top of page

Tư duy phát triển (Growth Mindset) và Tư duy cố định (Fixed Mindset)



Tư duy phát triển (growth mindset) tạo ra niềm đam mê cho việc học hơn là sự thèm khát được công nhận, điều mà tư duy cố định (fixed mindset) hướng đến . Tư duy cố định sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy thất bại hoặc thua cuộc khi trẻ không làm được một điều gì đó. Ngược lại, đứa trẻ với tư duy phát triển sẽ không xem đó là thất bại mà sẽ biến nó thành động lực để làm tốt hơn.


Một vài ví dụ về tư duy phát triển và tư duy cố định


Tư duy phát triển tập trung vào nỗ lực của trẻ hơn là việc con thông minh như thế nào. Dưới đây là một số cuộc đoạn hội thoại cho thấy sự khác biệt giữa hai cách tư duy.


Tư duy cố định: "Con trả lời đúng rồi, rất tốt. Con rất thông minh!"

Tư duy phát triển: " Con trả lời đúng rồi, rất tốt. Con đã rất cố gắng và con đã làm được! "

Tư duy cố định: "Con đã hoàn thành câu đố rất nhanh! Con giỏi lắm "

Tư duy phát triển: "Tốt lắm! Hay con thử thêm một câu đố khó hơn nhé? Mẹ nghĩ con có thể làm được! "


Tại sao tư duy phát triển lại quan trọng?


Tiến sĩ Carol Dweck - nhà tâm lý học tại Đại học Stanford tin rằng tư duy phát triển là điều rất cần thiết quyết định sự tự tin, và hơn hết là sự thành công ở trẻ. Khi một đứa trẻ thử cố gắng làm điều gì đó, không nên để trẻ bị áp đặt bởi suy nghĩ con sẽ phải làm tốt thế nào hay con thông minh ra sao. Đây không phải là vấn đề “được ăn cả, ngã về không”. Điều quan trọng nhất là để con hiểu rằng không có giới hạn cho việc luôn luôn cố gắng,.


Tất cả là việc tạo nên giá trị bản thân trong chính đứa trẻ, cho phép đứa trẻ không sợ thất bại và tự tin hơn khi làm bất cứ việc gì.


Dweck và các đồng nghiệp của bà đã tiến hành một nghiên cứu với những học sinh lớp bảy, bắt đầu năm học với điểm thi gần như giống hệt nhau. Trong vòng hai năm, đã có một sự khác biệt lớn giữa các em học sinh. Những đứa trẻ với tư duy cố định thường tránh né những công việc có thể để lộ khuyết điểm của bản thân, trong khi những đứa trẻ với một tư duy phát triển có một niềm tin rằng trí thông minh có thể được rèn luyện và phát triển, từ đó không ngừng nỗ lực và học được nhiều điều mới mẻ hơn.


Khi nào bố mẹ nên bắt đầu xây dựng tư duy phát triển ở trẻ?


Trong bản thân mỗi đứa trẻ đều có sẵn tư duy phát triển nhưng những phản hồi từ người lớn phần lớn biến chúng thành tư duy cố định. Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để khuyến khích tư duy phát triển ở trẻ em. Vì vậy hãy nuôi dưỡng tư duy phát triển cho con ngay từ bây giờ ba mẹ nhé!


* Nguồn: Dựa trên nghiên cứu của TS. Carol Dweck và bài báo của cafebiz

* Biên tập: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


54 lượt xem
bottom of page