top of page

5 bước đơn giản để rèn luyện tư duy cho trẻ - Phương pháp “Tương tác và Phản hồi”


Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cần rất nhiều sự quan tâm và tương tác, nếu biết cách tận dụng, cha mẹ có thể xây dựng một nền tảng tư duy vững chắc cho não bộ của con trẻ. Từ đó giúp ích rất nhiều cho sự phát triển và khả năng học tập trong tương lai của con.


Đây là phương pháp cần ít nhất hai người để thực hiện. Phương pháp này được gọi là “Serve - and - Return” tạm dịch “Tương tác và Phản Hồi”. Cha mẹ có thể thực hiện theo 5 bước sau đây để thực hiện phương pháp này và rèn luyện tư duy cho trẻ.


1. Để ý đến tương tác của con và chia sẻ sự chú ý với trẻ



Con đang nhìn hoặc chỉ vào một điều gì đó? Con tạo ra âm thanh hoặc biểu cảm trên gương mặt con thay đổi? Con chuyển động tay và chân, đó chính là hoạt động tương tác. Điều quan trọng là cha mẹ để ý và nhận ra con đang bị thu hút và tập trung bởi điều gì để tham gia và phản hồi đúng lúc. Rõ ràng cha mẹ không thể dành cả ngày để quan sát con cái, bởi vậy hãy bắt lấy những cơ hội nhỏ và đơn giản nhất. Ví dụ, khi giúp con thay quần áo hay khi cùng con đi mua sắm và xếp hàng đợi thanh toán.


VÌ SAO? Bằng cách chú ý đến những tương tác con thực hiện với môi trường xung quanh, cha mẹ sẽ hiểu thêm rất nhiều về con cái từ khả năng, sở thích đến nhu cầu của con. Điều này sẽ giúp cha mẹ gắn kết với con hơn đồng thời có thể khuyến khích con tìm tòi và khám phá.


2. Phản hồi con bằng sự hỗ trợ và khuyến khích



Cha mẹ có thể giúp con cảm thấy thoải mái bằng cách ôm lấy con và trò chuyện một cách nhẹ nhàng, giúp đỡ con, chơi với con hoặc ghi nhận những gì con nói. Cha mẹ cũng có thể phản hồi lại con bằng cách tạo ra một âm thanh gì đó hoặc bằng biểu cảm trên gương mặt, ví dụ: “Ba/mẹ thấy rồi!”. Hãy mỉm cười và gật đầu để trẻ biết rằng cha mẹ cũng đang chú ý đến điều tương tự. Hoặc cha mẹ có thể nhặt đồ vật mà con đang chỉ vào và mang nó lại gần hơn.


VÌ SAO? Đối với trẻ, việc nhận được hỗ trợ và khuyến khích từ cha mẹ sẽ giúp kích thích sự hứng thú và tò mò nơi trẻ. Việc không nhận được bất kỳ động thái phản hồi nào từ cha mẹ có thể là nguyên nhân khiến trẻ căng thẳng. Khi cha mẹ đáp lại tương tác của con một cách vui vẻ, con sẽ hiểu và cảm nhận được rằng những suy nghĩ và cảm xúc của mình đang được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu.


3. Hãy đưa ra những danh từ cụ thể



Khi phản hồi con, bằng việc đưa ra những danh từ cụ thể cho những gì con đang thấy, đang làm, hoặc cảm nhận, cha mẹ đang tạo ra các kết nối ngôn ngữ quan trọng trong não của trẻ, ngay cả khi con chưa biết nói hoặc hiểu lời nói của cha mẹ. Nếu con chỉ vào bàn chân của mình, cha mẹ có thể làm điều tương tự và nói, “À, đây là đôi chân xinh của con đấy!”


VÌ SAO? Khi cha mẹ trả lời bằng những danh từ cụ thể cho những thứ đang thu hút sự chú ý của con, cha mẹ sẽ giúp con hiểu hơn về thế giới xung quanh. Đồng thời giúp con xây dựng vốn từ vựng và thể hiện cho con thấy sự quan tâm của cha mẹ.


4. Thay phiên nhau….và chờ đợi. Hãy giữ sự tương tác qua lại.



Mỗi khi đưa ra phản hồi, hãy cho trẻ thời gian và cơ hội để đáp lại. Việc dành thời gian chờ con là rất quan trọng. Trẻ cần khoảng thời gian này để hình thành câu trả lời, đặc biệt là khi con đang tiếp thu rất nhiều thứ cùng một lúc.


VÌ SAO? Việc tương tác qua lại sẽ giúp con học cách tự kiểm soát bản thân và cách hòa đồng với người khác. Bằng cách chờ đợi, cha mẹ sẽ giúp con có thời gian để hình thành ý tưởng của riêng mình cũng như xây dựng sự tự tin và độc lập. Chờ đợi cũng giúp cha mẹ hiểu hơn về các nhu cầu của con.


5. Luyện tập cách kết thúc và mở đầu



Trẻ sẽ ra dấu hiệu khi đã xong và sẵn sàng chuyển sang hoạt động mới. Có thể là buông bỏ một món đồ chơi, nhặt một món mới hoặc quay sang nhìn một thứ khác. Cũng có thể là bỏ đi chỗ khác, bắt đầu quấy khóc, hoặc nói, “Con xong rồi ạ!”. Khi cha mẹ chia sẻ cùng một sự tập trung và chú ý với con, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra khi con đã hoàn thành thứ con đang làm và sẵn sàng tham gia vào hoạt động gì đó mới.


VÌ SAO? Khi cha mẹ tạo ra những khoảnh khắc để cho trẻ tự làm chủ, có nghĩa cha mẹ đang hỗ trợ con trong việc tự khám phá thế giới của chính con và tạo ra thêm nhiều cơ hội cho “Tương tác và Phản hồi” hơn nữa.


Bằng cách dành những khoảnh khắc nhỏ trong ngày để thực hiện tương tác và phản hồi, cha mẹ sẽ xây dựng nền tảng để hình thành năng lực học tập trọn đời ở con, cũng như rèn luyện thái độ, sức khỏe và các kỹ năng giúp con vững vàng đối mặt với bất kỳ thử thách nào trong cuộc sống.


* Nguồn: Center on the Developing Child Havard University

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG

20 lượt xem
bottom of page