top of page

Trẻ con nhiễm văn hóa "nguy hiểm" khi bố mẹ cứ... "lạc trôi"

Dạo gần đây lại “ôm thêm” vài hệ thống trường học, tức là thêm hơn chục cuộc họp lớn bé mỗi tháng, càng quan sát cách không ít bố mẹ đang “dạy dỗ” và “đồng hành” cùng lũ trẻ, và cảm thấy “có tí khó ở” với những lời nói, hành động, cách nghĩ của người lớn. Nói nhiều thì lại mắc công có người bảo là mình chưa có con, nên đừng “lên mặt dạy đời”. Thế nên, mình chỉ xin trích dẫn lại một số đoạn tâm đắc trong cuốn sách SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGHỀ LÀM CHA MẸ. Đây là thực trạng của nước Mỹ trong vài thập kỷ qua, nhưng có lẽ đã không còn xa lạ với chính ở nhà. Đọc để ngẫm, thấm và vỡ ra, và ai làm được điều gì cho lũ trẻ thì làm vậy.


- - - - -

CHA MẸ LẠC TRÔI



Có một điều kì lạ. Phụ huynh chúng ta ngày càng chi nhiều tiền vào việc nuôi dạy con, nhưng khi chúng ta nhìn vào kết quả, thì mọi việc lại trở nên tệ hơn. Xác xuất trẻ em Mỹ hiện nay bị chẩn đoán mắc hội chứng Tăng động giảm trí nhớ (ADHD) hoặc các chứng rối loạn tâm thần khác đã cao hơn nhiều so với 25 năm trước. Trẻ nặng cân hơn và không khỏe mạnh bằng 25 năm trước. Trẻ con Mỹ ngày nay kém kiên cường và yếu ớt hơn xưa.


Vậy chuyện gì đang xảy ra?


Trong ba thập kỷ qua đã có một sự chuyển giao mạnh mẽ quyền lực từ phụ huynh sang con cái. Trong nhiều gia đình, những gì trẻ nghĩ, trẻ thích và trẻ muốn cũng “nặng ký” ngang bằng, hoặc hơn, những gì phụ huynh nghĩ, thích và muốn. “Để con cái tự quyết định” đã trở thành phương châm của việc làm cha mẹ tốt.


Thật đáng tiếc, những thay đổi với dụng ý tốt đẹp này thực sự đã làm hại con trẻ vì bố mẹ cứ... lạc trôi, không hiểu rằng họ cần làm gì cho lũ trẻ ngoài chuyện ăn uống, ngủ nghỉ và học hành.

- - - - -


TUỔI THƠ ĐỂ LÀM GÌ?


Các nhà khoa học nhìn chung đều đồng tình rằng mục tiêu của tuổi thơ và tuổi dậy thì kéo dài của loài người là để tiếp nhận văn hóa: quá trình thu gom các kỹ năng, kiến thức và thành thục tất cả các phong tục tập quán, hành vi văn hóa ở nơi con người sinh sống. Học một văn hóa mới không chỉ là học thêm một nghề mới, hoặc một ngôn ngữ hay một món ăn. Đó là học cái cách mà con người sống cùng nhau trong văn hóa đó. Ba thập kỷ trước, một mục sư tên là Robert Fulghum đã viết một cuốn sách ngắn tựa đề Tất cả những gì tôi thật sự cần biết, tôi đã học từ mẫu giáo. Dưới đây là một đoạn trích:

  • Chia sẻ mọi thứ

  • Chơi fairplay

  • Không đánh người khác

  • Cất đồ lại nơi đã lấy ra

  • Tự dọn dẹp đồ mình bày ra

  • Không lấy những gì không thuộc về mình

  • Nói xin lỗi khi làm đau người khác

  • Rửa tay trước khi ăn

  • Giật nước dội bồn cầu

  • Sống cân bằng: học một chút và suy nghĩ một chút, vẽ vời, nhảy múa, ca hát, chơi và làm việc mỗi ngày một chút

  • Khi ra ngoài, dòm chừng xe cộ, nắm tay và ở cạnh nhau



30 năm trước, mẫu giáo và lớp một trong các trường học ở Mỹ toàn là về “xã giao”: dạy Quy tắc Fulghum và hơn thế nữa. Bắt đầu từ giữa những năm 1980, rất nhiều trường và các quận ở Mỹ quyết định rằng ưu tiên hàng đầu của những năm đầu tiểu học là dạy chữ và số, thay vì kỹ năng xã hội.

