Sự đồng cảm (empathy) là điều làm nên cốt cách con người, là nền tảng để ta sống có trách nhiệm hơn, xây dựng các mối quan hệ bền vững cũng như phát triển thành công trong sự nghiệp. Sự đồng cảm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi và ngăn chặn những hành động và lối sống thiếu nhân văn.
Đồng cảm có nghĩa là ta có thể đặt bản thân mình vào vị trí của người khác. Nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Những người bán hàng, chính trị gia, hay các diễn viên đều cực kỳ nhuần nhuyễn trong việc thấu hiểu góc nhìn của người khác, dù sự thực là có thể họ không quan tâm đến người khác đến vậy. Một số kẻ bịp bợm cũng có khả năng “nắm thóp” mọi người để đánh vào điểm yếu của họ. Đồng sự đồng cảm bao gồm cả việc tôn trọng những quan điểm khác nhau và chủ nhân của những quan điểm đó.
1. Thể hiện sự đồng cảm với con
Con sẽ học được cách đồng cảm khi quan sát cha mẹ thể hiện sự đồng cảm với người khác hoặc với chính mình. Khi được cha mẹ quan tâm và thấu hiểu, con sẽ hình thành niềm tin tưởng và sự gắn bó an toàn với cha mẹ. Một khi cha mẹ đã trở thành “tượng đài niềm tin” đối với con, con tự khắc sẽ muốn noi theo tấm gương của cha mẹ và thực hành san sẻ sự thấu cảm với người khác.
Đồng cảm với con được thể hiện qua nhiều cách: quan tâm tới những nhu cầu về thể chất và tâm lý của con, tôn trọng những sở thích cá nhân và thực sự dành sự hứng thú về cuộc sống của con, hay cùng con tham gia vào quá trình khám phá bản thân mình.
Đồng thời, con cũng sẽ để ý tới cách cha mẹ đối xử với những người làm dịch vụ như phục vụ và đưa thư. Nếu cha mẹ phớt lờ những đối tượng này, con sẽ chú ý tới điều đó. Mặt khác, con sẽ xây dựng được sự đồng cảm nếu cha mẹ thể hiện được sự quan tâm tới những người đang gặp khó khăn.
Hãy thực hành:
Hiểu con. Cha mẹ hãy đặt câu hỏi cho con. Ví dụ: Hôm nay con có học gì thú vị ở trường không? Đâu là lúc con cảm thấy vất vả nhất trong ngày? Một ngày lý tưởng của con sẽ diễn ra như thế nào? Có một người bạn nào mà con cực kỳ kính trọng không?
Thể hiện sự đồng cảm với người khác. Cha mẹ hãy cân nhắc tham gia vào các hoạt động cộng đồng cùng với con. Đặc biệt, nếu cha mẹ thể hiện niềm hứng thú với đa dạng các hoạt động cộng đồng khác nhau thì con cũng sẽ dễ dàng “bắt sóng” và hình thành sự chấp nhận với những sự khác biệt.
Chăm sóc và thấu hiểu bản thân. Cha mẹ hãy đầu tư vào một hoạt động giúp mình giải tỏa căng thẳng như đi dạo, đọc sách, thiền hoặc cầu nguyện, … Đồng thời, cha mẹ có thể dành thời gian phản tư và tham vấn từ những người mình tin tưởng mỗi khi gặp khó khăn.
2. Dành thời gian quan tâm tới mọi người và đặt tiêu chuẩn đạo đức cao
Để con xây dựng lòng trắc ẩn và học cách tôn trọng các thế giới quan khác nhau, con cần ý thức rằng việc sống chan hòa và quan tâm tới người khác cũng quan trọng như hạnh phúc của chính con vậy.
Hãy thực hành:
Cẩn trọng với lời nói của mình. Hãy lưu tâm đến những cuộc trò chuyện mỗi ngày với con. Ví dụ, thay vì nói “Điều quan trọng nhất là con cảm thấy vui vẻ”, cha mẹ có thể nói “Điều quan trọng nhất là con sống tử tế và hạnh phúc.”
Đề cập tới việc thực hành sự quan tâm khi nói chuyện với những người lớn khác trong cuộc đời con. Ví dụ, ngoài việc truy hỏi về vấn đề học tập hoặc điểm số của con, cha mẹ có thể hỏi giáo viên xem liệu con mình có quan tâm tới bạn bè và thầy cô giáo trong trường không.
Giúp con hiểu rằng bản thân con hay bất kì cá nhân nào đều không phải là trung tâm của vũ trụ. Việc quan tâm tới bản thân không có nghĩa là con không cần để tâm tới không gian, suy nghĩ và cảm nhận của người khác. Con có thể ngừng xem tivi một lúc để làm việc nhà giúp cha mẹ, giữ được sự bình tĩnh và lịch sự khi ở trong tâm trạng không tốt, hoặc không chen lời người khác khi họ đang nói.
