top of page

Quay trở lại năm học mới - Thử ngay 9 cách tạo động lực cho con

Đâu là phương pháp hữu hiệu nhất để tạo động lực cho con? Ngay từ những năm tháng đầu đời, mỗi đứa trẻ đã mang trong mình động lực nội tại để tìm hiểu về thế giới xung quanh. Động lực này có thể được khai phóng hoặc kìm nén bởi những trải nghiệm mà người lớn mang lại cho các con. Vậy, cha mẹ có thể làm gì để thúc đẩy động lực và năng lực học tập trong quá trình phát triển của con?

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

  1. Để con dẫn dắt

Theo lẽ tự nhiên nhất, trẻ nhỏ sẽ thường bị thu hút bởi những thứ mới lạ. Các con sẽ không tập trung ánh nhìn vào những vật thể quá quen thuộc, hay thậm chí là những điều mới mẻ nhưng lại quá phức tạp. Đây còn được biết tới với tên gọi “Hiệu ứng Goldilocks:” những vật mới mẻ thường sẽ thú vị, nhưng chúng không nên là những thứ mới mẻ quá. Khi tương tác với con, cha mẹ hãy chú ý và điều hướng tương tác của con với những thứ có thể kích thích sự hứng thú của con.


  1. Khơi dậy tính tò mò

Trẻ nhỏ rất ưa khám phá - đặc biệt là những điều tạo ra cảm giác sự ngạc nhiên. Khi trẻ đánh rơi một vật trên sàn nhà hay ném một thứ gì đó, điều đó nghĩa là con đang tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hãy tạo ra những cơ hội để con tiếp xúc với những thứ mới lạ; đồng thời, hãy để con là người dẫn đường và làm chủ quá trình học tập của mình!


  1. Khuyến khích con khám phá và vui chơi

Học mà chơi, chơi mà học. Đây là hai quá trình đi đôi và hỗ trợ lẫn nhau. Trong lúc vui chơi, con có thể học rất nhiều kỹ năng bổ trợ trong quá trình học tập như: được tham gia vào những trải nghiệm mới hay học hỏi từ người khác. Quá trình vui chơi cũng giúp gia tăng sự kết nối với người khác cũng như làm giảm căng thẳng. Đây là một khía cạnh quan trọng của việc phát triển, vì vậy cha mẹ hãy khuyến khích điều này ở con.


  1. Ưu tiên tương tác xã hội 

Trong thời đại số, có rất nhiều ứng dụng công nghệ được thiết kế để phục vụ các con, kể cả dành cho độ tuổi nhỏ như 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, ngay cả những ứng dụng hiệu quả nhất cũng không thể nào thay thế được những tương tác thực giữa người với người. Nghiên cứu gần đây đã cho thấy, trẻ nhỏ có thể học từ những công cụ số, nhưng những tương tác trong giai đoạn này đóng vai trò cực kỳ quan trọng.


  1. Thử thách một cách vừa đủ

Động lực của con sẽ được củng cố khi làm việc với những mục tiêu trong tầm với, tức là nhiệm vụ của con không được quá dễ dàng nhưng cũng không nên quá khó khăn. Từ độ tuổi sơ sinh, con cần sự nỗ lực để duy trì động lực, nhưng với điều kiện nhiệm vụ có tính thử thách vừa đủ để con có cơ hội thành công. Các trò chơi điện tử đã áp dụng nguyên tắc này một cách hiệu quả khi thiết kế độ khó của nhiệm vụ tăng dần sau mỗi lượt chơi. 


  1. Cho con quyền quyết định

Con cảm thấy có động lực hơn khi có thể thực hành khả năng đưa ra quyết định và lựa chọn làm những việc bản thân cảm thấy có ý nghĩa. Khi con có quyền lựa chọn về những thứ con muốn làm, hay đơn giản hơn là có tiếng nói trong cách thực hiện một công việc bất kỳ, độ tập trung và hứng thú của con sẽ cao hơn.


  1. Chỉ cung cấp phần thưởng khi cần thiết

Nếu như con nhận được phần thưởng sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, dần dần con sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ đó khi con biết mình sẽ nhận lại được điều gì đó, kể cả đối với những công việc con đã có hứng thú và động lực sẵn để làm. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, cha mẹ và thầy cô hãy khơi gợi sự tò mò của con thay vì chỉ tập trung vào việc cung cấp động lực bên ngoài.


  1. Cổ vũ quá trình thay vì kết quả

Khi chúng ta khen các con vì năng lực, trí thông minh, điểm số, hay những kết quả mà con đạt được - điều này sẽ dẫn tới việc con tập trung vào thành tích. Lúc này, con sẽ được thúc đẩy trong việc đạt nhiều phần thưởng hơn, nhưng đồng thời con cũng sẽ do dự hơn khi đối diện với những nhiệm vụ thử thách hơn hoặc những nhiệm vụ mà con cảm thấy không đủ xuất sắc để hoàn thành. Lí do là bởi các con đang thấy ái ngại trước những đánh giá tiêu cực. Khi chúng ta khen ngợi những nỗ lực của con cũng như cho con thấy rằng thất bại là một cơ hội để học hỏi và phát triển, con sẽ có nhiều động lực và niềm tin vào bản thân hơn.


  1. Duy trì mối quan hệ gần gũi với con ở tuổi vị thành niên

Độ tuổi vị thành niên là giai đoạn các con bước khỏi vùng an toàn và mở rộng giới hạn của bản thân. Điều này phản ánh nhu cầu của độ tuổi này trong việc tìm tòi và khám phá những trải nghiệm mới để tối ưu những cơ hội học tập. Đồng thời, đây cũng là một bước đệm để con dần hình thành sự tự lập cho mình. Đây là giai đoạn con dần có ý thức hơn về vị trí xã hội của mình. Khi con dần mở rộng các mối quan hệ xã hội, con có thể bị ảnh hưởng từ bạn bè và hành động nhằm mục đích đạt được sự chấp thuận của họ. Tuy vậy, nếu giữ được mối quan hệ gần gũi với cha mẹ cũng như trao đổi với cha mẹ thường xuyên sẽ làm giảm khả năng con tham gia vào các hoạt động với rủi ro không lường trước hay có những vấn đề về hành vi. Cha mẹ hãy đồng cảm và quan tâm tới con hơn, bởi đây là giai đoạn con trải qua nhiều thay đổi và biến động về thể chất lẫn tinh thần. Hãy luôn thật sẵn sàng để lắng nghe và giao tiếp với con.



*Nguồn: Harvard University - Center on the Developing Child

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Hozzászólások


bottom of page