top of page

Trách nhiệm của “Nghề Cha Mẹ”

Ngày nay, bậc phụ huynh đang bị bủa vây với những thông điệp về làm cha mẹ “đúng cách”.

Nghe lời khuyên từ báo chí, từ người thân và các bậc cha mẹ khác thì đơn giản, nhưng song song với đó là nỗi lo lắng mỗi khi cảm giác rằng chúng ta đang làm sai điều gì đó. Ta thường so sánh mình với người khác, rồi lại tự cảm thấy bị đánh giá và chỉ trích bởi chính những người đó.


Một trong những cách quan trọng nhất để vượt qua tất cả “mớ bòng bong” của lời khuyên, của cảm giác tội lỗi và của những so sánh với người khác là hiểu bản thân là cha mẹ như thế nào và không phải chịu trách nhiệm gì khi phải nuôi dạy con cái.


Là một tư vấn viên cho những người làm cha làm mẹ, đã có nhiều phụ huynh gặp khó khăn với câu hỏi này:

"Tôi có trách nhiệm gì với tư cách là cha mẹ?"

Hầu hết các bậc cha mẹ đều trả lời theo bản năng, nhưng cũng cần ai đó xác nhận rằng bản năng của họ là đúng giữa vô vàn những ý kiến ngoài kia.


Những điều thuộc về trách nhiệm của cha mẹ có thể kể tới như sau:


1. Đưa ra những quyết định khó khăn


Nếu con cái không thỉnh thoảng giận cha mẹ chúng một lần thì có nhiều khả năng bậc cha mẹ đang chưa làm tốt công việc của mình. Cùng với đó, hãy nhớ rằng bậc phụ huynh cũng không bắt buộc phải giải thích dài dòng về các quyết định của mình. “Làm thế không an toàn” có thể rất đủ để giải thích khi con hỏi tại sao chúng không thể đứng lên yên xe máy. Hay “đấy là trách nhiệm của con” là đủ lý do để nói với con cái rằng đã đến giờ làm bài tập về nhà. Cha mẹ không cần lúc nào cũng phải nói đến "chẳng may điều này xảy ra…" hay là "con làm điều đó thì sẽ…".


2. Dạy con tự làm


Nhiệm vụ của cha mẹ là dạy con cái những kỹ năng phù hợp với lứa tuổi để cho phép chúng ngày càng trở nên độc lập hơn.


Sẽ đến lúc tụi nhỏ cần học cách làm sao để tự xoa dịu cảm xúc, thắt dây giày, viết tên và phải làm gì khi bị ai đó trêu chọc. Theo thời gian, con sẽ cần phát triển các kỹ năng nâng cao hơn. Chúng cần biết cách đánh máy, nói không với ma túy, lái ô tô hay điền vào đơn xin việc. Cụ thể, con cần phải hiểu rằng mức độ trách nhiệm của chúng sẽ phát triển trong suốt cuộc đời.


3. Giúp con hiểu trách nhiệm của mình


Cha mẹ có trách nhiệm cho con hiểu chúng cần chịu trách nhiệm về hành vi và hành động của mình. Chí ít điều này đồng nghĩa với việc đặt ra giới hạn với con khi tụi nhỏ có hành vi không phù hợp. Ví dụ, khi con bạn khất lần làm bài tập về nhà, cha mẹ hoàn toàn có thể tắt TV và nói:

“Xem TV chắc chắn sẽ không thể giúp bài tập của con hoàn thiện. Sau khi hoàn thành bài tập về nhà, con có thể bật TV trở lại ”.

Cũng có thể đơn giản như khi cha mẹ nói một cách nghiêm túc:

"Không được nói cái kiểu đó trong ngôi nhà này."

… Và sau đó quay đi.


Hay, tất nhiên, điều này có thể mang lại kết quả tích cực cho một số việc như khi thiếu bài tập về nhà, thì các hoạt động cuối tuần sẽ bị tạm dừng cho đến khi hoàn thành hết bài.



4. Đi theo chuyến đi cuộc đời


Việc nuôi dạy con cái giống như đi tàu lượn siêu tốc và cha mẹ sẽ ngồi trên đó cho dù họ có muốn hay không. Sẽ có những lúc con học tốt và những lúc chúng gặp khó khăn. Cha mẹ hãy nhắn nhủ bản thân rằng những thăng trầm đó không phản ánh những gì họ làm — đôi khi đó một phần của chuyến đi cuộc đời mà thôi.


Vì vậy, bậc phụ huynh đừng đổ lỗi cho bản thân khi có điều gì đó xảy ra. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tìm ra cách tích cực để xử lý vấn đề và để giúp con thật hiệu quả.


5. Cố gắng hết sức


Đôi khi đây là tất cả những gì phụ huynh có thể làm. Nuôi dạy con cái là một cuộc hành trình vĩnh cửu đi tìm sự cân bằng — cố gắng cân đối giữa làm quá nhiều và chẳng làm gì mấy, hoặc đưa ra những sự răn đe không quá hà khắc nhưng cũng không quá mềm mỏng. Việc nuôi dạy con cái đôi khi giống như một rạp xiếc và có thể có một số màn giữ thăng bằng diễn ra cùng lúc. Đó là khi cha mẹ phải nhìn thẳng vào vấn đề của mình và nhận ra rằng họ không phải, cũng như sẽ không bao giờ, trở thành cha mẹ hoàn hảo. Cha mẹ chỉ cần đủ tốt mà thôi.


<Còn tiếp>


* Nguồn: Empowering Parents

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



bottom of page