top of page

Viết tốt là tư duy tốt, vậy thì viết như thế nào?

Hồi bé, mình khởi đầu chỉ là một đứa trẻ học bình thường ở cấp 1, chẳng bỏ túi được một giải thưởng cấp trường nào cả, thua xa các ngôi sao cùng trường, chứ đừng nói chi là cấp thành phố, cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Hồi đó còn không nghĩ tới mấy cái hoành tráng kia, chỉ học mà được học sinh giỏi trong cái lớp "thi đua kém nhất trường" là mừng lắm rồi.


Nhưng nếu nói không ngoa, thì con đường đi được như đến giờ phần lớn là nhờ bố mẹ và bao thầy cô đã ươm dưỡng cho mình thói quen viết lách. Rồi từ thói quen, nó dần trở thành sở thích, thêm chút tự kỷ luật bản thân, để giờ đây hóa thành đam mê và hơi thở.



Nhờ vậy mà bao nhiêu năm qua, ngoài việc làm văn tiếng Việt 9–10 trên lớp, thì dẫu chẳng đi luyện thi bất cứ trung tâm hay khóa học luyện thi nào – ngoài việc tự học và tự luyện – nhưng những điểm viết tuyệt đối trong tất cả bài thi chuẩn hóa IELTS, TOEFL, SAT, GMAT, GRE từ những năm 2000, hay việc giờ đây 2 tuần viết xong một cuốn sách, một đêm cày xong báo cáo 100–200 trang, đều đến từ thói quen bền bỉ “tự thổi và tự giữ lửa” mà bố mẹ và thầy cô đã yêu thương, nhẫn nại và bền bỉ ươm mầm cho từ ngày xưa.


Nói ra không phải để khoe khoang, nhưng để là một lần nữa khẳng định: Việc tự học và thực học có lẽ là con đường đi bền vững và lâu dài nhất mà giáo dục ở trường và ở nhà nên xây dựng cho lũ trẻ, chứ đừng mãi dựa dẫm quá đà vào những khóa học và cao thủ luyện thi. Vì những thứ luyện lò đó thường chỉ cho ta một bộ công cụ để phục vụ mục tiêu trước mắt, chứ chưa chắc xây dựng nền móng thật sự vững chắc cho “tòa nhà Năng Lực mấy chục tầng” mà mỗi người cần xây dựng cho bản thân cả đời.


Thường thì những người viết tốt là những người tư duy tốt. Vậy, muốn thật sự viết tốt – và cũng là tư duy tốt – thì một đứa trẻ cần gì? 1. Ý tưởng 2. Câu chữ 3. Thói quen tư duy

Hôm nay xin chia sẻ một chút “vốn liếng”, ai góp nhặt và áp dụng được thì mình vui lây. Còn không thì cũng không sao. Vì cuộc sống là những lựa chọn và mỗi người đều có quyền tự do chọn lựa cho bản thân mà đúng không?

- - - - -

1. Ý TƯỞNG


Ý tưởng thì nó đến từ nhiều nguồn lắm: - Sách - Báo chí - Bài hát - Phim ảnh - Cuộc sống - Con người - Thế giới xung quanh - Những trải nghiệm của bản thân - Những chuyện kể của người khác


Ý tưởng lúc nào cũng sục sôi xung quanh mỗi người. Chỉ là chúng ta có chú tâm quan sát. Quan sát thì có chịu khó đúc tỉa và góp nhặt tri thức hay không. Chú tâm và góp nhặt rồi thì có làm gì với nó hay không. Làm gì với nó là làm như thế nào?


Từ nhỏ, bố mẹ cứ cho mình một cái thói quen thấy cái gì hay ho một chút là ông bà gợi ý và giải thích, rồi dạy mình ghi nhanh vài dòng, vài từ và đặt để ở đâu đó. Ngày xưa “thủ công” thì cứ mấy tờ giấy vụn đóng thành tập để ghi chi chít, còn giờ hiện đại hơn thì lúc trong note trên điện thoại, khi thì máy tính, hoặc một dòng status. Viết đôi khi không phải cho người khác đâu, mà là để luyện tập cho bản thân và giữ lại cho chính mình.


