top of page

Dạy con tôn trọng sự khác biệt

Ở lứa tuổi nhỏ, các con rất thích phân loại mọi thứ theo màu sắc, hình dạng, hoặc chủng loại (ví dụ: ô tô hay là xe lửa). Nhận thức về thế giới của con được hình thành chính qua việc phân loại các sự vật như vậy. Thông thường, cha mẹ cũng hay khuyến khích con có ý thức hơn về điều này, bởi các con cũng cần ghi nhớ rằng các miếng ghép Lego cần được để ở trong hộp Lego tương ứng, sách cần phải để trên giá sách, và quần áo bẩn cần phải cho vào giỏ đựng quần áo cần giặt.


Tuy nhiên, việc phân định những điều như chủng tộc, giới tính, khả năng, hoặc các vấn đề liên quan tới con người thường khiến chúng ta cảm thấy bối rối. Nguyên nhân là vì những điều này khó có thể được xác định rạch ròi, cũng như việc có những nỗi lo rằng mình có thể đang áp đặt định kiến cá nhân hay gây xúc phạm tới những người khác,… 


Ví dụ, con trẻ có nhận thức khá cao về màu da khác nhau, kể cả các trẻ từ 6 tháng tuổi. Nhưng khi con hỏi về chuyện này, cha mẹ thường phản ứng như thế nào? Nghiên cứu cho thấy, đa số cha mẹ da màu có thể nói chuyện khá thoải mái và thường xuyên về các vấn đề liên quan tới chủng tộc. Tuy nhiên, 75% cha mẹ da trắng gần như không bao giờ nói về vấn đề này, mà thay vào đó lại chuyển sang chủ đề khác. Trong những trường hợp cha mẹ da trắng đề cập tới điều này, họ thường nói rằng “tất cả chúng ta đều giống như nhau”. Điều này sẽ dễ khiến con trở nên bối rối vì thực tế là con đã ý thức được ngoại hình khác nhau của mọi người. Đối với những trẻ lớn hơn, con sẽ băn khoăn rằng tại sao cha mẹ lại nói vậy trong khi con đã quan sát được rằng những người có màu da khác nhau được đối xử không giống như nhau.


Nếu cha mẹ lảng tránh một vấn đề nào đó, hoặc trở nên lúng túng khi một vấn đề được nhắc tới, con sẽ cảm thấy vấn đề này là điều kiêng kỵ không được phép nhắc tới. Thay vào đó, nếu cha mẹ chấp nhận và tôn vinh những sự khác biệt thì nhận thức của con sẽ thay đổi như thế nào?


Dạy con tôn trọng sự khác biệt cùng Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Trò chuyện về sự khác biệt


Khi cùng con đọc sách hoặc xem phim, cha mẹ có thể nói về sự khác biệt một cách cởi mở. Hãy đưa sự chú ý của con về những nội dung mô tả sự khác biệt trong màu da, độ tuổi, giới tính, cân nặng, khả năng, quần áo, trang phục, ngôn ngữ, hoàn cảnh gia đình, … Cha mẹ có thể dạy con một số tính từ miêu tả như “châu Á”, “đồng tính”, “khuyết tật”, “đa chủng tộc”, … Hãy chia sẻ những cụm từ này một cách tự nhiên như khi nói về bất cứ vấn đề nào khác. 


Điều này giúp các con học được rằng mỗi cá nhân không thể được định nghĩa bởi bất kỳ nhãn dán nào. Tuy nhiên, việc sở hữu một trường từ vựng cần thiết để mô tả những người xung quanh sẽ giúp con mở rộng phạm vi hiểu biết của mình khi con tiếp xúc với thế giới rộng lớn sau này.

Đồng thời, cha mẹ hãy cẩn thận để không áp đặt bất kỳ ý kiến cá nhân hay khuôn mẫu nào khi nói về những sự khác biệt. Ví dụ, những câu nói như ”bạn này chỉ có mỗi mẹ chứ không có bố. Chắc hẳn mọi thứ phải khó khăn với bạn ấy lắm”, “bạn ấy là người châu Á nên chắc hẳn phải học giỏi lắm”, “bạn nữ đó thích chơi bóng đá sao? Đó là môn thể thao dành cho con trai kia mà” đều là những câu nói thể hiện định kiến mà cha mẹ không nên dùng khi dạy con về sự khác biệt. 


Trò chuyện về những điểm chung 

Khi con chú ý tới sự khác biệt giữa hai sự việc hoặc vấn đề, cha mẹ có thể bổ sung những điểm chung vào cuộc trò chuyện đó. Sau đây là một số ví dụ:


”Con nói đúng rồi đó. Màu da của bạn ấy khác của con. Tổ tiên của bạn ấy tới từ nơi khác. Nhưng cha/mẹ nghĩ là bọn con đều thích chơi bóng đá đó.”


“Đúng rồi, con chỉ có mỗi một cha/mẹ thôi, và đa số bạn bè trong lớp của con đều có hai bố mẹ. Có thể các bạn sẽ có một cha và một mẹ, hoặc là hai người cha, hoặc là hai người mẹ. Nhưng tất cả các con đều được yêu thương phải không nào?”


“Những người đó ăn mặc như vậy vì trang phục đó đại diện cho tôn giáo của họ. Chúng ta không có quần áo đặc biệt như vậy, nhưng chúng ta cũng có những kỳ nghỉ lễ đặc biệt dựa trên tín ngưỡng của mình đó.” 


Trả lời những câu hỏi về sự khác biệt

Khi nhìn thấy một người phụ nữ khuyết tật, có thể con trẻ sẽ đặt câu hỏi:”Cha/Mẹ ơi, tại sao người phụ nữ kia chỉ có một chân thôi ạ?”. Khi nghe thấy câu hỏi này, sẽ có cha mẹ chọn cách phớt lờ, thay đổi chủ đề, hoặc nhắc con yên lặng và kéo con đi xa khỏi người phụ nữ. Tuy nhiên, những phản ứng này sẽ khiến con có ấn tượng rằng việc khiếm khuyết một bộ phận trên cơ thể là một vấn đề kiêng kỵ không nên nhắc tới và con sẽ dần hình thành suy nghĩ rằng khuyết tật là một điều đáng xấu hổ.


Thay vào đó, khi con đặt câu hỏi về những sự khác biệt, cha mẹ có thể:

  • Thừa nhận sự khác biệt. “Con quan sát đúng đó. Điều này khác với những gì con hay nhìn thấy, nhưng nó hoàn toàn bình thường.”

  • Đưa ra một câu trả lời đơn giản nếu cha mẹ biết. “Cô ấy đang dùng nạng để có thể đi lại được.” Hoặc nếu không rõ, cha mẹ có thể đưa ra một câu trả lời chung hơn như “Cha/mẹ cũng không biết tại sao người phụ nữ ấy lại chỉ có một chân…một vài người sinh ra đã như vậy. Nhưng cũng có thể cô ấy đã gặp tai nạn và mất đi một chân con ạ.”

  • Cố gắng hiểu cảm xúc của con. Nếu con đơn giản chỉ tò mò và muốn hiểu thêm, cha mẹ hãy giải đáp câu hỏi của con. Nếu cha mẹ cảm thấy con đang lo sợ hoặc nghi ngại về một vấn đề gì đó, hãy cố gắng tìm hiểu băn khoăn thật sự của con và giúp con tháo gỡ khúc mắc đó.


Đa dạng hóa thế giới quan của con bằng cách:

  • Trải nghiệm ẩm thực từ các nền văn hóa khác nhau

  • Tham quan bảo tàng

  • Đọc sách hoặc xem phim từ các đất nước khác nhau

  • Kết bạn với những người ở các độ tuổi khác nhau

  • Tham gia các sự kiện tổ chức bởi những cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng khác

  • Lựa chọn sinh sống ở cộng đồng dân cư đa dạng hơn


Trò chuyện về sự bất bình đẳng

Khi con ở độ tuổi mầm non, cha mẹ hãy tập trung vào việc xây dựng ý thức và hiểu biết của con về việc tôn trọng những sự khác biệt và đa dạng


Khi con vào tiểu học, hãy dạy con rằng tuy mọi người có thể khác nhau, chúng ta đều có các quyền lợi giống nhau và xứng đáng được đối xử như nhau.

Khi các con lớn hơn (tầm 8 tới 10 tuổi), cha mẹ có thể khơi gợi suy nghĩ của con bằng cách đặt câu hỏi:”Chúng ta nên sở hữu các quyền lợi và cơ hội giống nhau, nhưng điều này lại chưa tồn tại trên thực tế. Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp mọi người nhận được các cơ hội bình đẳng như nhau?”


Với các con ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các con có thể tham gia vào các cuộc thảo luận về các vấn đề về áp bức mang tính hệ thống như phân biệt tầng lớp, phân biệt đối xử với người khuyết tật, kỳ thị người đồng tính, … Áp bức mang tính hệ thống có nghĩa là cách xã hội vận hành giúp một số nhóm người sở hữu nhiều lợi ích hơn so với những nhóm yếu thế khác. Nếu chúng ta hưởng lợi từ những chế độ này, chúng ta nên tìm cách đấu tranh giành sự công bằng cho những người khác để bảo đảm rằng mọi người nhận được những lợi ích như nhau.


Khi xu hướng toàn cầu hóa phát triển và xã hội ngày càng trở nên đa dạng, ta càng phủ nhận sự hiện diện của nạn phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính thì những vấn đề này lại càng có cơ hội nảy nở. Nếu cha mẹ có thể cùng con trò chuyện về những vấn đề này một cách gợi mở và chân thành, điều đó sẽ góp phần mang tới một xã hội công bằng và bình đẳng hơn cho mọi người.


*Nguồn: More Good Days - Parenting Blog

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global



260 lượt xem
bottom of page