top of page

Vì sao trẻ hay quên? - Phần 1


Trong guồng quay bận rộn của cuộc sống, chúng ta thường có rất nhiều việc để ghi nhớ và thực hiện. Bởi vậy, nếu có một đứa con hay quên chắc hẳn sẽ khiến cha mẹ không khỏi cảm thấy lo lắng, bực dọc hoặc chán nản.


Có thể bạn đã từng mắng con một vài câu như:


Tại sao con có thể quên đánh răng khi mẹ mới vừa nhắc con xong chứ hả?

Hoặc:


Con nói gì cơ? Con để quên hộp cơm trên xe buýt của trường ư?


Vậy việc hay quên này ở trẻ có thực sự đáng lo ngại? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm từ chia sẻ của phó giáo sư Caitlyn Mahy, khoa tâm lý học, đại học Brock, Canada dưới đây.


***************************


Cha mẹ có thể sẽ thấy an tâm hơn khi biết rằng khả năng ghi nhớ để thực hiện các hành động trong tương lai, hay còn gọi là bộ nhớ tiềm năng (prospective memory), vẫn đang phát triển ở lứa tuổi còn nhỏ.


Tôi đã thực hiện nghiên cứu về việc bộ nhớ này phát triển thế nào ở thời thơ ấu tại phòng nghiên cứu của mình tại đại học Brock. Kết quả rất rõ ràng: trẻ nhỏ vẫn đang phát triển khả năng ghi nhớ các dự định tương lai. Do vậy, trẻ thường dễ quên thực hiện các ý định của mình hơn người lớn, tuy nhiên đây không phải là điều đáng lo ngại.


Quên vì những lý do khác nhau


Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng trẻ có thể quên thực hiện một hành động vô cùng đơn giản ( ví dụ, cất một chiếc thẻ vào hộp đựng) nhưng hoàn toàn không ý thức được lỗi sai của mình.. Trên thực tế, khi được yêu cầu nhắc lại những việc các con nên làm, đa số các bé mầm non đều nhắc lại một cách trơn tru mà không gặp khó khăn nào - mặc dù đã quên làm điều đó.


Quan trọng hơn là trẻ ở các độ tuổi khác nhau thì lí do dẫn đến việc quên cũng hoàn toàn khác biệt. Trẻ 2 và 3 tuổi thường quên hẳn việc chúng phải làm. Ngược lại, trẻ em trên ba tuổi tuy có thể ghi nhớ, nhưng lại không thực hiện việc cần làm theo đúng thời gian dự định.


Một nghiên cứu cho thấy rằng 66% trẻ hai tuổi không thể nhắc lại những việc chúng cần nhớ để làm, trong khi đến bốn tuổi, phần lớn trẻ sẽ không còn gặp rắc rối với điều này.

Mặc dù việc trẻ hay quên có thể gây phiền toái cho cha mẹ, nhưng hãy hiểu rằng đây là hành động vô thức và phản ánh sự phát triển bình thường của trẻ mầm non. Vào thời điểm một đứa trẻ lên sáu hoặc bảy tuổi, phần trí nhớ này sẽ tốt hơn và tiếp tục được cải thiện trong quá trình trưởng thành của trẻ.


* Nguồn: The Conversation

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


Comments


bottom of page