Thời đó ở Mỹ có một sự lo lắng không hề nhẹ, vì học sinh Nhật Bản đã vượt xa học sinh Mỹ ở một số thước đo về học thuật. Thời đó, dường như có một mặc định ngầm là trẻ con sẽ học những quy tắc cơ bản về ứng xử - phần quan trọng nhất của quá trình tiếp nhận văn hóa – bằng một cách nào khác: hoặc ở nhà hoặc từ xã hội rộng hơn.


Thời đó và ngay cả bây giờ, nhiều lãnh đạo trường rất tự hào về bản thân vì đã đưa chương trình “khó” vào giáo dục tiểu học. Quản lý địa phương đã nhận được sự tán dương cấp quốc gia vì đã làm chương trình mẫu giáo học thuật hơn, cắt giảm những thứ “phù phiếm”, như là các chuyến dã ngoại, hát vòng tròn và yêu cầu giáo viên mầm non dành nhiều thời gian hơn cho việc dạy đánh vần.


Sự thay đổi trong chương trình giáo dục tiểu học dẫn đến hậu quả là sự lơ là trong việc dạy kỹ năng xã hội. Nhưng chính lúc con trẻ cần cha mẹ hơn bao giờ hết để dạy chúng tất cả những gì cần để trở thành một người tốt, thì uy quyền của cha mẹ để làm việc đó lại bị coi nhẹ. Chúng ta đang sống trong một cái văn hóa mà trẻ coi trọng ý kiến của bạn bè cùng lứa hơn là của cha mẹ, còn quyền uy của cha mẹ lại tụt dốc trong mắt của con cái và cả trong mắt của chính cha mẹ.

- - - - -


“CĂN BỆNH” HOANG MANG VAI TRÒ



Hơn 50 năm trước, nhà xã hội học của Đại học Johns Hopkin, James Coleman, hỏi các thiếu niên Mỹ câu hỏi: “Giả sử con đã luôn muốn tham gia một câu lạc bộ nào đó ở trường, và cuối cùng con được mời tham gia. Nhưng con lại phát hiện ra cha mẹ mình không đồng ý. Con vẫn sẽ tham gia?” Đa số thiếu niên Mỹ dều trả lời Không. Với hầu hết trẻ em thời đó, ý kiến của cha mẹ cao hơn nhiều so với cách nhìn của bạn bè đồng trang lứa.


Ngày nay đã khác xưa. Khi được hỏi, “Nếu tất cả bạn bè con tham gia một trang mạng xã hội nào đó, và tất cả họ đều muốn con tham gia, nhưng bố hoặc mẹ con không đồng ý, con sẽ vẫn tham gia trang đó chứ?”, câu trả lời phổ biến nhất của lũ trẻ không phải là Có hay Không, mà là tiếng cười.

Trong văn hóa bây giờ, bạn bè cùng trang lứa quan trọng hơn cha mẹ. Bởi vì cha mẹ đang bị “hoang mang về vai trò”. Họ không chắc chắn về quyền uy mình nên có và cách thực thi nó. Kết quả là cha mẹ ở Mỹ rất khó dạy con Quy tắc Fulghum.


Đứa trẻ càng lớn thì điều này càng đúng. Trong một nghiên cứu, thái độ của thiếu niên Mỹ đối với cha mẹ được miêu tả là “vô ơn pha thêm coi thường”. Lẽ ra, trong hầu hết các xã hội, trách nhiệm chính trong việc dạy văn hóa cho trẻ không phải chỉ của riêng cha mẹ. Toàn bộ xã hội đều tham gia: trường lớp, thầy cô và cộng đồng cần phải cùng nhau dạy trẻ những nguyên tắc cơ bản, nền tảng của văn hóa. Thế nhưng, nhiều trường học đã rút khỏi việc dạy dỗ về quy tắc đúng sai để tập trung vào học thuật. Kết quả là cha mẹ ngày nay chịu gánh nặng lớn hơn các thế hệ trước và có ít nguồn hỗ trợ để thực thi nhiệm vụ.

- - - - -


QUYỀN UY THẬT SỰ LÀ GÌ?


Rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn “quyền uy cha mẹ” với “kỷ luật của cha mẹ”. Họ nghĩ rằng quyền uy cha mẹ tất tần tật chỉ là thực thi kỷ luật. Thực tế, quyền uy cha mẹ chủ yếu là một thang giá trị. Quyền uy cha mẹ mạnh có nghĩa là cha mẹ quan trọng hơn bạn bè cùng trang lứa. Trong văn hóa Mỹ ngày nay, bạn bè “nặng ký” hơn cha mẹ.


Trẻ em Mỹ giờ đây có văn hóa riêng của chúng: văn hóa bất kính mà chúng học từ chính bạn bè và dạy lại cho bạn bè khác. Dưới đây là một vài khẩu hiệu in trên áo phông “cool ngầu” mà giới trẻ Mỹ ngày càng ưa chuộng:

  • Trông tôi có thèm quan tâm không?

  • Bạn chỉ có thế thôi sao?

  • Trông bạn như đang cần thêm một ly (rượu) nữa

  • Bạn trên facebook nhìn đẹp hơn

  • Tôi đ*ch quan tâm đấy. Thì đã sao?

Những khẩu hiệu trên áo này thể hiện sự coi thường dành cho nhau. Ngay cả kênh Disney cũng tích cực thúc đẩy văn hóa bất kính và hạ thấp tầm quan trọng của phụ huynh. Phim được yêu thích nhất trên kênh Disney, ví dụ như Jessie, một sitcom mà cha mẹ hầu như không xuất hiện trong phim (và không liên quan), trong khi ba đứa trẻ còn giỏi hơn cả người quản gia vụng về và vú em ngốc nghếch.

Làm cha mẹ trong một xã hội không coi trọng vai trò phụ huynh thật khó. Hai thế hệ trước, phụ huynh và giáo viên Mỹ giảng dạy phải trái bằng những định nghĩa chắc chắn.


Đối xử với người khác như cách bạn muốn người ta đối xử lại với con. Yêu thương hàng xóm như bản thân con. – đây đã từng là mệnh lệnh, không phải gợi ý.

Ngày nay, hầu hết cha mẹ và giáo viên ở Mỹ không còn hành động với quyền uy như vậy nữa. Họ không ra lệnh. Thay vào đó, họ hỏi,


Con cảm thấy thế nào nếu ai đó làm như vậy với con?

Mệnh lệnh đã được thay thế bởi một câu hỏi. Cha mẹ và giáo viên Mỹ phải vật vã tìm cách đối đáp khi học sinh trả lời,


Nếu ai đó làm như vậy với con, con sẽ đá đít nó.

Ngay cả khi học sinh đưa ra câu trả lời “kiểu mẫu” mà chúng biết người lớn sẽ muốn nghe, chúng cũng chỉ đang lặp lại mẫu câu. Chúng không nhập tâm gì cả. Sự giao tiếp thật sự giữa các thế hệ – điều quan trọng nhất trong quá trình tiếp biến văn hóa – đã biến mất.

- - - - -

TÁI THIẾT LẬP QUYỀN UY



Khẳng định quyền uy của cha mẹ nghĩa là gì? Đó không có nghĩa là phải giữ kỷ luật cứng rắn. Trong rất nhiều ý nghĩa, một ý nghĩa là quan hệ cha mẹ – con cái được ưu tiên hơn quan hệ giữa đứa trẻ và bạn bè cùng lứa. Không chỉ đối với trẻ nhỏ mà cả với thiếu niên. Hãy nhớ là mục tiêu của việc tuổi thơ kéo dài ở loài người chúng ta, trên hết là để cho đứa trẻ được học văn hóa từ người lớn. Khi cha mẹ đánh rơi uy quyền – tức là khi bạn bè cùng lứa quan trọng hơn cha mẹ – thì đó là lúc tụi nhỏ không còn hứng thú trong việc tiếp nhận văn hóa từ bố mẹ. Chúng chỉ muốn học văn hóa trẻ con, văn hóa tuổi teen.


