top of page

Trở thành cha mẹ "tỉnh thức" (phần 2)

Với nhiều cha mẹ bận rộn, việc cân bằng giữa nhiều trách nhiệm khác nhau thực sự là một thách thức lớn. Có rất nhiều công việc cần thực hiện như chuẩn bị cho một ngày mới, vệ sinh cá nhân, ăn trưa, đón con từ trường về nhà (để con không trở thành người muộn nhất được đón), chuẩn bị bữa tối, tập thể dục thể thao, trong khi vẫn phải làm một công việc toàn thời gian. Chúng ta vừa cố gắng tổ chức những sự kiện quan trọng, vừa tận hưởng những khoảnh khắc bình dị hơn, và kết quả là thời gian biểu trở nên dày đặc tới nỗi cha mẹ không còn chút quỹ thảnh thơi nào.


Tuy nhiên, cha mẹ tỉnh thức (mindful parenting) không phải là việc trở thành những người cha mẹ hoàn hảo hay phải túc trực và quan tâm tới con 24/7. Cha mẹ tỉnh thức cũng không phải là việc nuôi dạy một đứa con trở nên hoàn hảo. Có 4 từ khoá để cha mẹ có thể bắt đầu thực hành sự chú tâm trong việc nuôi dạy con.


Trong phần 1, chúng ta đã tìm hiểu về hai từ khóa đầu tiên trong hành trình trở thành cha mẹ tỉnh thức là sự hiện diện (presence) và sự tự nhận thức (self-awareness). Trong bài viết ngày hôm nay, Nghề Cha Mẹ sẽ giới thiệu về hai từ khóa còn lại: sự bình tĩnh (calmness) và cảm giác an toàn (security). 


Sự bình tĩnh - Calmness

Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, việc đồng hành cùng con và trở thành tấm gương làm mẫu cho con là điều rất quan trọng. Để con học được cách điều chỉnh cảm xúc của mình, con cũng phải thấy được cha mẹ thực hành làm việc đó. Khi cha mẹ giữ được sự bình tĩnh trong mọi tình huống căng thẳng, con sẽ nhìn cha mẹ để học tập.


Khi một đứa trẻ đánh mất sự kiểm soát với cảm xúc của bản thân, con cần người lớn tạo ra một không gian đủ an toàn để kết nối trở lại với chính mình. Trong môi trường này, con có thể bộc lộ bất cứ cảm xúc nào mà không bị đánh giá. Cha mẹ hãy ngồi cùng con và ở bên con khi con trải qua những cảm xúc khó khăn. Hãy để con biết rằng cha mẹ luôn ở bên cạnh khi mọi chuyện chưa được suôn sẻ.


Sẽ có những lúc việc điều hòa cảm xúc cá nhân cũng là một thách thức đối với cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ có thể sẽ có những lời nói hoặc hành vi làm tổn thương đến con. Ví dụ, cha mẹ có một ngày làm việc mệt mỏi và chỉ muốn lên giường nghỉ ngơi ngay lập tức. Nhưng con cũng vừa kết thúc một ngày học dài và chỉ muốn về nhà để chơi với cha mẹ. Việc con dính lấy cha mẹ và nằng nặc gây sự chú ý có thể là nhân tố khiến cha mẹ trở nên nóng giận nhất thời và quay ra mắng con. Tuy nhiên, một khi cha mẹ bình tĩnh trở lại và suy nghĩ về lý do gốc rễ cho hành vi của con lúc đó, cha mẹ sẽ dần nâng cao sự trắc ẩn cũng như rèn luyện khả năng giữ bình tĩnh cho những tình huống tương tự sau này. 


Như vậy, khi cảm xúc của con bùng nổ và con mất đi sự bình tĩnh, cha mẹ có thể đồng hành cùng con đi qua những cảm xúc này. Cha mẹ hãy từ tốn, hỏi xem con cần những sự trợ giúp gì, chia sẻ và cảm thông với những trải nghiệm của con và thật sự hiểu con đang cảm thấy thế nào. Việc cha mẹ ở bên cạnh con thôi cũng là một sự giúp ích rất lớn.

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Cảm giác an toàn - Security

Yếu tố cuối cùng trong việc thực hành làm cha mẹ tỉnh thức là tạo ra cảm giác an toàn.

Ví dụ ở phần trước đã cho thấy tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường lành mạnh và không đánh giá để cha mẹ cùng con khám phá những cảm xúc của mình. Đây là yếu tố nền tảng để giúp con xây dựng sự tự tin khi trưởng thành trong một thế giới phức tạp với nhiều nguy hiểm rình rập. Khi con có được cảm giác an toàn từ nội tại, con sẽ vững vàng hơn khi đương đầu với các thử thách và cũng ít sa đà hơn vào những hành vi thiếu lành mạnh để đối phó với những tâm trạng tiêu cực.


Khi cha mẹ chia sẻ mọi nỗi niềm cùng con, ta cũng đang dạy con rằng mọi cảm xúc đều  xứng đáng được trân trọng. Khi cha mẹ tạo đủ sự tin tưởng để con có được một chỗ dựa vững chắc, con cũng sẽ dần tin tưởng vào bản thân hơn. Tin nhắn mà cha mẹ cần truyền đạt tới con là bất kể con có cảm thấy ra sao hay đang ở trong trạng thái như thế nào, cha mẹ vẫn luôn ở bên để cùng con bước qua mọi việc.


Cha mẹ tỉnh thức không yêu cầu chúng ta phải trở nên hiền hòa và bao dung quá độ với con. Con cần tình yêu thương. Nhưng con cũng cần sự kỷ luật. Khi cha mẹ ý thức được cảm xúc nội tại của mình, cha mẹ cũng sẽ kiểm soát bản thân tốt hơn. Bằng việc thể hiện rằng mình có thể làm chủ cảm xúc trong cuộc sống thường nhật, cha mẹ sẽ làm tấm gương để con noi theo trên hành trình làm việc với cảm xúc của bản thân.


Cha mẹ có thể xây dựng cảm giác an toàn ở con bằng việc dành thời gian để kết nối với con. Ví dụ, mỗi ngày cả nhà có thể cùng nhau ngồi lại để chia sẻ về những điều tốt hoặc xấu xảy ra trong ngày. Điều quan trọng hơn cả là hãy tạo ra một không gian cởi mở để cảm con thấy an toàn và thoải mái nói ra bất cứ điều gì. 


Cuối cùng, học cách từ bỏ cũng là một phần của quá trình nuôi dạy con. Khi làm cha mẹ, chúng ta lúc nào cũng chỉ muốn con được an toàn và gặp ít tổn thương nhất có thể. Nhưng đó không nên là mục tiêu mà cha mẹ hướng tới. Việc trở thành những bậc cha mẹ hoàn hảo và cố gắng kiểm soát mọi biến số trong cuộc đời để bảo vệ con sẽ dần khiến cha mẹ kiệt sức và tăng thêm áp lực lên chính mình.


Khi từ bỏ, cha mẹ sẽ học cách đối diện với sự thật rằng cuộc sống của con không phải lúc nào cũng nằm trong sự điều khiển của chúng ta. Thay vì cố gắng giành giật sự kiểm soát, cha mẹ hãy tin tưởng vào quá trình trưởng thành của con. Mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng sẽ luôn có những bài học để rút kinh nghiệm. Việc cha mẹ có thể làm là tin tưởng vào sức mạnh tinh thần của con.

 

*Nguồn: Reset Brain and Body

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global







96 lượt xem
bottom of page