top of page

Vì sao ta nên để cho con thất bại?

Cô con gái của tôi đã nghỉ công việc mùa hè, mặc dù tôi đã cảnh báo rằng có thể con sẽ hối hận. Thù lao thì tốt, con bé cũng không phải làm việc quá nhiều và còn thích tiêu tiền nữa. Nhưng rồi cô bé quyết tâm bỏ công việc này. Trong nhiều tháng sau đó, cô con gái của tôi chẳng tìm thấy một công việc nào khác và tài khoản ngân hàng thì dần cạn kiệt.


Tôi hoàn toàn có thể nói với con bé rằng nó không được phép bỏ việc hoặc tôi cần cố gắng hơn để thuyết phục con bé ở lại, nhưng tôi đã không làm như vậy. Sau khi nuôi dạy ba bạn "tuổi teens", tôi đã học được một số điều về việc cho con mình “cơ hội” để mắc sai lầm. Đôi khi, cha mẹ phải để chúng “ngã sấp mặt”.


Khi con trai tôi là học sinh lớp 11, nó ghét môn lịch sử. Tôi đã dành rất nhiều thời gian cho thằng bé mà đều thất bại. Một ngày nọ, tôi nói với "cu cậu":

“Nếu con không làm bài tập ở trường hoặc nhờ người khác giúp, thì mẹ không thể giúp được con nữa”.

Tôi hoàn toàn không có ý định làm hộ con. Cuối cùng, cậu bé đã trượt môn năm đó và phải thi lại.


Sau khi tham gia cái lớp học “ác mộng” đó một lần nữa, cậu bé đã tự xoay chuyển tình thế. Nó không bao giờ thi trượt một lớp nào nữa, bởi vì cậu “không bao giờ muốn học lại lần nữa, và mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu làm lần đầu”.


Tôi không tin thất bại là một từ “cấm”. Nó cho thấy nơi mà vẫn còn việc để ta làm và nó còn có thể dạy chúng ta rằng đôi khi mình nên từ bỏ một điều từ đầu không nên làm.



Là cha mẹ, thật khó để chứng kiến ​​con mình mắc sai lầm hoặc thất bại ở một điều gì đó, nhưng tôi nghĩ đó là điều cần thiết. Đây là một số lý do tại sao:


Con có thể nhận được nhiều giá trị hơn từ cuộc sống

Khi những đứa trẻ của chúng ta gặp khó khăn, khi chúng phải sửa chữa một sai lầm hoặc khi làm ai đó thất vọng, điều đó sẽ có tác động mạnh tới con hơn so với việc cha mẹ lao vào và sửa chữa vấn đề hộ con. Con người chúng ta sẽ chẳng giỏi xử lý được những việc khó nếu luôn có ai đó đến và “giải cứu”.


Thất bại cũng giúp con cái trân trọng những khoảng thời gian khi con thành công hơn. Nó cung cấp cho lũ trẻ cơ sở để so sánh – hơn nữa, con sẽ hiểu rằng chiến thắng kia là của chính mình.


Lũ trẻ học nhanh hơn rất nhiều

Cha mẹ có thể cảnh báo đi cảnh báo lại con mình về vài điều nhất định. Phụ huynh có thể nói với con rằng thức quá khuya vào ngày trước bài kiểm tra không phải là một ý kiến ​​hay hoặc rằng cha mẹ không tin tưởng một người bạn nào đó của con. Tất nhiên, có những lúc cần phải can thiệp vào cuộc sống của con để giữ cho chúng được an toàn.


Nhưng nếu cha mẹ bắt đầu để lũ trẻ học hỏi từ những sai lầm khi chúng còn nhỏ, chúng sẽ có khả năng tự đánh giá rủi ro tốt hơn. Các con sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó nếu chúng ta liên tục “giải cứu” chúng.


Đâu phải lúc nào cha mẹ cũng có mặt để hướng dẫn con

Không phải lúc nào phụ huynh cũng ở bên cạnh con cái, đặc biệt khi con ở tuổi thanh thiếu niên. Đó là điều không thể. Cha mẹ càng để con tự học và khám phá mọi thứ, thì càng có thể tin tưởng rằng tụi nhỏ sẽ vượt qua được những tình huống khó khăn khi không có phụ huynh ở bên.


Thất bại giúp con học cách đồng cảm

Khi lũ trẻ làm tổn thương cảm xúc của ai đó và phải biết lỗi hoặc khi mắc lỗi và phải sửa sai, điều đó giúp con đồng cảm hơn với những người mắc lỗi khác. Ai cũng có thể sai, và cho thấy sự đồng cảm với người khác là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà một người có thể tặng.


… và học cách chịu trách nhiệm

Nếu con cái biết rằng bất cứ điều gì chúng làm sai, chúng sẽ phải sửa, điều đó sẽ khuyến khích chúng làm chủ hành động của mình. Con sẽ cố gắng rất nhiều, sẽ chấp nhận nhiều rủi ro hơn, thì sẽ vun đắp thêm sự tự tin trước những tình huống mới. Nếu tụi trẻ phụ thuộc vào cha mẹ để làm giúp cho việc của chúng và giúp chúng đưa ra lời xin lỗi hay bào chữa, con sẽ mãi dựa vào đó.


Tôi không thích nhìn con mình thất bại. Nhưng tôi phải cố hết sức để không dấn sâu vào và sửa chữa mọi thứ cho chúng. Là một người mẹ, mọi thứ có cảm giác tự nhiên hơn khi làm mọi thứ cho chúng để chúng không phải chịu khổ. Nhưng chúng ta đều biết nếu cho con một lối thoát dễ dàng, sau này chúng còn phải chịu khổ nhiều hơn.



* Nguồn: Scary Mommy

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



bottom of page