Riêng về cách đọc là một con đường chủ đạo để mình gom nhặt tri thức trong bao nhiêu năm qua, thì trước đây mình đã có viết một bài chia sẻ về cách đọc sâu và nghiêm túc:

- - - - -

2. CÂU CHỮ

Từ những “kênh phân phối” ý tưởng ở trên, một người muốn viết tốt cũng nên có thói quen góp nhặt câu chữ và cách diễn đạt “thần sầu”. Kể cả ngày xưa thời ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia hay chỉ là đọc bài đọc Tiếng Anh ở trường, đọc xong bài nào thì phần lớn bạn bè đều xem đáp án rồi cho xong. Chỉ có một thằng “hâm hâm” như mình là ngồi xem lại bài đọc đó và “lọc” chữ như cà phê phin.


Một bài đọc dài đôi khi chỉ chắt được 1–2 cụm từ hay thôi là đã quá sung sướng rồi. Ai ngờ, cái thói quen “hâm hâm” đó nó lại là một khoản đầu tư quá hời, vì công sức bỏ vào việc highlight và “chép chữ” thật ra không bao nhiêu nhưng “nguồn thu lời” thì lại “giá trị gia tăng” cả đời.


Thế nhưng, câu chữ góp nhặt ấy cũng chỉ là “chết”. Tất cả chỉ thực sự sống và đi vào trong con người chúng ta, chuyển hóa thành một phần của tư duy khi chúng ta xử lý nó ngay khi còn “nóng hổi”. Vì lẽ đó, phần lớn những điều ghi chép được đều được biến thành một bài viết ngắn hoặc dài, hoặc cả chương sách, còn tùy vào thời gian cho phép. Chính điều đó mới làm cho những thứ “vay mượn” dần biến thành vốn liếng hết đỗi tự nhiên của bản thân.


Còn viết về cái gì ư? Đầu óc đang nghĩ về gì, mắt vừa nhìn thấy gì, đôi chân vừa đi qua đâu, vừa chạm mặt gặp gỡ ai, cái gì thì cứ viết về cái đó. Vì cuộc sống là muôn vàn những đề bài sẵn có, cho những ai chịu dừng chân và… ngó.

- - - - -

3. THÓI QUEN TƯ DUY


Viết giống như quá trình làm ra một con dao. Từ một cục thép, phải mất rất lâu, rồi còn bao nhiêu lửa đun, mài giũa thì mới thành một con dao sắc, chặt “kiến thức” dễ dàng. Cũng cần nhiều thời gian, nỗ lực, đe đập và lửa nóng thì mới mài ra một cao dao sắc – một ngòi bút mà cứ đụng đâu là “chảy máu”. Thế nhưng, không nhiều người đủ kiên nhẫn, nên nó chỉ dừng lại ở một cục thép thô, hoặc chỉ là một thanh dao chưa thành hình, nên viết lách vẫn thô hoặc “cùn”.


Còn một khi đã có con dao sắc, bạn có thể bỏ lơ một thời gian dài vì lý do nào đó, nhưng mỗi khi cần dùng đến nó, bạn chỉ cần mài một chút là nó lại sắc bén ngay. Bởi lẽ viết đã nằm trong con người bạn từ lâu. Một điều gì đó mất rất lâu mới có được trong con người mình thì cũng khó mất đi lắm.


Vậy thói quen tư duy ở đây là gì?

- Là góp nhặt ý tưởng và câu chữ (như ở trên)

- Là kiếm một không gian phù hợp cho đầu óc được thảnh thơi, sáng tạo

- Là đúc kết, phân tích và chắt lọc từ những mảng kiến thức bay lượn hoặc nằm sâu đâu đó trong đầu óc

- Là “ép” bản thân viết và phải viết cho đến khi nó không còn thấy gượng ép nữa

- Là tự nhìn lại câu chữ của mình và tự gọt giũa, không phải để cho bài viết được hoàn hảo mà chỉ đơn giản là để cho bản thân được tự phản biện chính mình

- Là giữ cho mình niềm tin thật “khỏe khoắn” rằng: dẫu những điều mình làm bây giờ chẳng cho ra điểm số hay giải thưởng chi cả, nhưng nó là con dao mà mình phải mài để mai kia ra biển lớn và bay lên cao, tự nhiên một ngày đẹp trời cần dùng đến nó thì ngó quanh, ít ai có mà chỉ mình có.


Cái niềm tin ấy là khó làm nhất, bởi lẽ lòng người chóng nản và dễ bị bao cám dỗ, nên con mắt chỉ nhìn vào nhiều điều “ăn ngay, may sẵn”, “học là phải có điểm, có giải”. Thế nên, nhiều người quên mất điểm số, giải thưởng sinh ra và tồn tại chưa chắc là để khuyến khích việc thực học, mà thường là mua lấy sự an tâm lỏng lẻo, đặc biệt trong nhịp sống vội vàng và thời đại “mì ăn liền” ngày nay.