3. Tạo cơ hội để con thực hành sự đồng cảm
Chúng ta được sinh ra với khả năng đồng cảm, nhưng đức tính này cần được nuôi dưỡng suốt cả cuộc đời. Xây dựng sự đồng cảm cũng giống như việc học một ngôn ngữ hay một môn thể thao vậy. Đã là học thì sẽ cần hướng dẫn và luyện tập. Khi con thường xuyên thực hành việc nhìn nhận và cân nhắc quan điểm của người khác, khả năng đồng cảm sẽ phát triển như một phản xạ tự nhiên. Theo thời gian, con sẽ dần ý thức hơn về cảm nhận và quan điểm của người khác và hình thành được khả năng thấu hiểu cảm nhận của người khác.
Hãy thực hành:
Họp mặt gia đình. Cả nhà nên dành thời gian để trao đổi và bàn luận mỗi khi có xung đột hoặc bất đồng quan điểm xảy ra. Cha mẹ hãy lắng nghe quan điểm của con và dạy con cách lắng nghe quan điểm của người khác.
Chia sẻ suy nghĩ về sự đồng cảm. Cha mẹ có thể cùng con quan sát và chỉ ra những ví dụ trong cuộc sống hoặc trong phim ảnh hoặc sách mỗi khi ai đó thể hiện sự đồng cảm hoặc thiếu đồng cảm. Đây là cơ hội để cha mẹ giải thích cho con hiểu tại sao chúng ta nên thể hiện sự thấu cảm với người khác, hay việc lãnh đạm với mọi người có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ ra sao.
Trò chuyện với con về đạo đức. Cha mẹ có thể trao đổi và bàn luận với con về những chủ đề mang tính đạo đức để con tập nhìn nhận vấn đề một cách đa dạng hơn. Ví dụ: Con có nên mời bạn hàng xóm mới tham dự bữa tiệc sinh nhật của mình không nếu như bạn thân nhất của con ghét bạn hàng xóm đó?, hoặc là “Liệu con có nên nói với bạn mình rằng bạn trai đã lừa gạt tình cảm của bạn ấy khi mà cả hai đều là bạn của con?”
Dạy con cách cộng tác cùng người khác. Khi con được làm việc và hợp tác với những người đến từ những hoàn cảnh sống khác nhau, con sẽ được tiếp xúc và có ý thức nhiều hơn về cộng đồng xung quanh mình.
4. Mở rộng lòng quan tâm của con
Đối với phần lớn mọi người, việc quan tâm và thấu hiểu các thành viên trong gia đình hoặc họ hàng là một việc khá đơn giản. Lí do là bởi việc đồng cảm với những người có điểm tương đồng với chúng ta là bản năng chung của loài người. Nhưng với những người không có một điểm nào giống ta thì lại là một câu chuyện khác. Vì vậy, cha mẹ cũng nên chú ý tới việc giúp con xây dựng sự thấu hiểu và quan tâm tới cả những người hoàn khác biệt với con nữa.
Hãy thực hành:
Cho con trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Cha mẹ có thể sử dụng phim ảnh hoặc báo chí để khơi dậy những cuộc trò chuyện về những đối tượng có hoàn cảnh sống khác con, chẳng hạn như những câu chuyện về những bạn bằng tuổi con mà đang sinh sống ở cộng đồng khác hoặc đất nước khác.
Mở rộng sự thấu hiểu của con với những người đang gặp khó khăn. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc lắng nghe người khác. Hãy dạy con học cách quan tâm và cân nhắc quan điểm và cảm nhận của người khác, đặc biệt là những nhóm đối tượng yếu thế. Cụ thể hơn, cha mẹ hãy đưa ra ví dụ và hướng dẫn con nên làm thế nào trong tình huống đó. Ví dụ, khi chứng kiến một bạn trong lớp bị bắt nạt thì con nên hành động thế nào.
5. Giúp con xây dựng cách quản lý cảm xúc hiệu quả
Khi con chưa thể hiện được sự đồng cảm, có khả năng là vì con đang bị lấn át bởi những cảm xúc khác như tức giận, xấu hổ hoặc ghen tị. Vì vậy, việc giúp con điều hòa cảm xúc của mình sẽ giúp khả năng quan tâm và thấu hiểu của con có cơ hội được “thể hiện” nhiều hơn.
Hãy thực hành:
Gọi tên cảm xúc. Giúp con nhận dạng các cảm xúc của mình và khuyến khích con nói về cảm nhận của bản thân cũng như tìm hiểu xem cảm xúc đó tới từ đâu.
Giải quyết xung đột. Hãy thử cùng con đi qua một vài tình huống xung đột trong quá khứ và suy nghĩ về các phương án khác nhau để giải quyết tình huống này. Hãy hướng dẫn con cách đạt được sự thấu hiểu từ cả hai bên - lắng nghe và diễn đạt lại lời đối phương theo cách hiểu của mình cho tới khi cả hai bên đều thấu hiểu được nhau.
*Nguồn: Harvard University - Making Caring Common
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comentários