Từ trong những trang “kinh thánh về gia đình”, ta đã thấy được trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn cho trẻ con đặt lên đôi vai bậc làm cha mẹ.
Dạy bảo trẻ mà không thể hiện như ta đang ép buộc hoặc kiểm soát các con là việc vô cùng quan trọng và có thể sẽ rất khó khăn. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể thực hiện điều này một cách thành công?
Theo các học giả về nuôi dạy con cái Craig Hart và Lloyd Newell tại Đại học Brigham Young (Brigham Young University), các vị phụ huynh từng trải hướng dẫn con cái của mình bằng cách tạo ra một "mạng lưới an toàn", hàm chứa trong đó những giới hạn phù hợp. Họ cũng khuyến khích những hành vi thích hợp ở con qua những cách củng cố tích cực, đồng thời thể hiện tính rõ ràng và nghiêm túc về các quy tắc cũng như là những kỳ vọng từ phía cha mẹ, giải thích lý do đằng sau các quy tắc và thực hiện những biện pháp để cho thấy hậu quả khi con vi phạm những quy tắc ấy. Sự hướng dẫn nhẹ nhàng nhưng kiên quyết này rất quan trọng vì nó giúp trẻ phát triển ý thức tự chịu trách nhiệm và ý thức về đạo đức bên trong con.
Đặt ra những giới hạn hợp lý đối với hành vi của trẻ sẽ mang lại tính ổn định và an toàn. Khi con nhìn thấy hậu quả và ảnh hưởng từ việc mình làm, con sẽ hiểu rõ được kết quả mà những lựa chọn sai lầm mang lại. Khi con có những trải nghiệm từ hậu quả của các quyết định sai, con sẽ được "tập dượt" trước với các hành vi tốt và hiểu cách xử lý trong những tình huống sau này. Cha mẹ cũng nên để ý tới các yếu tố như tính cách và sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ nhà mình khi đặt ra những giới hạn hợp lý và hướng con tới những trải nghiệm học tập trong cuộc sống một cách phù hợp.
Con cái có thể không nghĩ những điều tốt mà cha mẹ làm là hà khắc. Trên thực tế, trẻ em sẽ dễ nghe theo hướng dẫn của cha mẹ hơn khi những lời khuyên và chỉ dẫn được phụ huynh đưa ra với sự tôn trọng về quan điểm của chính con. Con trẻ cũng cho thấy nhiều khả năng sẽ kính trọng cha mẹ và những người khác hơn khi cả cha mẹ và con đều có tiếng nói trong những chuyện gia đình, và cha mẹ thực sự coi trọng những ý kiến đó. Ngược lại, với những gia đình mà cha mẹ thể hiện “quyền cai trị tuyệt đối” thì trẻ lại dễ chống đối hơn.
Sự hướng dẫn của cha mẹ thực tế lại vô cùng quan trọng vì nó đóng vai trò dẫn những bước đầu tiên của trẻ trên con đường phát triển ý thức đạo đức và trách nhiệm của chính mình. Khi ta hướng dẫn và chỉ bảo cho con, hãy nhớ tới một nguyên tắc mà chuyên gia nuôi dạy con Dorothy James đã đưa ra: "Trẻ học bằng cách tự con làm chứ không phải nhờ cha mẹ làm hộ. Hướng dẫn cho con có nghĩa là ta đi bên cạnh và chỉ đường cho con tự đi."
Dưới đây là một số ý tưởng để hướng dẫn trẻ em:
Giải thích các quy tắc gia đình ngay từ đầu.
Hãy chắc chắn rằng con hiểu cha mẹ mong con làm được điều gì và hậu quả con có thể nhận một khi con vi phạm các quy tắc. Ví dụ: Đừng chờ cho đến khi con xin cha mẹ đi tiệc cả đêm rồi mới nói với con về giờ giới nghiêm là gì hay hậu quả sẽ ra sao nếu con về nhà quá giờ giới nghiêm. Hãy cho con biết trước rằng nếu tụi nhỏ đá bóng trong nhà và làm vỡ đồ đạc, ba mẹ có thể tịch thu nó vài ngày. Hãy đảm bảo lũ trẻ hiểu rằng hậu quả của việc con nói tục chửi thề hay xúc phạm người khác bằng tên của họ sẽ là nghỉ chơi hoàn toàn và phải viết thư xin lỗi hoặc bản kiểm điểm ngay sau đó.
Cho trẻ tham gia vào quá trình lập nên các quy tắc trong nhà.
Cha mẹ hãy cùng con thảo luận về các quy tắc gia đình và cùng đi đến một thỏa thuận càng thường xuyên càng tốt. Trẻ cho thấy nhiều khả năng sẽ tuân thủ các quy tắc mà chính các con đã cùng đặt ra với cha mẹ.
Khuyến khích hành vi tốt bằng phần thưởng.