Thế nên mới có chuyện bao nhiêu đứa trẻ viết trăm bài như một, điểm thi cao nhưng viết không nổi một bài gì cho ra hồn nếu đề bài khác với… mẫu đề thi, dàn bài cho sẵn. Có lẽ vì vậy, mà giờ đây không phải ai cũng nhìn rõ chân giá trị của việc thực học và tự học để xây dựng năng lực học tập trọn đời cho những đứa trẻ, mà thường hay đầu tư tiền bạc để mua lấy những cái tức thời, có thể long lanh đấy nhưng chưa chắc đã là rễ cây chắc sâu cho thân cây trường tồn với thời gian, bất chấp hạn hán hay gió mưa cuộc đời.

- - - - -

Trong gần chục năm đi dạy, từ tiểu học cho đến đại học, thì bản thân cũng đã nhìn thấy những câu chuyện đáng buồn và đáng tiếc. Một ví dụ là một nhóm học sinh tiểu học mình có duyên thỉnh thoảng được dạy chúng năm lớp 5.


Hồi đó, mỗi lần vào lớp là một lần mình được “thăng hoa” nhờ vào chúng nó. Chỉ cần có vài giây video, một bức tranh, một từ ngữ hay một câu thôi, thì gần 30 đứa là 30 bài viết khác nhau của cảm nhận và tư duy, câu chữ, trăm hoa đua nở. Chúng nó là nhóm trẻ đầu tiên cho mình tận mắt tin vào sức sáng tạo bất diệt của trẻ con.


Ấy vậy mà, vài năm sau, trong một dịp tình cờ được gặp lại khoảng một nửa trong số đó, thì đưa ra cái gì, chúng cũng ì ạch mãi mới chịu khởi động tư duy. Rồi khi nhìn bài viết của chúng thì ngày xưa là trăm hoa đua nở, còn bây giờ là trăm bài như một. Dẫu rằng chúng đều là học sinh ưu tú và ngôi sao sáng của những trường sáng nhất, giải nhất nhì thành phố.


Rồi đây, chúng ta sẽ gởi ra thế giới những người trẻ như thế nào: học vội vàng, học theo khuôn mẫu, học chỉ vì điểm số; hay là những người có thể linh hoạt “biến hóa” và sáng tạo ra những điều mới mẻ, kể cả khi không có đáp án, gia sư hay lò luyện thi?

Thế giới ngoài kia đã, đang và sẽ đi rất nhanh trên hành trình sáng tạo, thì chẳng lẽ nào chúng ta lại dậm chân tại chỗ hoặc đi giật lùi. Trong 6 kỹ năng mà các nhà tuyển dụng mỏi mắt tìm kiếm của sinh viên ra trường, thì sáng tạo và viết phân tích lập luận đã nắm giữ vị trí Top 3. Ấy vậy mà, học Tiếng Việt 12 năm mà không sáng tạo nổi 10 trang viết cho ra hồn (mà không cần đề cương, khuôn mẫu), hoặc học Tiếng Anh 8–10 năm mà chỉ biết viết theo vài khuôn mẫu 3–5 đoạn cho sẵn, thì với mình có lẽ đó cũng là một điều đáng buồn và đáng tiếc. Và mình càng không đồng ý khi không ít người lớn vẫn hay nói học sinh dốt, dở nên không viết nổi.


Mọi đổi thay, trước tiên, đều đến từ nhận thức. Nếu muốn lũ trẻ đổi thay, trước hết chúng ta cần phải thay đổi. Ở trường và ở nhà, trước hết chúng ta cũng cần nhìn lại chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm gì với lũ trẻ. Nhận thức được rồi thì chúng ta có làm và bền bỉ đến cùng?

Chúng ta đang là tấm gương như thế nào cho lũ trẻ?


“Nếu bạn thiết kế và vận hành một hệ thống, chương trình giáo dục mà chỉ dựa vào chuẩn hóa và điểm số, vốn dĩ bản chất là kìm hãm sự phát triển cá nhân, sự tưởng tưởng và sức sáng tạo, thì bạn đừng lấy làm lạ đó chính xác là những gì mà hệ thống và chương trình ấy nhào nặn ra. Là những đứa trẻ "chuẩn hóa", chỉ cần biết "điểm số" và thiếu sáng tạo, thiếu bản sắc cá nhân.” - Ken Robinson Trường học sáng tạo.


* Nguồn: Chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu



Comentarios


bottom of page