, nỗi sợ thất bại có thể làm con khuất phục. Nhưng hẳn phải có một cách để thay đổi điều này, nhỉ?
Với quyết tâm tìm ra câu trả lời, tôi tìm tòi nghiên cứu những phương pháp đã được kiểm chứng để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ thất bại. Tôi đang thử sáu phương pháp dựa trên nghiên cứu này với cả học sinh và cô con gái nhỏ, và tôi mong chính các cha mẹ cũng thử áp dụng với con cái của mình.
1. Cha mẹ thay đổi thái độ của chính mình về việc thất bại
Trẻ em học hỏi từ tấm gương của cha mẹ, vì vậy ta phải lưu ý đến những phản ứng của mình đối với những sai lầm và thất bại.
Các nhà nghiên cứu Carol Dweck và Kyla Haimovitz của Đại học Stanford đã phát hiện ra rằng trẻ em học được thái độ của chúng về thất bại từ chính phụ huynh của mình. Bằng cách quan sát người lớn, con sẽ hình thành một trong hai lối suy nghĩ: thất bại là “tiến bộ” hoặc thất bại là “đi lùi”.
Khi cha mẹ mắc phải lỗi lầm nào đó, hãy cố gắng đáp lại bằng sự tích cực hoặc hài hước. Nói chuyện với con về những gì ta đã học được từ những sai lầm của mình (dù là trong quá khứ hay hiện tại), đồng thời sẵn sàng đứng dậy và thử lại lần nữa.
Khi con gặp khó khăn, cha mẹ hãy cố không tỏ ra lo lắng hoặc đứng ngồi không yên. Con sẽ nhận ra được những cảm xúc này của phụ huynh. Thay vào đó, hãy cố gắng hết sức để thể hiện một thái độ lạc quan.
Cha mẹ cũng nên nỗ lực làm hơn thế nữa, thực sự khuyến khích và tán dương cả những sai lầm của con.
Người sáng lập Spanx, Sara Blakely, nói rằng cha cô thường khuyến khích Sara và anh trai cô chia sẻ những thất bại của hai người mỗi ngày quanh bàn ăn. Cha cô đã sử dụng điều này như một cơ hội để cùng vui vì nỗ lực của con cái: Nếu con không thất bại, thì ngày hôm đó con đã không thử vượt qua bất cứ điều khó khăn nào.
Khi cuộc sống không đi theo ý mình muốn hoặc con cảm thấy xấu hổ về một sai lầm nào đó, cha của Sara đã khuyên cô nên viết ra "những món quà bí mật" hoặc bài học mà cô bé đã thu được từ trải nghiệm và kinh nghiệm ấy.
Tương tự, Kelly Holmes, tác giả của cuốn Con hạnh phúc, cả nhà vui (Happy You, Happy Family), đã chia sẻ một cách tiếp cận độc đáo để giúp con gái mình học đánh vần. Khi con đánh vần sai một từ, Holmes mỉm cười, đập tay với con và nói, "Đập tay (high-five) nào, con đang học được rồi đó!" Cách tiếp cận này đã tác động tích cực đến cả thái độ của cô bé về chính tả và cả điểm đánh vần của con.
2. Đề cao Nỗ lực, không phải Khả năng
Nói một cách rõ hơn, điều quan trọng là cha mẹ cần phải đặt nỗ lực của con cao hơn là khả năng.
Đừng thương hại hoặc an ủi trẻ vì "con không có đủ khả năng". Hãy cho con thấy rằng những gì con thể hiện không chỉ nằm ở khả năng. Mà trong đó còn có cả nỗ lực, thực hành, chiến lược học tập, niềm quyết tâm, v.v.
Điều này không có nghĩa là cha mẹ chỉ nên nói với con rằng “Con cố nữa đi” khi tụi nhỏ gặp khó khăn (đặc biệt khi con đã thực sự nỗ lực). Nhưng phụ huynh có thể trao đổi với con về các chiến lược cụ thể mà có thể giúp con thành công lần sau, thay vì nói điều gì đó theo định hướng về khả năng của cá nhân như “Cũng không sao vì toán học không phải là môn con học tốt nhất mà”.
Điều này cũng đúng khi cha mẹ khen ngợi con cái.
Trong nhiều nghiên cứu khác nhau, Carol Dweck và các đồng nghiệp của cô đã nghiên cứu hàng trăm trẻ em lớp 5, khen ngợi một nhóm về khả năng của chúng và nhóm kia vì nỗ lực của chúng.
Cả hai nhóm đều đứng trước cùng một thử thách là một bài kiểm tra mức độ khó dành cho học sinh lớp 8. Nhóm được khen ngợi về sự nỗ lực của mình đã cố gắng hết sức, mặc dù chính các con vẫn mắc rất nhiều lỗi. Nhóm được khen ngợi về trí thông minh lại trở nên nản lòng khi mắc lỗi, coi những lỗi này là hậu quả của việc con thiếu năng lực và là dấu hiệu của sự thất bại.
Nhìn chung, bài kiểm tra trí thông minh đối với nhóm “nỗ lực” tăng 30%, trong khi nhóm “khả năng” lại giảm 20%, tất cả là do thái độ khác nhau của các con về sai lầm và thất bại.
Vì vậy, cho dù cha mẹ đang nhắc tới chuyện thành công hay thất bại, hãy nhấn mạnh nỗ lực (và quá trình) hơn là khả năng (và kết quả) của những gì con làm. Trẻ sẽ học cách nhìn thất bại trong một phương diện mới.
3. Thể hiện tình yêu thương vô điều kiện
Theo giáo sư Matt Covington của UC Berkeley, nỗi sợ thất bại có liên quan trực tiếp đến giá trị bản thân, hoặc niềm tin rằng mình là người có giá trị.
Trẻ em thường gắn giá trị bản thân với những gì cha mẹ nghĩ về mình. Con có thể cảm thấy cha mẹ sẽ không yêu thương hoặc không đánh giá cao mình nếu con không duy trì được điểm số cao, thành tích thể thao hoặc nghệ thuật xuất sắc, cư xử chuẩn mực, v.v.
Đương nhiên, niềm tin này sẽ dẫn đến nỗi sợ thất bại.
Phụ huynh có thể nâng cao cảm giác của con về giá trị bản thân bằng cách nói rõ rằng ta yêu thương con vô điều kiện, ngay cả khi con có mắc lỗi hoặc đưa ra những nhận xét đánh giá còn hạn chế.
Tạm dịch: Tình yêu không có NẾU hay VÌ. Tình yêu là cho dù thế nào, kể cả, và mặc dù.
Có thể cha mẹ không kỳ vọng con mình trở thành một người hoàn hảo, nhưng hãy đảm bảo rằng trẻ cũng biết điều này. Ví dụ: tránh việc đưa thông điệp sai lệch bằng cách càu nhàu về bài tập về nhà của con, cố sửa tất cả các câu trả lời sai của con, cho con biết chính xác những gì cần viết hay cách để hoàn thành bài tập.
Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy rằng quá trình học tập ít của con không quan trọng đối với cha mẹ bằng thành tích và điểm số. Rồi tụi nhỏ có thể lo lắng rằng bố mẹ sẽ thất vọng nếu con không đạt được kỳ vọng cao của phụ huynh.
Hãy cố gắng xoa dịu nỗi lo lắng này cho con. Giải thích với lũ trẻ rằng ta sẽ luôn yêu con và ta cảm thấy tự hào về nỗ lực, sự bền bỉ và không ngừng tiến bộ của con. Cha mẹ cũng có thể bày tỏ niềm tự hào về cách con phản ứng với những sai lầm và thất bại.
4. Thực hành bài tập “Tình huống xấu nhất”
Doanh nhân, tác giả và diễn giả Tim Ferriss đã áp dụng bài tập "Tình huống tồi tệ nhất" bằng cách sử dụng 3 cột khi triển khai ý của mình. Trong cột đầu tiên, ông liệt kê các tình huống xấu nhất. Cột thứ hai là một loạt các cách để giảm thiểu khả năng xảy ra những tình huống này. Trong cột thứ ba, ông viết về cách chính mình sẽ vượt qua sau mỗi tình huống này.
Ferriss nói, "Hoàn thành xong bài tập đó, bạn sẽ nhận ra rằng, "Ồ, tôi đã vô cùng lo lắng và bực bội về một thứ mà chính mình hoàn toàn có thể ngăn ngừa, có thể đảo ngược hoặc chính bản thân nó cũng chẳng phải là một vấn đề gì quá lớn. "
Tương tự, nếu con sợ thử những điều mới hoặc thử thách, bài tập “Tình huống xấu nhất” có thể hữu ích. Hãy bắt đầu bằng cách lấy một mảnh giấy để ta có thể cùng con lên ý tưởng.
Hỏi con những câu như:
Nếu tất cả đều không thành công, điều TỆ NHẤT có thể xảy ra là gì?
Khả năng mà nó có thể xảy ra như thế nào?
Điều gì DỄ có khả năng diễn ra HƠN?
Con có thể làm gì để ngăn chặn trường hợp xấu nhất này không?
Bạn sẽ làm gì nếu tình huống xấu nhất xảy đến?
Mục đích của việc này là để giúp con hiểu rằng phần lớn nỗi sợ thất bại của trẻ là không có cơ sở. Tụi nhỏ cũng sẽ nhận ra rằng mình có thể làm những điều để ngăn chặn những kết quả tiêu cực kia, điều này sẽ mang lại cho trẻ cảm giác mình có quyền lực và khả năng kiểm soát đối với những việc cụ thể.
5. Giúp con tập trung vào giải pháp
Cha mẹ có thể tưởng tượng khi nhìn thấy bài tập về nhà của con mình nằm quên chưa được hoàn thành trên bàn, và rồi cũng để kệ chúng ở đó không? Đó chính xác là những gì Jessica Lahey đã làm. Cô là tác giả của cuốn sách “Món quà của sự thất bại: Cách Cha Mẹ giỏi nhất học cách buông bỏ để con có thể thành công”.