Khi cha mẹ quan trọng hơn bạn bè, họ có thể dạy trẻ đúng sai một cách có ý nghĩa. Họ có thể đặt ưu tiên cho những kết nối trong gia đình lên trên gắn kết với bạn bè cùng tuổi. Họ có thể nuôi dưỡng quan hệ tốt đẹp hơn giữa con họ và những người lớn khác. Họ có thể giúp con mình phát triển nhận thức về bản thân một cách chắc chắn và chân thật hơn, không dựa trên số lượt “likes” cho bức ảnh đứa trẻ đăng trên Instagram hay Facebook, mà dựa trên bản chất thật nhất của nó. Họ có thể giáo dục đam mê, khơi gợi khát khao cho những điều cao đẹp hơn, trong âm nhạc, trong nghệ thuật và trong chính tính cách của một đứa trẻ.


Nhiệm vụ đầu tiên của phụ huynh là dạy con văn hóa. Và việc dạy dỗ đòi hỏi phải có thẩm quyền. Thế nhưng, nhiều lúc bố mẹ lại cứ “ngây thơ” tin rằng họ đang giúp con mình bằng cách lùi lại và để con tự quyết định. Nhưng đó mới chính là vấn đề. Bạn yêu con bạn. Muốn làm người bạn yêu hài lòng là điều rất tự nhiên. Nếu con gái không muốn tham gia chuyến đi trượt tuyết cùng vợ chồng bạn, sẽ nghe có vẻ nghiêm khắc khi nói, “Tuy nhiên, bất chấp phản đối của con, con sẽ đi cùng bố mẹ”. Nhưng đó là điều bạn phải nói.


Vì sao?

Vì cùng vui chơi với nhau là nền tảng cho việc làm cha mẹ quyền uy trong thế giới hiện đại.

Vì nếu hầu hết thời gian vui vẻ đều là thời gian trẻ chơi với bạn, thì dĩ nhiên trẻ sẽ không muốn dành thời gian nhiều với người lớn.

Vì con cái bạn sẽ không coi trọng thời gian với bạn hơn so với thời gian với bạn bè cùng tuổi nếu chúng hiếm khi cùng bạn làm gì vui vẻ.


Đó là một ý nghĩa của việc thực thi thẩm quyền cha mẹ. Cha mẹ ngày nay rất thường hay để mong muốn làm con hài lòng của mình chi phối nhiệm vụ nuôi dạy con. Nếu quan hệ với con cái bị chi phối bởi mong muốn làm con yêu mình, nhiều khả năng là ngay cả mục tiêu làm con yêu mình, bạn cũng chưa chắc đạt được.


Con cần kính trọng cha mẹ, được cha mẹ chỉ bảo, thậm chí nhận mệnh lệnh từ cha mẹ. Nếu thay vì thế, cha mẹ lại phục vụ con, thì mối quan hệ đó sẽ lệch ra khỏi sự cân bằng tự nhiên. Bạn có thể không nhận được chút tình yêu nào từ con – và bạn càng cố gắng thì càng thất bại thảm hại. Nhưng nếu bạn không chỉ chăm chăm quan tâm đến việc giành được tình yêu của con cái mà tập trung vào nhiệm vụ làm cha mẹ – dạy con phải trái và nói cho con biết cách trở thành một người có trách nhiệm, trong những chừng mực của xã hội – thì có thể bạn sẽ thấy con bạn yêu và kính trọng bạn, cả khi bạn không chủ đích tìm kiếm điều đó.

- - - - -


Bọn trẻ đang trong thế giới của chúng, sống trong một văn hóa khác. Nhiều bố mẹ lại buông rơi nhiệm vụ dẫn dắt con cái tiếp nhận văn hóa của gia đình. Thay vào đó, bố mẹ lại cố gắng thích nghi với văn hóa của bọn trẻ, văn hóa bất kính mà chúng học từ bạn bè mình.


Và có thể bọn trẻ hiện tại đang rất vui vẻ với một trào lưu – ăn đồ ăn nhanh, nước uống có gas, lướt mạng xã hội,… không kiểm soát – nhưng thất bại của cha mẹ trong việc dạy dỗ con đúng đắn có nghĩa là những đứa trẻ này sẽ không được chuẩn bị kỹ lưỡng để đối mặt với những thử thách khi chúng dậy thì và trưởng thành sau này.


Vì thực tế là… đôi khi bạn phải chờ đợi để ăn bánh và, thậm chí, đôi khi bạn còn không được ăn cái bánh nào.


Đó mới là cuộc đời.


* Nguồn: Chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu


Comments


bottom of page