top of page

Lạc quan đến từ đâu?



Quá trình chuyển cấp có thể rất khó khăn. Một học sinh lớp 9 gần đây đã kể lại việc nhìn thấy một người bạn học cùng cấp hai đi ngang qua trong hành lang "mà chẳng cười hay chào hỏi nhau”. Cô bé tâm sự:


Cháu cảm thấy như mình vô hình vậy.

Đối với trẻ em, những sự kiện nhỏ như thế này giống như dấu hiệu thể hiện rằng nhiều điều tồi tệ hơn sắp xảy ra. Như một cô bé tuổi teen khác chia sẻ với tôi:


Cháu cảm giác rằng mình sẽ không có nổi bất kỳ người bạn nào trong buổi họp mặt ở trường.

Là một nhà khoa học, tôi muốn giúp những đứa trẻ cảm thấy lạc quan hơn trong những giai đoạn thay đổi trong cuộc sống. Tôi phát hiện ra rằng nếu trẻ nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi con người của mình - một “kẻ bắt nạt” hay một “nạn nhân”, một người “tốt” hay một kẻ “xấu” - thì chúng cũng sẽ tin rằng những khó khăn nhỏ chính là dấu hiệu cho một tương lai không bằng phẳng.



Thật không may, giúp tuổi teen đối phó với căng thẳng không chỉ đơn giản là nói với chúng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Phương pháp thực sự hiệu quả là cho chúng lí do để hy vọng rằng nhân cách tiềm ẩn bên trong con người có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Đây gọi là “tư duy phát triển” về nhân cách và nó được đúc kết thành một thông điệp đơn giản:


Con người ta có thể thay đổi.

Trong một chuỗi thử nghiệm, chúng tôi đã dạy thanh thiếu niên rằng những danh hiệu phân biệt mà chúng ta thường áp đặt lên người khác như “người chiến thắng” hay “kẻ thua cuộc” là sai trái và hoàn toàn không định nghĩa được con người của bạn. Kết quả là, học sinh ít bị căng thẳng hơn nếu gặp phải thất bại, có khả năng tập trung chú ý hơn ở trường, đạt điểm cao hơn, và ít suy sụp, chán nản hay phiền não hơn vào cuối năm học.


ĐỪNG cố gắng an ủi những đứa trẻ đang căng thẳng bằng những lời khen ngợi - “Đừng lo lắng, con sẽ ổn thôi” - hoặc “dán nhãn” những đứa trẻ khác với ngụ ý rằng chúng sẽ chẳng bao giờ thay đổi được chẳng hạn như - “Mấy đứa đó chỉ là những kẻ bắt nạt thôi” - hoặc - “Con là người tốt còn lũ trẻ kia thật là hư hỏng”.


HÃY giúp trẻ thấy rằng mặc dù có thể mất nhiều thời gian, nhưng mọi người đều có thể thay đổi để tốt hơn. Và thay vì nói rằng con nên nghĩ như thế này, thế kia, hãy yêu cầu chúng giải thích cho bạn (hoặc bạn bè) tại sao quan niệm này có thể đúng. Việc ghi nhận quan điểm của trẻ sẽ giúp thúc đẩy tư duy phát triển tư duy phát triển ở trẻ.

* Nguồn: Character lab

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


36 lượt xem
bottom of page