Khi Lahey để bài tập về nhà của con trên bàn, cô ấy đã làm như vậy ngay cả khi biết rằng mình có thể sẽ phải đến trường của con trai để gặp giáo viên vào cuối ngày hôm đó. Sau cùng thì con trai của cô đã lên danh sách những thứ cần thiết mà con phải mang đi học mỗi sáng. Chiếc danh sách nhỏ ấy vẫn còn trên tủ lạnh tới ngày hôm nay.
Chúng ta không nhất thiết phải “cực đoan” tới mức này, nhưng chúng ta cần ĐỂ cho con cái học cách thất bại. Thay vì che chở con khỏi rắc rối, hãy giúp trẻ tập trung vào giải pháp.
Nói chuyện với con về những hành động con đã làm, kết quả của những hành động ấy và cách tránh những hậu quả này trong tương lai.
Đặt những câu hỏi như:
Chuyện rắc rối nào đã xảy ra?
Làm sao để con có thể sửa chữa hoặc ngăn chặn điều này tái diễn?
Jessica Lahey cho biết phần yêu thích của cô khi nói chuyện với lũ trẻ về những thất bại của chúng là “giúp con nghĩ ra chiến lược”. Đó cũng là lời khuyên tốt nhất của cô dành cho những bậc phụ huynh muốn giúp con mình chống lại nỗi sợ thất bại.
Hãy để con suy nghĩ về các giải pháp, nhưng cha mẹ cũng có thể đưa ra các đề xuất, chẳng hạn như, “Con có nghĩ là con hỏi thầy cô về những gì con chưa biết sau giờ học sẽ hữu ích với con không? Điều gì sẽ xảy ra nếu con bắt đầu làm bài tập sớm hơn một chút nhỉ? ”
Bằng cách sử dụng phương pháp này, cha mẹ đang dạy con không phản ứng với thất bại bằng nỗi thất vọng, chán chường hoặc bỏ cuộc. Trẻ sẽ hiểu được rằng thất bại chỉ đơn giản là quay lại bàn học rồi vạch ra các phương pháp và chiến lược mới, tốt hơn.
6. Trò chuyện cùng con về thành công và thất bại
Trong một nghiên cứu tại Pháp, người ta đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ được dăn dạy là việc học có thể khó khăn và thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học tập, thì thực sự có kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra so với những đứa trẻ không được trấn an tinh thần như vậy.
Tùy thuộc vào độ tuổi của con, những ông bố bà mẹ có thể có những thảo luận mở về thành công và có thể sẽ khó khăn để đạt được những thành công đó.
Nếu phụ huynh không rõ làm thế nào để mở lời, hãy cân nhắc sử dụng một số gợi ý sau:
Nói với con về thành công bằng cách sử dụng “nguyên lý tảng băng trôi”. Khi con nhìn thấy những người thành công, con mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm. Con chưa nhìn thấy điều gì “dưới biển kia” hoặc những gì họ cần để đạt được thành công đó: thất bại, bị từ chối, tính gan góc, nỗ lực, kỷ luật, kiên trì, v.v.
Giải thích với con rằng thất bại còn có thể có lợi vì nó dẫn con đến thành công (khi chúng ta học hỏi từ thất bại và cố gắng lại). Giải thích rằng khi con thất bại, con học về những gì hiệu quả và những gì không, rồi sau đó con sẽ cần cải thiện, học cách tiếp tục thay vì bỏ cuộc, v.v.
Giải thích rằng nỗi sợ thất bại chỉ đơn giản là khiến con không cố gắng và sẽ ngăn con đạt được ước mơ và đạt tới tiềm năng tối đa của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu Michael Jordan từ bỏ bóng rổ khi anh ấy không nằm trong đội bóng đại diện ở trường trung học, thay vì lấy thất bại đó làm động lực để cố gắng chăm chỉ hơn trong thực tế?
Bằng cách trò chuyện cởi mở, cha mẹ có thể giúp con mình thừa nhận và giải quyết nỗi sợ thất bại.
Tóm tắt lại
Nỗi sợ thất bại có thể có tác động tiêu cực đến sự tự tin của trẻ và những gì trẻ thể hiện, nhưng những vấp ngã đó không phải là vĩnh viễn. Để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi thất bại, cha mẹ hãy thử thực hiện sáu chiến lược sau:
Thay đổi thái độ của chính mình về thất bại bằng cách chấp nhận và thậm chí vui mừng trước những sai lầm.
Nhấn mạnh nỗ lực thay vì khả năng trong phản ứng của chính phụ huynh đối với cả thành công và thất bại.
Chứng tỏ rằng chúng ta yêu con vô điều kiện.
Hãy cùng con thử làm bài tập "tình huống xấu nhất" để giải quyết những lo lắng của con.
Cho phép trẻ thất bại và giúp con tập trung vào giải pháp.
Có những cuộc trò chuyện cởi mở về thành công và thất bại.
Khi con cái chúng ta học được cách chấp nhận sai lầm, trẻ sẽ nhận ra rằng từ bỏ không phải là câu trả lời và con sẽ tìm thấy sự tự tin và can đảm để nhiệt tình đối mặt với những thách thức mới.
* Nguồn: Big Life Journal
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments