top of page

6 cách xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con

Vấn đề "muôn thuở" của con trẻ có lẽ đó là ăn uống lành mạnh. Năm học mới cũng đã vào guồng quay, các con cũng đã dần bắt nhịp với cuộc sống học tập mỗi ngày. Để có thể học tập tốt, xây dựng nền tảng sức khỏe tốt cho lẽ chính là một trong những điều kiện cần và chính là thói quen theo con đường dài khi trưởng thành. Chính thói quen ăn uống tốt sẽ đóng vai trò tác động tích cực đến năng lực học tập, sức bền và khả năng đương đầu với những thử thách trong cả năm học của con.


Thức ăn chất lượng và giàu dinh dưỡng là nền tảng cấu thành nên sức khoẻ của các con, đồng thời đảm bảo cho các con rất nhiều lợi ích liên quan đến năng lực học tập và xa hơn là cả cuộc sống sau này của con. Dạy con từ nhỏ những thói quen ăn uống lành mạnh còn đóng góp cho sự gắn kết của cả gia đình – khi cả gia đình cùng nhau thực hiện mục tiêu hướng đến gia đình khỏe mạnh.


NghechameIEG gửi đến ba mẹ 6 cách để có thể xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con và cả gia đình.

1. Cha mẹ chính là người cần xây dựng thói quen ăn uống tích cực


Cha mẹ sẽ luôn là tấm gương đầu tiên mà con soi chiếu. Điều này có nghĩa rằng con sẽ theo dõi những thói quen của cha mẹ thực hành thường ngày để học theo, hoặc học trong vô thức. Vì thế, hãy bắt đầu dạy con thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách chính cha mẹ cũng phải có những thói quen đó.


Cố gắng sắp xếp để con được cùng cha mẹ trong quá trình chọn lựa thực phẩm và xây dựng thực đơn lành mạnh. Chính việc này sẽ khuyến khích con nhận biết thực phẩm lành mạnh. Con sẽ cảm thấy mình đóng góp một phần trong quá trình xây dựng thói quen ấy. Ngoài ra, đây còn là một cơ hội để con học hỏi và tìm hiểu cách gọi tên và phối hợp các loại thức ăn để tạo ra nguồn dinh dưỡng chất lượng nhất.


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

2. Lắng nghe cơ thể, thấu hiểu bản thân


Hãy giúp con cách lắng nghe nhu cầu của cơ thể mình, kể cả những khi con đói. Cách này như một lời gợi nhắc con về việc cần chú ý và quan sát những thay đổi bên trong mình mỗi ngày trước khi quyết định phải nạp thức ăn hay nước uống gì vào cơ thể.


Hãy giúp con nhận biết và tỉnh táo với việc sử dụng thức ăn như một phần thưởng hay trừng phạt một cách quá đà. Nếu với tư duy sử dụng thức ăn theo cách này, con sẽ rất dễ tự tạo ra những thói quen độc hại cả nghĩa đen và nghĩa bóng với thức ăn.


Không cần thiết phải cấm con ăn bất kỳ món ăn nào. Hãy linh hoạt và thay đổi những thói quen dần dần mà không quá cực đoan. Ví dụ, những chiếc bánh ngọt luôn thu hút trẻ nhỏ, cha mẹ hãy bắt đầu bằng những chiếc bánh ít đường được làm ở nhà. Đôi khi thói quen này lại có thể khiến con thích thú hơn mà vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Thay vì nói không một cách cực đoan với những đồ ăn thức uống không lành mạnh, hãy thay đổi dần dần cha mẹ nhé!


3. Làm bạn với rau củ và trái cây


Như đã nói từ đầu, có thể chính cha mẹ lại là “bài học” rõ ràng nhất cho con. Để xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh thì không thể không bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết thông qua rau củ và trái cây. Hãy cùng con chuẩn bị phần thức ăn này trở nên đặc biệt và nhiều màu sắc. Hãy thử nghĩ, con và cha mẹ có thể tạo nên những dĩa trái cây nhiều màu sắc, sống động thì sẽ kích thích trí tưởng tượng và sự yêu thích với những món mà có thể đối với con là khó khăn này!


4. Ưu tiên kiểm soát thành phần dinh dưỡng trong các món ăn.


Một bữa ăn “lố” sẽ tăng khả năng dẫn đến tăng cân, vì vậy, việc hướng dẫn con tự tính khẩu phần ăn hợp lý là vô cùng quan trọng, không để thức ăn thừa vì điều đó có nghĩa là lãng phí thức ăn. Cách cụ thể và đơn giản nhất để dạy con trong việc am hiểu về khẩu phần ăn chính là dùng biểu đồ minh hoạ: ăn gì và bao nhiêu cho mỗi bữa, mỗi ngày.


5. Bắt đầu một ngày mới bằng những món ăn lành mạnh


Thường những buổi sáng là thời gian vội vã của gia đình: cha mẹ chuẩn bị đi làm, các con chuẩn bị đi học. Bữa sáng sẽ dễ bị quên đi hoặc “ăn gì cũng được cho nhanh và đỡ đói”. Hãy cố gắng chuẩn bị những bữa sáng đủ dinh dưỡng để có một ngày vừa đủ năng lượng. Hãy ghi nhớ, bữa sáng được khuyến khích nên là một buổi ăn vừa phải, không quá thừa năng lượng để giữ được sự tỉnh táo suốt cả ngày.


6. Làm gì cũng phải vui


Các chuyên gia cho rằng, mỗi ngày các con cần ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất, vận động, tương tác tích cực. Tại sao lại như thế và tại sao cần phải vui trong mọi việc mình làm? Ví dụ hãy thử nghĩ chúng ta có thể làm gì sau mỗi bữa ăn no nê? Đi dạo một vòng nhẹ nhàng? Vận động nhẹ hay cùng xem TV? Những hoạt động nhỏ sẽ tạo hạnh phúc và sự gắn kết to. Nhưng cũng lưu ý con với những thói quen liên quan khác không tốt như: vừa xem TV vừa ăn, tắm ngày sau khi ăn tối… Kết hợp thói quen ăn uống lành mạnh và các hoạt động vui vẻ càng làm tăng trải nghiệm ăn uống tốt và khoẻ cho con và cả gia đình.


Sẽ có rất nhiều cách khác nhau và cần rất nhiều sự điều chỉnh cũng như kiên trì từ phía bố mẹ, nhưng IEG Global hy vọng rằng, những mẹo nhỏ bên trên sẽ giúp ích phần nào cho bố mẹ trong quá trình đồnh hành cùng con ăn uống và sống tích cực hơn.



*Nguồn: Unicef

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global


bottom of page