Dùng những đặc quyền và bất ngờ sau khi con làm một việc tốt sẽ thúc đẩy trẻ tốt hơn. Ví dụ, nếu mấy đứa nhỏ nhà mình đã làm việc nhà chăm chỉ cả buổi sáng, ta có thể nói với con: "Con của ba mẹ bữa nay ngoan quá. Hay là khi nào con xong việc thì nhà mình đi ăn kem nhé?"
Nói theo hướng tích cực.
Trẻ nhỏ có xu hướng phản ứng tốt hơn khi con được hướng dẫn và chỉ bảo thế nào là một hành vi tốt, thay vì khi con bị phạt vì hành vi xấu của mình. Ví dụ, thay vì nói: "Cẩn thận làm đổ bình là ăn đòn đấy", hãy nói: "Con đi từ từ và nhìn trước sau kẻo va vào bình nhé". Thay vì nói: "Thử chơi xong bầy hết đồ chơi ra xem nào", cha mẹ có thể sử dùng: "Lần sau nhớ thu dọn đồ chơi của con và xếp thật cẩn thận nha".
Nói ra.
Khi con mắc lỗi, hãy ngồi xuống và nói chuyện cùng con. Cùng trao đổi về những gì con đã làm và hậu quả từ những việc đo là gì. Lắng nghe con nữa. Cũng cần cho con biết trước con nên làm gì trong tình huống đó vào lần tới.
Dạy bằng đưa ví dụ.
Hành vi của chính cha mẹ là kim chỉ nam và chắc chắn có ảnh hưởng nhất đối với con. Nếu ta muốn dạy con hiểu thế nào là biểu hiện của tính trung thực, đàng hoàng, đạo đức, thì chính ta phải cư xử sao cho trung thực, đàng hoàng và đạo đức. Cha mẹ cũng nên tự nhìn vào điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Sau đó ta sẽ tìm xem chính mình có thể cải thiện điều gì để trở thành tấm gương tốt hơn cho con cái. Đặt mục tiêu cá nhân để cải thiện chính mình trong một mảng hoặc khía cạnh nào đó sẽ giúp ta trở thành một hình mẫu tốt hơn trong con.
Tổ chức những buổi họp mặt gia đình.
Nhiều chuyên gia về gia đình khuyến nghị cha mẹ nên cho các con làm điều này thường xuyên, bởi các buổi họp gia đình tạo cơ hội cho cha mẹ cùng hướng dẫn cho con. Thế nhưng ta hãy nhớ các cuộc họp gia đình khác với những buổi tối cả nhà đi chơi với nhau, vốn nên được dành riêng cho niềm vui và sum họp. Các cuộc họp gia đình có thể được sử dụng để làm rõ trách nhiệm và kỳ vọng của mỗi thành viên trong nhà, đặt mục tiêu, phân công công việc, giải quyết vấn đề và cùng ăn mừng nếu có bất kì thành viên nào đạt được một thành công hoặc điều gì đó tuyệt vời. Những cuộc họp hiệu quả cho phép mỗi người nói lên ý kiến, bày tỏ cảm xúc của mình và giúp giải quyết vấn đề cũng như đưa ra quyết định cho tương lai. Cha mẹ hãy chủ động lên lịch gặp mặt gia đình thường xuyên, chẳng hạn như vào Chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng. Các cuộc họp không phải lúc nào cũng cần phải sử dụng để giải quyết các mối quan tâm hay các vấn đề. Ta có thể thử trao đổi và chia sẻ cả về những điều thú vị, chẳng hạn như lên kế hoạch cho kỳ nghỉ gia đình sắp tới. Cả nhà ta hãy cùng lên danh sách những việc nên làm và cùng làm theo nó. Trước khi cả nhà cùng ngồi lại với nhau, khuyến khích các thành viên khác cũng bổ sung thêm những điều ta muốn đưa ra bàn luận vào danh sách. Cha mẹ có thể dán một mảnh giấy lên tủ lạnh hoặc bảng thông báo như một lời nhắc rằng sắp có một cuộc gặp mặt gia đình. Phụ huynh và các bạn lớn nhà mình cũng có thể cùng thay nhau làm người chủ trì cuộc họp nữa. Bên cạnh đó, nhà mình có thể đặt ra các quy tắc cơ bản cho cuộc họp, chẳng hạn như:
Ai cũng được tự do bày tỏ quan điểm và cảm xúc mà không sợ bị khiển trách hay nhiếc mắng.
Không được ngắt lời, chen ngang khi người khác nói. Ai cũng cần được lắng nghe khi mình nói.
Cả nhà sẽ chỉ họp tối đa trong 1 tiếng.
Chúng ta sẽ kết thúc cuộc họp gia đình với một bữa ăn ngon và thịnh soạn.
*Nguồn: Forever Families
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments