top of page

Vì sao khả năng đồng cảm không “tự nhiên mà có”? (Phần 2)

Bằng chứng ủng hộ các thực hành cụ thể


Để chứng minh tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái, sẽ là một điều kiện lý tưởng nếu chúng tôi thực hiện các thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát chặt chẽ và theo dõi kết quả qua sự thể hiện của trẻ trong thời gian dài. Nhưng ai sẽ tình nguyện làm việc này đây? Sẽ có những vấn đề về đạo đức mà chúng ta phải đối mặt nếu xếp ngẫu nhiên những đứa trẻ vào các kiểu nuôi dạy khác nhau.


Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét những phương pháp nuôi dạy con cái khác mà có thể cho ra những kết quả tốt hơn. Ví dụ như:


Nuôi dạy con một cách nhạy cảm, phản hồi con kịp thời và tạo mối quan hệ chặt chẽ. Các nghiên cứu theo dõi cuộc sống trẻ từ khi còn nhỏ đã đưa ra kết quả rằng những đứa trẻ có mối quan hệ gắn bó sẽ thể hiện nhiều khả năng đồng cảm hơn, bên cạnh đó là kỹ năng con có thể đối phó với cảm xúc tốt hơn và sẽ phát triển hơn tính nhạy cảm về đạo đức (Elicker và cộng sự 1992; Easterbrooks và cộng sự 2000; Kerns và cộng sự 2007; Kochanska và Murray 2000). Những mối quan hệ gắn kết bền lâu được xây dựng từ các phương pháp nuôi dạy con một cách nhạy cảm, đúng lúc, vì vậy ta thấy dễ hiểu khi các phương pháp này góp phần phát triển sự đồng cảm trong con.


• “Huấn luyện” cảm xúc. Cha mẹ nào giúp con kiểm soát những cảm xúc tiêu cực (bằng việc nói chuyện một cách đầy cảm thông, giúp con giải quyết vấn đề) thì những đứa trẻ của họ thường thân thiện và đồng cảm hơn. Còn những phụ huynh có xu hướng “đơn giản hoá mọi việc” hoặc phớt lờ cảm xúc của con thì chính những đứa trẻ ấy sẽ kém năng lực xã hội hơn (Davidov và Grusec 1996; Denham 1997; Denham và cộng sự 1997; Denham 1989; Denham và Grout 1993; Eisenberg và cộng sự 1996).


• Đưa ra kỷ luật dựa trên lý trí, giải thích cho con hiểu. Khi nghiên cứu 78 thanh thiếu niên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những cha mẹ áp dụng “kỷ luật quy nạp” (một phương pháp nhấn mạnh lý do vì sao phải có các quy tắc và những hậu quả có thể dẫn tới từ những hành vi không mong muốn) sẽ có những đứa con thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến người khác và còn cho thấy nhiều sự hối hận khi con phạm phải hành vi sai trái (Krevan và Gibbs 1996).


Nghechame, NghechameIEG, Nghề Cha Mẹ IEG Global, Tổ chức Giáo dục IEG Global Nói về việc dạy trẻ con về khả năng đồng cảm với người khác, sẽ có nhiều người hoài nghi liệu việc này có thực sự tạo ra khác biệt nào không. Liệu cha mẹ có thể cho rằng sự đồng cảm sẽ tự động xuất hiện, như một phần của quá trình phát triển của con không? Và sau tất cả, ngay cả một đứa trẻ sơ sinh cũng có thể thể hiện dấu hiệu của sự đồng cảm.

Thế còn gen di truyền thì sao?


Ta cũng có thể nói rằng những nét tính cách di truyền từ cha mẹ sang con, làm cho con đồng cảm hơn, và cũng dễ khiến con sẽ áp dụng những phương pháp nuôi dạy như đề cập ở trên khi con lập gia đình sau này.


Cũng dễ để ta có thể tưởng tượng mọi việc sẽ diễn ra thế nào. Có lẽ, việc nuôi dạy con cái một cách nhạy cảm, phản hồi con kịp thời sẽ có được nhiều sự chú ý hơn từ những bậc phụ huynh có nhiều sự đồng cảm trong tính cách. Mối tương quan giữa cách nuôi dạy con cái và khả năng đồng cảm của trẻ có thể phản ánh lại chính ảnh hưởng từ cha mẹ, người mà có cùng bộ gen với các con.


Nhưng ngay cả khi ngành di truyền học có thể giải thích một số khác biệt giữa các cá nhân, thì ảnh hưởng của yếu tố môi trường rõ ràng là cũng đóng một vai trò lớn với cách mọi người thể hiện sự đồng cảm.


Nếu điều này không đúng, thì làm sao ta có thể khiến nhiều người lớn trở nên nhạy cảm và phản ứng nhanh hơn được? Nhưng thực tế thì ta có thể làm điều đó.


Một số tiếp cận ngắn hạn giúp tăng khả năng đồng cảm


Trong một nghiên cứu, các sinh viên y khoa tham gia một trò chơi tự trải nghiệm qua những mô phỏng các vấn đề đặc biệt của người cao tuổi. Ví dụ, để tái tạo trải nghiệm bị đục thủy tinh thể, các sinh viên sẽ đeo kính bảo hộ được phủ bằng băng dính trong suốt. Hay để trải nghiệm trạng thái mất khả năng phối hợp vận động tinh, các sinh viên sẽ đeo găng tay cao su thật nặng (Varkey và cộng sự 2006).


Và kết quả thế nào? Sau thí nghiệm, những người tham gia trở nên đồng cảm và thực sự muốn quan tâm nhiều hơn đến những bệnh nhân cao tuổi.


Điều này không có nghĩa là cùng một cách tiếp cận để dạy về đồng cảm sẽ phù hợp với mọi lứa tuổi. Trẻ nhỏ không có khả năng nhìn nhận quan điểm tốt như người lớn. Hay các con cũng không có khả năng tự kiểm soát ở mức độ giống nhau. Vì vậy, là cha mẹ, ta cần điều chỉnh nỗ lực dạy con của mình tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ.


Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hầu hết những đứa trẻ phát triển bình thường bắt đầu thể hiện lòng quan tâm, đồng cảm đối với các thành viên trong gia đình trước khi con lên hai. Có thể cho rằng những tâm hồn trẻ thơ này đã sẵn sàng để học hỏi nhiều điều về cảm xúc của người khác.


Thế còn khác biệt về giới? Không phải phụ nữ thường sẽ đồng cảm hơn sao?


Từ xa xưa người ta đã ngầm hiểu rằng phụ nữ dễ đồng cảm hơn nam giới và các nghiên cứu cũng thường xác nhận rằng phụ nữ cho thấy họ có nhiều cảm xúc đồng cảm hơn. Nhưng điều đó có thể được giải thích bằng văn hóa. Trong những xã hội nơi đàn ông được cho là tách biệt, lạnh lùng hoặc khắc kỷ, những người nam ấy có thể miễn cưỡng thừa nhận cảm giác đồng cảm của mình hơn.


Quan điểm này được chứng minh bởi một nghiên cứu về thần kinh gần đây. Trong đó, họ cho những người lớn tiếp cận với nhiều hình ảnh về cảm xúc - bao gồm cả hình ảnh của người đang chịu đau đớn - phụ nữ thể hiện ra nhiều cảm giác đồng cảm hơn. Nhưng hoạt động trong não của họ - được đo bằng các điện thế thể hiện qua điện não đồ - không thể chứng minh được những khác biệt trong sự đồng cảm qua nhận thức của hai giới (Groen và cộng sự 2012).


Một nghiên cứu khác ở trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 17, cho các con xem những đoạn phim hoạt hình mô tả những người bị thương. Một lần nữa, hầu hết các cô bé sẽ nói rằng con có nhiều cảm giác đồng cảm hơn. Nhưng khi các nhà nghiên cứu xem xét các dấu hiệu sinh lý – như sự giãn đồng tử và lưu lượng máu não - thì không có sự khác biệt giữa cả bé trai và bé gái (Michalska 2013).


Vì vậy, thật sai lầm khi cho rằng con trai và con gái có khả năng đồng cảm khác nhau, hoặc bỏ qua các hành vi thiếu thiện cảm có thể có vì đó là “con trai mà”. Ngay cả khi không có bằng chứng khoa học này, ta vẫn nên đánh giá con người là mỗi cá thể riêng biệt. Có rất nhiều phụ nữ lạnh lùng trên thế giới và cũng có rất nhiều người đàn ông ấm áp. Nếu các bé trai tỏ ra ít thông cảm hoặc ít quan tâm đến người khác hơn, thì đây là lý do để giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp.


Đừng bỏ cuộc.


* Nguồn: Parenting Sciencce

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG




bottom of page